Nghẹn ngào thương quất Tứ Liên

Trải qua sự tàn phá từ cơn bão số 3 (Yagi), những khu vườn quất Tứ Liên (Tây Hồ, Hà Nội) đã hứng chịu thiệt hại nặng nề. Trận lũ lớn bất ngờ đã nhấn chìm hàng chục nghìn gốc quất cảnh trong nhiều ngày. Dù đã gắng sức cứu cây giữa bão lũ, người nông dân vẫn không khỏi “chết lặng” khi nhìn cả gia tài xanh tươi giờ xác xơ vàng úa.
Quận Tây Hồ: Dọn vệ sinh môi trường với tinh thần chủ động, hiệu quả Người dân Tứ Liên giải cứu quất khỏi ngập lụt

Đập chum để cứu cây nhưng không xuể

Càng đi sâu vào khu vực canh tác quất tại Tứ Liên, hình ảnh hàng đụn rác chất trải dài trên con đường càng rõ nét. Nhìn kỹ, đây chính là những gốc quất bụi, quất bonsai từng có giá hàng triệu đồng một gốc nay nằm chỏng chơ, khô héo trong sự tiếc nuối của người nông dân.

Nghẹn ngào thương quất Tứ Liên
Hàng đống gốc quất hỏng bị chất chồng bên vệ đường
Được biết, trung bình mỗi vườn cây có khoảng từ 200-700 gốc quất tùy diện tích của vườn. Theo chia sẻ của các chủ vườn tại Tứ Liên, thiệt hại trận lũ gây ra khiến mỗi vườn mất trắng 60-90% số lượng quất đang chăm sóc.

Theo chia sẻ của nhiều chủ vườn, trận lũ lớn bất ngờ khiến nhiều hộ trồng quất không kịp trở tay.

Chị Trần Thị Hoa, một chủ vườn chia sẻ: “Chỉ từ nửa đêm đến rạng sáng 11/9, lũ đã dâng lên hơn 1m. Tôi và chồng, con cuống cuồng cứu quất trong đêm. Nhưng sức người có hạn, những cây quất lớn trị giá hàng triệu đồng quá nặng nên không thể di chuyển khỏi vị trí. Dù tôi đã tiến hành đập chum, chậu để đưa quất ra khỏi khu vực ngập lụt nhưng chẳng thể làm xuể”.

Nghẹn ngào thương quất Tứ Liên
Hàng dài quất héo tàn là nỗi buồn không thể che giấu của người nông dân Tứ Liên
Nghẹn ngào thương quất Tứ Liên
Những khu vườn chẳng còn màu xanh

Lũ rút đi bỏ lại cả một cánh đồng bạt ngàn quất Tứ Liên khô héo, vàng úa. Người dân ai nấy đều thất thần, nghẹn ngào vì thất thu hàng trăm triệu đồng.

Theo thông tin từ UBND quận Tây Hồ, vườn quất Tứ Liên chịu thiệt hại nặng nề, 35,5ha quất cảnh trên địa bàn bị ngập úng, tổng thiệt hại lên tới hơn 37 tỷ đồng.

Nghẹn ngào thương quất Tứ Liên
Các nhà vườn dù đã cố gắng hết sức để cứu tài sản giữa dòng lũ (ảnh chụp ngày 11/9)
Nghẹn ngào thương quất Tứ Liên
Nhưng những chậu quất lớn rất khó để di chuyển khiến mỗi vườn chỉ nỗ lực đưa được một số gốc quất giá trị nhất ra khỏi vườn (ảnh chụp 11/9)

Theo đồng chí Nguyễn Thanh Tịnh – Phó Chủ tịch UBND quận Tây Hồ, quận đã xây dựng kế hoạch, bố trí nguồn lực khoảng 85 tỷ đồng nhằm hỗ trợ người dân vay vốn, phục hồi sản xuất canh tác, ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội quận.

“Theo thống kê chưa đầy đủ, mưa lũ đã khiến 1.018 người lao động (người đang canh tác, sản xuất tại các vườn đào, quất, hoa màu) trên địa bàn quận bị ảnh hưởng. Trong đó, hơn 600 trường hợp đã vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội, hơn 400 trường hợp chưa vay vốn, đối với những trường hợp này, quận Tây Hồ sẽ có biện pháp giãn nợ, cho vay, cho vay tiếp nếu người lao động có nhu cầu với lãi suất 0%”, đồng chí Nguyễn Thanh Tịnh cho biết.

Mất hết rồi, giờ không biết lo cho gia đình thế nào...

Chị Hoàng Thị Phương, chủ vườn quất Phương Thảo tại Tứ Liên, bần thần nhìn những hàng dài quất cảnh héo úa trong bất lực. Gia đình chị có bốn thành viên, trông cả vào thu nhập của vườn quất mùa Tết sắp tới. Nhưng chỉ sau vài ngày bão lũ, công sức cả năm của chị và chồng đã “đổ sông đổ bể”.

Chị Phương chia sẻ, vườn quất của chị vẫn thuộc vào số ít may mắn khi vẫn còn giữ được vài gốc quất giá trị. Nhiều anh chị em đồng nghiệp tại Tứ Liên đã mất trắng cả vườn mà không cứu được nổi một cây.

Nghẹn ngào thương quất Tứ Liên
Chị Hoàng Thị Phương vẫn chưa thể tin công sức cả năm trời đã "đổ sông đổ bể"
Nghẹn ngào thương quất Tứ Liên
Mực nước ngập được thể hiện rất rõ ngay cả ở thời điểm hiện tại qua tầm héo úa của những hàng quất

“Cố gắng lắm hai vợ chồng chúng tôi mới chạy cứu được một vài cây quất thế loại to”, chị Phương nghẹn ngào và nói thêm: “Còn lại những cây nằm sâu phía dưới vườn tôi không thể cứu được. Nước ngập cao quá đầu người lên tới 1m7 thậm chí 2m khiến việc cứu cây là bất khả thi.

Nhìn vườn quất tan hoang tôi đau lắm. Bao nhiêu năm bám trụ với nghề, kinh tế gia đình phụ thuộc cả vào vườn để thuốc thang cho chồng đau ốm, con đi học. Giờ mất hết rồi, tôi không biết phải lo cho gia đình tôi thế nào trong mùa Tết sắp tới”.

Nghẹn ngào thương quất Tứ Liên
Các chủ vườn buộc phải cắt trụi gốc quất, đợi khô sau đó đổ hết đất ngấm bùn để chuẩn bị cho mùa cây mới vào năm 2025
Nghẹn ngào thương quất Tứ Liên
Đây từng là khu vườn xanh tốt với vô số cây quất thế to lớn đầy ấn tượng. Nay chỉ còn lại những bình, chậu trơ trọi đầy đau lòng

Đối với người nông dân trồng quất Tứ Liên, đây là nghề “làm một năm, ăn một mùa”. Các cây quất cảnh sẽ được chăm sóc từ mầm, gốc non, tưới tiêu, cắt tỉa và tạo dáng cho cây trong suốt thời gian từ sau Tết Âm lịch năm trước đến mùa Tết Âm lịch năm sau.

Mỗi gốc cây là tâm huyết và công sức của bao người nông dân trồng quất vất vả trọn nắng mưa cả năm ròng. Giờ đây, người nông dân Tứ Liên đã mất hết hi vọng có thể cứu vãn được đồng vốn bỏ ra, chỉ mong thu lại “được đồng nào hay đồng ấy” để bù đắp chút ít vào thiệt hại phải gánh chịu.

Nghẹn ngào thương quất Tứ Liên
Khu vườn rộng lớn xác xơ là nỗi lo nặng trĩu trong lòng chị Hoàng Thị Phương và các chủ vườn khác
Nghẹn ngào thương quất Tứ Liên
Giờ đây, nguồn tài chính của họ gần như mất trắng, tinh thần cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng do mất mát

Chị Hoàng Thị Phương chia sẻ: “Hiện tại đã là tháng 8 Âm lịch, chúng tôi không thể bắt đầu lại từ đầu vào thời điểm này do thời tiết, thủy thổ không thích hợp để gieo trồng lứa cây mới. Giờ các nhà vườn chỉ biết cắt trụi toàn bộ cây chết, cây bệnh, trốc hết gốc trong chậu ra để chuẩn bị sau Tết sẽ gieo trồng mầm mới.

Tuy nhiên, sau bão lũ, giá cả cây giống chắc chắn sẽ tăng cao, điều này tiếp tục lại là trở ngại cho các nhà vườn để “khởi động lại” cho năm sau. Trăm nghìn cái khó, nhưng âu cũng do thiên tai, điều này không thể tránh khỏi. Các nhà vườn cũng sẽ tích cực rút kinh nghiệm để phòng chống bão lụt trong thời gian tới, tránh để thiệt hại quá lớn như những gì cơn bão Yagi đã gây ra”.

Trong thời gian sắp tới, hi vọng những nguồn lực hỗ trợ, các nguồn cho vay vốn theo chính sách dành cho người nông dân của quận Tây Hồ sẽ là động lực để bà con nông dân làm lại từ đầu, tiếp tục xây dựng tên tuổi cho quất Tứ Liên phục hồi mạnh mẽ hơn xưa.

Tùng Linh
Phiên bản di động