Vụ nợ thẻ Eximbank 8,5 triệu thành 8,8 tỷ đồng: Chuyên gia nói gì?

Theo ý kiến của chuyên gia, việc nợ thẻ tín dụng gần 8,5 triệu đồng tại Eximbank mà sau 11 năm tính lãi lên tới 8,8 tỷ đồng là có dấu hiệu bất thường.
Thống đốc vào cuộc vụ vay thẻ Eximbank 8,5 triệu lãi thành 8,8 tỷ đồng Vay thẻ Eximbank 8,5 triệu tính lãi thành 8,8 tỷ đồng: Rút ra bài học gì?

Tại cuộc họp báo mới đây, ông Nguyễn Hồ Hoàng Vũ - Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Xuất Nhập Khẩu (Eximbank) đã chia sẻ thông tin về vụ việc khách hàng P.H.A (Quảng Ninh) nợ tín dụng 8,5 triệu đồng thành nợ 8,8 tỷ đồng sau 11 năm.

Ông Hồ Hoàng Vũ cho hay, đối với sản phẩm thẻ tín dụng quốc tế, ngân hàng trước khi đưa ra chính sách về lãi và phí đều tham khảo các thông lệ trên thị trường, cũng như các sản phẩm của các ngân hàng tương đồng và có xét đến yếu tố cạnh tranh.

Ở trường hợp của khách hàng P.H.A, nợ thẻ quá hạn đến 11 năm, quy trình thông thường thì cán bộ xử lý thẻ của ngân hàng phải căn cứ tình hình nợ để đề xuất cấp lãnh đạo một mức thu phí trước khi làm việc với khách hàng.

Vụ nợ thẻ Eximbank 8,5 triệu thành 8,8 tỷ đồng: Chuyên gia nói gì?
Công văn thông báo về khoản nợ xấu của khách hàng P.H.A.

Tuy nhiên, lần này, cán bộ thực hiện công tác xử lý nợ đã không thực hiện theo quy trình, mà gửi một thông báo hết sức máy móc đến khách hàng, dẫn đến sự bức xúc của khách hàng.

"Chúng tôi rất lấy làm tiếc về sự việc xảy ra và đã rất tích cực làm việc với khách hàng. Đại diện của Eximbank đã gặp gỡ khách hàng và cùng trao đổi thẳng thắn trên tinh thần hợp tác, thấu hiểu và chia sẻ. Chắc chắn là sẽ không có chuyện ngân hàng thu phí 8,8 tỷ đồng mà sẽ tính toán mức hợp lý", ông Hồ Hoàng Vũ khẳng định.

Liên quan đến vụ việc này, trước đó, Ngân hàng Nhà nước đã có văn bản gửi Chủ tịch Hội đồng quản trị và Tổng Giám đốc Eximbank yêu cầu phải bố trí lãnh đạo ngân hàng trực tiếp trả lời hoặc thông tin với các cơ quan báo chí và dư luận xã hội về trách nhiệm, quyền hạn và phương hướng xử lý vụ việc với tinh thần cầu thị, lắng nghe, tiếp thu ý kiến góp ý của người dân.

Đồng thời, lãnh đạo Eximbank phải khẩn trương xác minh vụ việc, bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của khách hàng và ngân hàng.

Vụ nợ thẻ Eximbank 8,5 triệu thành 8,8 tỷ đồng: Chuyên gia nói gì?
Ông Nguyễn Quang Huy - CEO Khoa Tài chính - Ngân hàng trường Đại học Nguyễn Trãi (NTU).

Chia sẻ quan điểm về vụ việc này, ông Nguyễn Quang Huy - CEO Khoa Tài chính - Ngân hàng trường Đại học Nguyễn Trãi (NTU) cho rằng, việc nợ thẻ tín dụng gần 8,5 triệu đồng tại Eximbank mà sau 11 năm lên tới 8,8 tỷ đồng là có dấu hiệu bất thường, có thể phía ngân hàng đã tính lãi kép (tính lãi trên gốc dồn lãi thay vì theo số gốc nợ chi tiêu ban đầu).

Theo ông Huy, nếu chỉ tính lãi suất thẻ trên số nợ gốc ban đầu, ở đây là 8,5 triệu đồng. Với lãi suất giả định 87%/năm như tại Eximbank, tiền lãi và gốc khách hàng phải trả đến tháng 9/2023 chỉ khoảng 90,4 triệu đồng.

Hoặc áp dụng mức lãi suất quá hạn thẻ khoảng 20%/năm như Agribank đang triển khai trên thị trường, tiền lãi phát sinh sau 11 năm chỉ là 18,8 triệu đồng (giả định lãi suất không thay đổi qua các kỳ). Như vậy, tiền gốc và lãi sau 11 năm khách hàng phải trả chỉ khoảng 27,3 triệu đồng.

"Cách tính lãi kép trong nghiệp vụ cho vay của ngân hàng không phải là thông lệ, đồng thời chịu ràng buộc bởi các quy định pháp luật và từ Ngân hàng Nhà nước. Cần phải xem kỹ hợp đồng đã ký giữa khách hàng và Eximbank, nhưng bất luận điều khoản như thế nào thì cũng cần căn cứ vào tính hợp lý, quy định pháp lý hiện hành, khả năng chi trả của khách hàng, tính nhân văn xét trên bình diện xã hội", ông Nguyễn Quang Huy chia sẻ.

Ông Nguyễn Quang Huy cho biết, về thông lệ xử lý chung khi khách hàng quá hạn, phát sinh nợ xấu thì ngân hàng sẽ gọi điện, gửi tin nhắn, gửi công văn thông báo, gửi giấy mời hoặc trực tiếp đến gặp khách hàng để cùng trao đổi, đàm phán cách thức giải quyết để giúp khách hàng trả nợ gốc, lãi, phí phạt (nếu có). Đồng thời, ngân hàng sẽ khoanh lại nợ, giãn nợ cho khách hàng, đưa ra các phương án để khách hàng tham khảo.

Ở chiều ngược lại, khách hàng cũng tự đề xuất phương án trả nợ phù hợp với quy định và năng lực tài chính của bản thân để hai bên cùng giải quyết thỏa đáng. Trường hợp cả hai bên không tìm được tiếng nói chung thì có thể nhờ cơ quan chức năng giải quyết theo các quy định của pháp luật.

"Vụ việc tại Eximbank sẽ ảnh hưởng tới uy tín, thương hiệu và niềm tin của khách hàng hiện hữu và khách hàng tiềm năng đối với ngân hàng, họ sẽ cân nhắc kỹ lưỡng khi sử dụng hoặc chuyển sang dịch vụ ngân hàng khác để tránh rủi ro tương tự", ông Nguyễn Quang Huy chia sẻ.

Đồng thời, qua vụ việc này, các chủ thể khi sử dụng dịch vụ thẻ tín dụng cần xem xét kỹ lưỡng các điều khoản hợp đồng trước khi ký, trong quá trình sử dụng có yếu tố bất thường cùng cần phải liên hệ với ngân hàng để xử lý kịp thời hoặc cơ quan chức năng để hỗ trợ giải quyết.

"Thẻ tín dụng là sản phẩm phù hợp với xu thế phát triển, tín trước dụng sau, tìm hiểu kỹ càng sẽ an tâm sử dụng. Cả người phát hành và người sử dụng cần minh bạch, khách quan, tôn trọng đối tác thì mới phát triển bền vững", ông Nguyễn Quang Huy nêu quan điểm.

Hậu Lộc
Phiên bản di động