Vĩnh Phúc: TP Phúc Yên đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến du lịch trong nước và quốc tế
Là đô thị cửa ngõ của tỉnh Vĩnh Phúc, tiếp giáp với Thủ đô Hà Nội, cùng những tiềm năng, thế mạnh về điều kiện tự nhiên, hệ thống di tích lịch sử, văn hóa phong phú, những năm qua, nhờ làm tốt việc đầu tư, phát triển du lịch gắn với các di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh được xếp hạng trên địa bàn, thành phố Phúc Yên đã trở thành điểm đến thu hút du khách trong và ngoài nước.
Toàn cảnh hội nghị. |
Theo thống kê, trên địa bàn thành phố có 34 di tích được xếp hạng, trong đó có 6 di tích cấp quốc gia. Năm 2020, trên địa bàn thành phố Phúc Yên có 19 doanh nghiệp, 1.170 hộ kinh doanh lưu trú và ăn uống. Số phòng lưu trú trên địa bàn khoảng trên 1.000 phòng. Lượng khách du lịch hằng năm giai đoạn 2020 - 2/2023 tăng từ 215 nghìn người đến 240 nghìn người năm. Dự báo giai đoạn 2025 - 2030, lượng khách du lịch đến tham quan, nghỉ dưỡng đạt từ 1,5 - 2,5 triệu người; số lượng phòng lưu trú tăng thêm khoảng 500 phòng.
Để khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế du lịch, những năm qua, Thành ủy, HĐND, UBND thành phố Phúc Yên đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách phát triển sự nghiệp văn hóa, du lịch, từng bước nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho nhân dân; chú trọng hợp tác phát triển du lịch với các địa bàn lân cận: Xây dựng các tour tuyến kết nối với Tam Đảo, Tây Thiên, Đền Hùng, ATK Thái Nguyên, Tuyên Quang...
Thành phố cũng đã đầu tư kết cấu hạ tầng phát triển du lịch được quan tâm nâng cấp, tạo điều kiện thuận lợi phục vụ giao thông kết nối giữa các địa điểm du lịch; Khu du lịch Đại Lải tiếp tục được đầu tư trở thành công trình trọng điểm kết hợp bảo tồn di sản văn hóa vật thể, phi vật thể với phát triển du lịch tâm linh, hằng năm thu hút hàng nghìn lượt khách về tham quan vãn cảnh.
Công tác tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến du lịch thành phố Phúc Yên trên các phương tiện thông tin đại chúng đến với thị trường du lịch trong nước và quốc tế được tăng cường, đã và đang nhận được sự quan tâm của du khách trong nước và quốc tế. Sau dịch COVID-19, khách du lịch đến với thành phố Phúc Yên đã tăng mạnh.
Công tác xã hội hóa trong xây dựng, trùng tu, tôn tạo các thiết chế văn hóa, đặc biệt là các di tích lịch sử ở một số địa phương đã đạt được những kết quả đáng khích lệ, nhiều tổ chức, cá nhân hảo tâm đã công đức xây dựng, trùng tu, tôn tạo các di tích ước tính hàng chục tỷ đồng.
Các sản phẩm du lịch truyền thống và các loại hình du lịch mới như sinh thái nghỉ dưỡng, du lịch tâm linh, tín ngưỡng, du lịch cuối tuần, du lịch lễ hội...; các dịch vụ phục vụ đi kèm như ăn uống, nghỉ dưỡng mua sắm hàng nông sản… đã từng bước đáp ứng nhu cầu tìm hiểu, khám phá của du khách.
Tại buổi giám sát, các đại biểu đã cho ý kiến làm rõ việc triển khai thực hiện các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh về phát triển du lịch gắn với các di tích, danh lam thắng cảnh trên địa bàn thành phố Phúc Yên; hiệu quả công tác tuyên truyền về các quy định, các chủ trương, chính sách phát triển du lịch, quản lý khai thác, tu bổ di tích trên địa bàn; công tác quy hoạch và thực hiện công tác quy hoạch, kế hoạch phát triển du lịch, quản lý di tích trên địa bàn thành phố...
Đánh giá cao việc phát triển du lịch gắn với các di tích, danh lam thắng cảnh, phát biểu kết luận buổi giám sát, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Vĩnh Phúc Nguyễn Trung Hải đề nghị thành phố Phúc Yên tiếp tục nâng cao chất lượng các dịch vụ đang khai thác phục vụ khách tham quan tại các điểm du lịch, di tích; triển khai thực hiện có hiệu quả các quy định của Nhà nước về phát triển du lịch gắn với bản tồn, trùng tu, tôn tạo các di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh; thường xuyên thanh tra, kiểm tra về tình hình an ninh trật tự, an toàn xã hội, môi trường sinh thái.
Cùng với đó, thành phố cần làm tốt công tác tuyên truyền các chủ trương, chính sách, định hướng phát triển du lịch, qua đó tạo được sự hưởng ứng, đồng thuận tham gia của người dân.