Vĩnh Phúc: Phấn đấu duy trì tỷ lệ che phủ rừng trên 23% diện tích tại huyện Bình Xuyên
Theo đó, toàn huyện sẽ trồng trên 130 nghìn cây phân tán trong năm, tại các địa điểm, khu đô thị, khu công nghiệp, khu dân cư, khu di tích lịch sử, khu tưởng niệm, đình, chùa, trụ sở cơ quan hành chính, trường học, trạm y tế, trung tâm văn hóa xã, nhà văn hoá thôn, hành lang giao thông, trang trại, vườn hộ gia đình, các khu đất chưa sử dụng,…
Lực lượng kiểm lâm kiểm tra chất lượng giống cây lâm nghiệp trên địa bàn |
Loại cây sử dụng để trồng bao gồm sấu, xà cừ, lát hoa, sao đen, bằng lăng, xoan, phượng, sữa, bàng, thông, keo, bạch đàn hoa giấy, muồng hoàng yến, giáng hương…
Để hoàn thành mục tiêu đề ra, huyện tập trung chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, các địa phương đẩy mạnh vận động, tuyên truyền sâu rộng đến các đoàn viên, hội viên, các tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp, nhân dân trong huyện nêu cao ý thức tinh thần trách nhiệm, hăng hái tham gia, hưởng ứng phong trào xã hội hóa trồng cây phân tán.
Tăng cường giám sát, kiểm tra về nguồn giống, chất lượng giống của các cơ sở cung cấp; đôn đốc, hướng dẫn về kỹ thuật trồng, chăm sóc, bảo vệ cây trồng để đảm bảo cây sinh trưởng phát triển tốt.
Rà soát xác định cụ thể vị trí, địa điểm, diện tích trồng cây phân tán tại các tuyến đường liên xã, trục xã, liên thôn, trục thôn gắn với thực hiện tiêu chí môi trường, giao thông trong xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu.
Giao cho tổ chức, cá nhân chăm sóc, quản lý bảo vệ cây sau khi trồng, kịp thời thay thế cây sâu bệnh, hư hỏng, chết…
Hằng tuần, hằng tháng tổng hợp, báo cáo kết quả thực hiện về huyện, những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai để kịp thời giải quyết, tháo gỡ.