Vĩnh Phúc: Phấn đấu đón 12 triệu lượt khách du lịch vào năm 2025

Ông Ngô Chí Tuệ, Giám đốc Sở VHTT&DL Vĩnh Phúc cho biết, tỉnh phấn đấu năm 2025 sẽ đón 12 triệu lượt khách du lịch; tổng doanh thu đạt trên 4.500 tỷ đồng.
Vĩnh Phúc: Xây dựng và phát triển văn hóa đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững Vĩnh Phúc: Chương trình công tác dân tộc, tôn giáo phải có trọng tâm, trọng điểm Phúc Yên: Tháo gỡ các điểm nghẽn, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội

Nhiều thành tựu quan trọng
Ông Ngô Chí Tuệ, Giám đốc Sở VHTT&DL Vĩnh Phúc cho biết, năm 2024, tỉnh đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong lĩnh vực văn hoá, thể thao, du lịch.
Tỷ lệ gia đình văn hóa toàn tỉnh đạt 94,92%; tỷ lệ thôn, tổ dân phố văn hóa đạt 94,98%; 1.237/1.237 thôn, tổ dân phố có hương ước, quy ước được phê duyệt và thực hiện tốt; đời sống văn hóa tinh thần của Nhân dân lành mạnh, phong phú, nhiều giá trị văn hóa truyền thống được bảo tồn.

Ông Ngô Chí Tuệ, Giám đốc Sở VHTT&DL Vĩnh Phúc phát biểu tại Hội nghị
Ông Ngô Chí Tuệ, Giám đốc Sở VHTT&DL Vĩnh Phúc phát biểu tại Hội nghị

Lĩnh vực thể thao tiếp tục phát triển, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ đời sống văn hóa tinh thần, tăng cường sức khỏe của Nhân dân.

Trong năm, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tổ chức thành công 5 giải thể thao quần chúng; phối hợp đăng cai tổ chức thành công 4 giải thể thao cấp quốc gia và khu vực; các đội thể thao thành tích cao của tỉnh đã tham gia thi đấu 53 giải thể thao quốc gia, quốc tế, đạt 282 huy chương các loại.

Du lịch tiếp tục khởi sắc, thu hút khoảng 10,6 triệu lượt du khách, tổng doanh thu đạt trên 4.000 tỷ đồng, tăng 10,8% so với cùng kỳ năm 2023.

Nhiệm vụ trọng tâm năm 2025, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch Vĩnh Phúc tập trung lãnh đạo, chỉ đạo hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ ngành gắn với thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020 – 2025; triển khai thực hiện tốt việc sắp xếp tổ chức bộ máy ngành bảo đảm “Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả”.

Ngành sẽ tiếp tục tham mưu triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 15 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Vĩnh Phúc đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững; thực hiện tốt công tác quản lý, bảo tồn, tôn tạo và phát huy các giá trị di sản văn hóa; nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước về công tác gia đình, văn hóa cơ sở; mở rộng và nâng cao chất lượng hoạt động thể dục, thể thao quần chúng và phát triển thể thao thành tích cao.

Năm 2025, Vĩnh Phúc đặt mục tiêu đón 12 triệu lượt khách du lịch, tổng doanh thu đạt trên 4.500 tỷ đồng.

Tam Đảo nổi tiếng là thị trấn thiên đường giữa những đảo mây, mang vẻ đẹp lãng mạn, cổ kính pha chút bí ẩn của phố núi.
Tam Đảo nổi tiếng là thị trấn thiên đường giữa những đảo mây, mang vẻ đẹp lãng mạn, cổ kính pha chút bí ẩn của phố núi.

Cùng với đó, công tác phát triển dịch vụ du lịch trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua có nhiều chuyển biến tích cực, cơ sở hạ tầng từng bước được quan tâm đầu tư nâng cao chất lượng. Các hoạt động, sự kiện du lịch diễn ra sôi động tại các địa phương, nhận thức của toàn xã hội về tác động lan tỏa của ngành du lịch có chuyển biến tích cực.
Số lượng du khách đến Vĩnh Phúc tăng trưởng qua các năm (từ 14 -16%/năm), đặc biệt là sau khi thực hiện các chiến lược phát triển trọng điểm; Đầu tư vào cơ sở lưu trú, nhà hàng, dịch vụ du lịch với nhiều khách sạn, resort đạt tiêu chuẩn quốc tế; Ứng dụng công nghệ số trong quảng bá và đặt dịch vụ du lịch được quan tâm. Sản phẩm du lịch được làm mới, tăng sức hấp dẫn và khả năng cạnh tranh.
Dữ liệu từ công cụ theo dõi xu hướng thị trường của Google cho thấy, lượng tìm kiếm quốc tế về du lịch Vĩnh Phúc tăng trưởng khoảng 50% - 75%. Thị trấn Tam Đảo tiếp tục đón nhận giải thưởng Thị trấn du lịch hàng đầu thế giới năm 2024 của Giải thưởng World Travel Awards.

Tuy nhiên, chất lượng trong văn hóa du lịch, dịch vụ phục vụ du lịch còn hạn chế, công tác đầu tư phát triển du lịch còn chưa được quan tâm đúng mức về nguồn vốn. Một số tuyến đường giao thông đến các điểm du lịch chưa được nâng cấp, gây cản trở cho việc di chuyển của du khách; Kết nối giữa các điểm du lịch trong tỉnh còn thiếu đồng bộ. Các sản phẩm du lịch chủ yếu tập trung vào nghỉ dưỡng và tâm linh, chưa khai thác hết tiềm năng về du lịch cộng đồng, du lịch thể thao, du lịch mạo hiểm; Chưa có nhiều hoạt động giải trí, dịch vụ chất lượng cao để giữ chân du khách.

Công tác tuyên truyền quảng bá và thu hút đầu tư trong lĩnh vực du lịch còn chưa sâu rộng. Các hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch của Vĩnh Phúc chưa đảm bảo yêu cầu về tần suất, độ phủ tới các thị trường trọng điểm, chưa tổ chức được các hoạt động xúc tiến du lịch quy mô và tầm vóc quốc gia. Nguồn lực quảng bá, xúc tiến du lịch chưa phát huy được hiệu quả.

Phấn đấu đến năm 2030, đưa Vĩnh Phúc vào vùng trọng điểm du lịch quốc gia

Ông Đỗ Hoàng Dương, Trưởng phòng Quản lí Du lịch cho biết, để từng bước đưa du lịch Vĩnh Phúc phát triển tương xứng với tiềm năng, lợi thế và đóng góp tích cực vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, trong những năm tới cần coi du lịch là một trong những ngành kinh tế quan trọng của tỉnh.

Do đó, tỉnh cần tập trung tuyên truyền, quán triệt và triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp theo Nghị quyết 08–NQ/TW, ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; Quyết định số 158/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ: Phê duyệt Quy hoạch tỉnh Vĩnh Phúc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Sân golf Thanh Lanh rộng 73ha có quy mô 18 hố, tổng chiều dài sân 7000 yards chia thành 5 tee box riêng biệt phù hợp với trình độ và nhu cầu của golfer ở nhiều cấp độ khác nhau.
Sân golf Thanh Lanh rộng 73ha có quy mô 18 hố, tổng chiều dài sân 7000 yards chia thành 5 tee box riêng biệt phù hợp với trình độ và nhu cầu của golfer ở nhiều cấp độ khác nhau.

Trong đó có phương án tổng thể phát triển ngành văn hóa, thể dục thể thao và du lịch thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến 2050 nhằm nâng cao nhận thức, tạo sự đồng thuận và bước đột phá mới để thúc đẩy du lịch phát triển đúng hướng, nhanh và bền vững.

Phát triển du lịch là nhiệm vụ lâu dài, là trách nhiệm chung của các ngành các cấp và toàn dân. Phải gắn phát triển du lịch với các ngành kinh tế khác để chuyển đổi cơ cấu kinh tế, giảm nghèo bền vững, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Tập trung mọi nguồn lực để khai thác tốt tiềm năng, lợi thế về du lịch của tỉnh; Hoàn thiện các khu, điểm du lịch đã được phê duyệt. Tập trung quy hoạch và đầu tư cơ sở hạ tầng du lịch về giao thông, hệ thống cấp điện, nước, môi trường,… gắn với việc xây dựng kết cấu hạ tầng đô thị.
Tỉnh ưu tiên thu hút một cách có chọn lọc các dự án đầu tư du lịch cao cấp và các sản phẩm, dịch vụ đa dạng, đồng bộ, có sức hấp dẫn và tính cạnh tranh cao để tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế đầu tư phát triển mạnh mẽ các loại hình du lịch và dịch vụ phục vụ du lịch, tạo bước đột phá mới, căn bản và có tính chiến lược trong phát triển du lịch.

Ông Đỗ Hoàng Dương, Trưởng phòng Quản lí Du lịch Vĩnh Phúc.
Ông Đỗ Hoàng Dương, Trưởng phòng Quản lí Du lịch Vĩnh Phúc.

Để phát triển du lịch bền vững trên cơ sở bảo vệ môi trường sinh thái, hài hòa với cảnh quan thiên nhiên, gắn khai thác với bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa thế giới, đảm bảo quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội.

Giải quyết tốt các mối quan hệ giữa phát triển du lịch với phát triển công nghiệp, nông nghiệp, thương mại, dịch vụ và đời sống nhân dân vùng có các dự án du lịch.

Xây dựng Vĩnh Phúc trở thành một điểm đến hấp dẫn, tạo sự khác biệt, có tính cạnh tranh cao và có uy tín trên bản đồ du lịch của cả nước. Đẩy nhanh tốc độ phát triển du lịch để tiến kịp các địa phương trong khu vực. Tăng dần tỷ trọng ngành du lịch trong GRDP của tỉnh, trở thành ngành kinh tế quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Phấn đấu đến năm 2030, đưa Vĩnh Phúc vào vùng trọng điểm du lịch quốc gia, gắn với việc xây dựng và hình thành thương hiệu du lịch Vĩnh Phúc.

Huy động các nguồn lực đầu tư để tăng nhanh số lượng cơ sở lưu trú, nhà hàng, điểm vui chơi giải trí, các cơ sở dịch vụ theo hướng văn minh, hiện đại, phục vụ chuyên nghiệp… để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của du khách; đẩy nhanh tiến độ các dự án có quy mô lớn gắn với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Vĩnh Phúc đã được thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Tại hội nghị, ông Trần Duy Đông, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc nêu rõ, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch phải thực sự đổi mới tư duy, đột phá để phát triển sự nghiệp văn hóa, thể thao và du lịch; dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung; quyết tâm cao, nỗ lực lớn để tổ chức thực hiện kịp thời, linh hoạt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp; bám sát hơn nữa các quan điểm chỉ đạo, các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng, nhà nước về văn hóa, thể thao, du lịch; những nhiệm vụ mà Tỉnh ủy, UBND tỉnh giao, ngành cần nghiên cứu, đề xuất các Đề án, dự án, Kế hoạch, Chương trình, giải pháp cụ thể để tổ chức thực hiện một cách khoa học hiệu quả.

Về lĩnh vực du lịch cần nâng cao năng lực và hiệu quả tham mưu công tác quản lý nhà nước về du lịch trên địa bàn tỉnh. Nghiên cứu, tham mưu phát triển các sản phẩm du lịch mới, du lịch kinh tế đêm. Quan tâm quy hoạch, xây dựng chính sách cho phát triển du lịch một cách bền vững và phải đảm bảo sự hài hòa giữ phát triên du lịch kết hợp với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa của từng vùng, từng địa phương; đặc biệt là các giá trị về văn hóa để xây dựng khu, điểm du lịch mang bản sắc của Vĩnh Phúc, trong đó, tập trung vào khu vực huyện Tam Đảo, Đại Lải - Phúc Yên, Đầm Vạc - Vĩnh Yên và các di tích, điểm tham quan, các làng nghề truyền thống.

Ngoài ra, cần nâng cao chất lượng dịch vụ, đổi mới, nâng cao chất lượng công tác quản lý nhà nước về du lịch; đẩy mạnh hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch Vĩnh Phúc với thị trường trong nước và quốc tế.

Lê Sơn
Phiên bản di động