Vĩnh Phúc lọt top 10 địa phương tăng trưởng cao nhất cả nước
Chiều 2/12, UBND tỉnh Vĩnh Phúc tổ chức họp báo thông tin về tình hình kinh tế - xã hội và công bố giải thưởng du lịch “Tam Đảo – Thị trấn điểm đến hàng đầu thế giới”.
Chủ trì buổi họp báo có các ông: Vũ Việt Văn – Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Vĩnh Phúc; Nguyễn Bá Hiến – Giám đốc Sở TT&TT Vĩnh Phúc; Bùi Hồng Đô – Giám đốc Sở VHTT&DL; Ngô Duy Đông – Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Vĩnh Phúc; Đinh Văn Mười – Chủ tịch UBND huyện Tam Đảo. Cùng dự còn có đại diện lãnh đạo một số sở, ngành và các cơ quan báo chí Trung ương, địa phương.
Toàn cảnh cuộc họp |
Tại buổi họp báo, lãnh đạo Sở KH&ĐT Vĩnh Phúc đã thông tin về tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh năm 2022 và kế hoạch năm 2023.
Theo đó, năm 2022, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ước tăng 9,54% so với năm 2021, đây là mức tăng trưởng cao nhất từ năm 2014 đến nay. Mức tăng này cao hơn so với bình quân chung cả nước (ước tăng 8%) và cao hơn so với mục tiêu kế hoạch đề ra (mục tiêu tăng 8,0-9,0%); đưa tăng trưởng bình quân của Vĩnh Phúc giai đoạn 2020-2022 đạt gần 9%/năm (nằm trong top 10 địa phương có tăng trưởng cao nhất cả nước).
Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch tích cực, đúng định hướng, tỷ trọng khu vực công nghiệp xây dựng chiếm khoảng 64,22%, tỷ trọng khu vực dịch vụ chiếm khoảng 29,2% và khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản chiếm khoảng 6,58% (năm 2021 lần lượt là: 62,82%, 29,43% và 7,76%).
GRDP bình quân/người ước đạt khoảng 127,8 triệu đồng/người/năm; tiếp tục nằm trong top 10 địa phương có GRDP bình quân đầu người cao nhất cả nước.
Tổng thu ngân sách trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc ước đạt 35.700 tỷ đồng, bằng 111,94% dự toán, tăng 8,5% so với năm 2021. Trong đó, thu nội địa ước đạt 30.000 tỷ đồng, thu xuất nhập khẩu ước đạt 5.700 tỷ đồng, đạt 123,5% so với dự toán, tăng 22,1% so với cùng kỳ. Trong cơ cấu các khoản thu nội địa, thu từ khu vực có vốn đầu tư nước ngoài ước đạt 101,7% dự toán và tăng 17,2% so với năm 2021; hầu hết các khoản thu khác đều đạt và vượt dự toán...
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Vĩnh Phúc thông tin tại buổi họp báo |
Năm 2022, Vĩnh Phúc thu hút được 453 triệu USD vốn đầu tư nước ngoài (FDI), bằng 100,6% kế hoạch năm; về thu hút vốn đầu tư trong nước (DDI), toàn tỉnh dự kiến thu hút đạt 12.500 tỷ đồng, bằng 57% so với cùng kỳ năm 2021, vượt mục tiêu kế hoạch đề ra. Lũy kế đến hết năm 2022, trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc có 1.286 dự án, trong đó: 450 dự án FDI với tổng vốn đầu tư 7,41 tỷ USD và 828 dự án DDI với tổng vốn đầu tư 125 nghìn tỷ đồng.
Sản xuất công nghiệp năm 2022 có nhiều khởi sắc do tình hình dịch trên địa bàn đã được kiểm soát tốt từ quý II; tổng giá trị sản xuất ngành công nghiệp ước tăng khoảng 15,5%, riêng ngành chế biến, chế tạo ước tăng 15,6% so với năm 2021.
Một số sản phẩm chủ lực của tỉnh tăng so với năm 2021, đặc biệt doanh thu linh kiện điện tử tăng 24,36%, xe máy các loại tăng 11,02%, quần áo các loại tăng 7,21%, gạch ốp lát các loại tăng 6,01%, riêng ô tô các loại giảm 2,3% (do ảnh hưởng thiếu linh kiện sản xuất...).
Tổng số lượt khách du lịch đến Vĩnh Phúc ước đạt 8,2 triệu lượt, tăng hơn 4 lần so với năm 2021. Năm 2022, Khu du lịch Tam Đảo trở thành Khu du lịch Quốc gia thứ 7 của Việt Nam và được Tổ chức World Travel Awards vinh danh là thị trấn du lịch hàng đầu thế giới năm 2022.
Trong năm 2022, tỉnh Vĩnh Phúc đã có nhiều cơ chế, chính sách đầu tư cho sự nghiệp phát triển GD&ĐT. Nhân kỷ niệm 40 năm ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 - 20/11/2022), cấp ủy, chính quyền các cấp chủ động tổ chức các hoạt động tri ân các thế hệ thầy cô giáo đảm bảo trang trọng, ý nghĩa.
Kết quả kỳ thi chọn học sinh giỏi THPT quốc gia, Vĩnh Phúc đạt 8 giải Nhất, 18 giải Nhì, 15 giải Ba, 21 giải Khuyến khích, tỷ lệ đạt giải là 67,4%, đứng thứ ba cả nước; đặc biệt tỉnh có 2 học sinh đạt huy chương đồng tại kỳ thi Olympic quốc tế.
Điểm trung bình các môn thi tốt nghiệp THPT của tỉnh xếp thứ 2 toàn quốc, tỷ lệ tốt nghiệp THPT của tỉnh đạt 99,97%, cao nhất từ trước đến nay. Trong năm học 2021-2022, Vĩnh Phúc đầu tư 208,7 tỷ đồng trang bị thiết bị dạy học cho các trường học trong tỉnh.
Công tác chăm sóc sức khỏe, an sinh xã hội và giải quyết việc làm được triển khai hiệu quả, an ninh – quốc phòng được giữ vững.
Năm 2023, Vĩnh Phúc đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế từ 8 - 9,5%; Vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội trên địa bàn chiếm khoảng 30 - 35% GRDP theo giá hiện hành. Tổng thu ngân sách Nhà nước phấn đấu đạt 32.398 tỷ đồng, trong đó thu nội địa 27.398 tỷ đồng. Thu hút 400 triệu USD vốn FDI và 5.000 tỷ đồng vốn DDI.