Vĩnh Phúc: Kỷ niệm 25 năm Ngày tái lập huyện Tam Dương

Sáng 24/8, huyện Tam Dương (tỉnh Vĩnh Phúc) tổ chức gặp mặt nhân kỷ niệm 25 năm Ngày tái lập huyện (1/9/1998 – 1/9/2023).
Vĩnh Phúc: Sắp khánh thành Làng văn hóa kiểu mẫu tại thị trấn Gia KhánhVĩnh Phúc: Trưng bày chuyên đề "Văn Miếu - Sự hồi sinh trong di sản văn hóa"Vĩnh Phúc: Phát huy, những giá trị văn hoá nghệ quần chúng trên vùng đất Phủ Vĩnh Tường

Theo Chủ tịch UBND huyện Tam Dương Trần Quang Ngọc, Tam Dương là huyện trung du của tỉnh Vĩnh Phúc, có diện tích tự nhiên trên 10 nghìn ha và dân số trên 110 nghìn người.

Huyện Tam Dương được tái lập và đi vào hoạt động từ ngày 1/9/1998 theo Nghị định 36/1998/NĐ-CP ngày 9/6/1998 của Chính phủ. Hiện nay, huyện có 11 xã và 2 thị trấn.

Nhờ ý thức sâu sắc về những thách thức cũng như thời cơ của một huyện mới tái lập, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân trong huyện từng bước khắc phục khó khăn, ổn định các hoạt động, tranh thủ mọi sự hỗ trợ, giúp đỡ của tỉnh nhằm khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế để phát triển.

Nhờ đó, 25 năm qua, nền kinh tế của huyện Tam Dương đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, đời sống Nhân dân được nâng lên rõ rệt.

undefined
Ông Trần Quang Ngọc - Chủ tịch UBND huyện Tam Dương phát biểu tại buổi gặp mặt.

Kinh tế năm đầu tái lập, tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất bình quân chỉ đạt 6,5%; thu ngân sách đạt 5,311 tỷ đồng; cơ cấu ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản chiếm 65,3%; công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp đạt 18,4%; thương mại - dịch vụ đạt 18,4%.

Nhưng đến năm 2022, tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất bình quân đạt 10,24%; thu ngân sách địa phương đạt 434 tỷ đồng; cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng định hướng, tăng dần tỷ trọng ngành công nghiệp, xây dựng, thương mại và dịch vụ, giảm tỷ trọng nông lâm nghiệp, thủy sản.

Bên cạnh những thành tựu về kinh tế, huyện Tam Dương đạt được những kết quả quan trọng trong phát triển văn hoá - xã hội. Sự nghiệp giáo dục và đào tạo phát triển ổn định cả về quy mô và chất lượng.

Toàn huyện hiện có 15/42 trường đạt chuẩn quốc gia (35,7%); sự nghiệp y tế có nhiều tiến bộ, cơ sở vật chất được quan tâm đầu tư, chất lượng khám chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe nhân dân ngày một tốt hơn; 13/13 xã, thị trấn đạt chuẩn quốc gia về y tế; chương trình giảm nghèo và đảm bảo an sinh xã hội được chú trọng. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 77,6%; đời sống vật chất, tinh thần của các tầng lớp Nhân dân tiếp tục được cải thiện và nâng cao.

Phát triển công nghiệp đã và đang trở thành động lực phát triển kinh tế của huyện. Nếu như năm 1998 khi huyện mới tái lập và đi vào hoạt động có rất ít cơ sở sản xuất công nghiệp thì đến nay trên địa bàn huyện có 1 cụm kinh tế - xã hội và 2 khu công nghiệp được quy hoạch.

Huyện đã khởi công hạ tầng khu công nghiệp Tam Dương 1 khu vực 2; khu công nghiệp Tam Dương 2 khu A; cụm công nghiệp Hoàng Lâu, cụm công nghiệp Hợp Thịnh đang đẩy nhanh tiến độ GPMB. Nhờ đó, năm 2022 giá trị sản xuất ngành công nghiệp - xây dựng của huyện đạt trên 5.000 tỷ đồng, tăng gấp trên 50 lần so với khi tái lập.

Nhận thức sâu sắc quan điểm của Đảng: “Phát triển kinh tế là trung tâm, xây dựng Đảng là then chốt”, 25 năm qua, các cấp ủy trong huyện đặc biệt coi trọng công tác xây dựng Đảng trên cả 3 mặt chính trị, tư tưởng và tổ chức gắn với đẩy mạnh việc “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng.

Công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho cán bộ, đảng viên, Nhân dân và nắm bắt dư luận xã hội được chú trọng; công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, việc kiểm điểm và khắc phục khuyết điểm theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4, khóa XI, XII, Kết luận số 21-KL/TW ngày 25/10/2021 được lãnh đạo thực hiện nghiêm túc; công tác đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch, bổ nhiệm, đánh giá cán bộ được thực hiện đảm bảo quy định, công tác kiểm tra, giám sát được quan tâm.

Các cấp chính quyền từ huyện Tam Dương đến cơ sở đã thực hiện tốt vai trò quản lý Nhà nước trên tất cả các lĩnh vực, chỉ đạo đồng bộ các chương trình phát triển kinh tế, xã hội; MTTQ huyện Tam Dương và các tổ chức chính trị - xã hội có nhiều đổi mới về nội dung và phương thức hoạt động, coi trọng việc thực hiện quy chế dân chủ, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân; vận động đoàn viên, hội viên thực hiện có hiệu quả các phong trào thi đua.

Ghi nhận những thành tích đã đạt, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Tam Dương cùng với 6 xã Hợp Thịnh, Thanh vân, Kim Long, Đạo Tú, Duy Phiên, Hoàng Đan vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp; Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân Tam Dương đã vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba năm 2008 và Huân chương Lao động hạng Nhì năm 2013.

Hợp tác xã nông nghiệp Hợp Thịnh được phong tặng danh hiệu “Anh hùng Lao động”; Công an huyện được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang trong thời kỳ đổi mới. Nhiều tập thể, cá nhân được Đảng và Nhà nước, bộ, ngành Trung ương, Tỉnh ủy, UBND tỉnh tặng các danh hiệu thi đua khen thưởng.

undefined
Một góc huyện Tam Dương.

Có được những kết quả trên là nhờ sự quan tâm, giúp đỡ của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, UBMTTQ tỉnh, các ban, sở, ngành của tỉnh; sự nỗ lực cố gắng trong lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp qua các thời kỳ, sự vào cuộc tích cực của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội, các cơ quan, đơn vị trên địa bàn, sự quyết tâm xây dựng quê hương Tam Dương giàu mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, vững bước trên con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu, đem lại đời sống ấm no, hạnh phúc cho Nhân dân.

Lê Sơn
Phiên bản di động