Vĩnh Phúc: Huyện Vĩnh Tường phát huy sức dân trong xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu
Đẩy nhanh tiến độ xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu
Huyện Vĩnh Tường được tỉnh Vĩnh Phúc lựa chọn xây dựng 4 Làng văn hóa kiểu mẫu (nhiều nhất tỉnh, gồm: thôn Đông xã phú Đa, thôn Duy Bình xã Vĩnh Ninh, thôn Hệ xã Vĩnh Thịnh và thôn Bàn Mạch xã Lý Nhân).
Nhằm thực hiện tốt đề án Làng văn hóa kiểu mẫu, huyện Vĩnh Tường đã thành lập Ban Chỉ đạo, Tổ giúp việc triển khai thực hiện; chỉ đạo các ban ngành, đoàn thể huyện, Đảng ủy 4 xã Vĩnh Ninh, Phú Đa, Vĩnh Thịnh và Lý Nhân khẩn trương bắt tay thực hiện các nhiệm vụ đề án Làng văn hóa kiểu mẫu.
Huyện Vĩnh Tường cũng thường xuyên kiểm điểm tiến độ thực hiện và chỉ đạo tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện. Trong đó tập trung vào 14 bộ tiêu chí, 9 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm nhằm thực hiện thí điểm đề án xây dựng mô hình “Làng văn hóa kiểu mẫu”, nguồn kinh phí cũng như đối tượng hưởng lợi từ đề án.
ÔngLê Nguyễn Thành Trung – Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Tường nghe báo cáo tiến độ xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu. |
UBND huyện Vĩnh Tường đã chỉ đạo tổ chức tốt công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt, tổ chức thực hiện đề án trên địa bàn huyện dưới nhiều hình thức, trên hệ thống truyền thanh cơ sở, bảng tin điện tử...
Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Tường kiểm tra mô hình trình diễn sản xuất lúa theo hướng hữu cơ tại thôn Đông (xã Phú Đa) |
Ông Lê Nguyễn Thành Trung – Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Tường yêu cầu cấp ủy, chính quyền 4 xã thực hiện thí điểm, 4 thôn của 4 xã cùng các cơ quan, đơn vị liên quan nắm rõ nguyên tắc, chính sách đặc trù hỗ trợ xây dựng “Làng văn hóa kiểu mẫu” trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc, giai đoạn 2023 – 2030. Tập trung, quyết liệt thực hiện đồng bộ các giải pháp thực hiện tốt Đề án xây dựng thí điểm mô hình “Làng văn hóa kiểu mẫu” phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, đảm bảo theo đúng quy định, tiến độ, hiệu quả để nâng cao đời sống vật chất, văn hóa cho người dân.
Bên cạnh đó, UBND huyện Vĩnh Tường đề xuất các cơ chế, chính sách, mô hình phát triển kinh tế phù hợp với tình hình, thực trạng từng địa phương và cách thức hỗ trợ người dân tại các thôn. Đối với thôn Đông xã Phú Đa dự kiến thực hiện mô hình lúa hữu cơ 20ha, du lịch sinh thái tâm linh, thâm canh cây sen và chế biến các sản phẩm từ sen…
Thăm quan mô hình sản xuất măng tây xanh tại xã Kim Xá. |
Thôn Duy Bình xã Vĩnh Ninh dự kiến thực hiện các mô hình: Thâm canh cây bưởi và chế biến các sản phẩm từ bưởi, đưa quả bưởi tham gia chương trình OCOP năm 2023, đưa chăn nuôi ra ngoài khu dân cư tập trung, xử lý chất thải chăn nuôi và rác thải sinh hoạt, nuôi giun quế xử lý chất thải rắn trong chăn nuôi bò sữa.
Thăm quan học tập kinh nghiệm tại mô hình trồng Nho tại xã Yên Bình |
Thôn Hệ xã Vĩnh Thịnh dự kiến thực hiện các mô hình: Đưa sản phẩm sữa tham gia chương trình OCOP năm 2023, xây dựng gian hàng trưng bày các sản phẩm từ sữa, xây dựng mô hình du lịch sinh thái, xử lý chất thải chăn nuôi và rác thải sinh hoạt.
Thôn Bàn Mạch xã Lý Nhân dự kiến thực hiện các mô hình: trồng rau áp dụng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, thâm canh cây sen và chế biến các sản phẩm từ sen, đưa sản phẩm làng nghề rèn tham gia chương trình OCOP năm 2023, xử lý chất thải làng nghề, chất thải sinh hoạt.
Thôn Bàn Mạch (xã Lý Nhân) phát huy thế mạnh làng nghề rèn truyền thống |
Ông Hoàng Đức Tuấn, Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Vĩnh Tường cho biết, đến thời điểm hiện tại, huyện Vĩnh Tường khởi công 3/4 xã công trình tại các xã Lý Nhân, Vĩnh Thịnh, Vĩnh Ninh.
Lấy người dân làm trung tâm trong xây dựng làng văn hóa kiểu mẫu
Trao đổi với phóng viên, Bí thư Đảng ủy xã Lý Nhân Bùi Thanh Bình cho biết, xác định xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu là chủ trương đúng đắn, sáng tạo, cần thiết và có ý nghĩa trong giai đoạn hiện nay, xã đang tích cực thực hiện các quy trình, thủ tục để thực hiện dự án tại thôn Bàn Mạch.
Để thực hiện đề án xây dựng Làng văn hóa này, Đảng ủy, UBND xã Lý Nhân đã vào cuộc quyết liệt, ban hành nhiều nghị quyết chuyên đề, giao nhiệm vụ cụ thể cho từng tổ chức, đoàn thể, quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ chính trị được giao.
Đồng thời, địa phương cũng dành kinh phí được cấp để hỗ trợ người dân phát huy thế mạnh làng rèn truyền thống, phát triển sản xuất gắn với du lịch, dịch vụ; hỗ trợ đầu ra, xây dựng trang web, thúc đẩy quảng bá sản phẩm làng rèn tại các hội chợ, triển lãm… góp phần phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân.
Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc trao đổi với đảng viên và người dân thôn Đông, xã Phú Đa về xây dựng “Làng văn hóa kiểu mẫu”. |
Vừa qua, Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc Hoàng Thị Thúy Lan đã chủ trì Hội nghị họp bàn về phát triển kinh tế xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu tại xã Phú Đa. Việc xây dựng “Làng văn hóa kiểu mẫu thôn Đông” với mục tiêu hình thành các thiết chế văn hóa - thể thao, sinh hoạt cộng đồng của làng nhằm nâng cao đời sống văn hóa tinh thần; thúc đẩy phát triển du lịch nông trại (Famstay), dịch vụ, làng nghề truyền thống, sản phẩm nông nghiệp, qua đó cải thiện thu nhập của người dân; bảo tồn, phát huy, làm sống dậy các giá trị văn hóa tốt đẹp nhất. Những vấn đề các đại biểu nêu, nội dung nào thuộc thẩm quyền của sở, ban, ngành của tỉnh, huyện đã được giải thích rõ, nhất là về lãi suất ưu đãi với điều kiện không có nợ xấu.
Dự án sản xuất thử nghiệm “Xây dựng mô hình Ứng dụng KH&CN trồng Sen quy mô tại thôn Đông, xã Phú Đa”. |
Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc Hoàng Thị Thúy Lan yêu cầu cấp ủy, chính quyền huyện Vĩnh Tường và xã Phú Đa cần phải quán triệt chủ trương về xây dựng “Làng văn hóa kiểu mẫu” tới các đơn vị, cán bộ, đảng viên. Chú ý phân công rõ ràng nhiệm vụ cụ thể đối với cán bộ phụ trách. Đối với Chi bộ thôn Đông, cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền đến cán bộ, đảng viên về chính sách hỗ trợ người dân và 14 tiêu chí thực hiện xây dựng “Làng văn hóa kiểu mẫu”.
Với sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị, sự đồng tình nhất trí của Nhân dân, đề án thí điểm xây dựng mô hình Làng văn hóa kiểu mẫu trên địa bàn huyện Vĩnh Tường đang được triển khai tích cực bằng những việc làm cụ thể để các hạng mục sớm hoàn thành và mang lại hiệu quả thiết thực trong thực tiễn, góp phần thúc đẩy phát triển du lịch, dịch vụ, làng nghề truyền thống, sản phẩm nông nghiệp, cải thiện thu nhập của người dân; hoàn thiện các thiết chế văn hóa - thể thao, sinh hoạt cộng đồng của các thôn, làng; bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, nâng cao đời sống vật chất, văn hóa tinh thần cho nhân dân theo đúng quan điểm xuyên suốt của tỉnh: Người dân là trung tâm của mọi cơ chế, chính sách và được thụ hưởng thành quả từ sự phát triển.