Vĩnh Phúc: Đề thi Ngữ văn chủ yếu nằm trong chương trình lớp 12
Nhận xét về đề thi, thầy giáo Dương Khánh Toàn - Trường THPT Nguyễn Thị Giang cho biết, cấu trúc đề thi quen thuộc gồm 2 phần: Phần đọc hiểu (3 điểm), phần làm văn (7 điểm) với 2 câu nghị luận xã hội (2 điểm) và nghị luận văn học (5 điểm). Đây là cấu trúc ổn định duy trì từ năm 2017 đến nay.
Đề thi chính thức môn Ngữ văn. |
Về độ khó và sự phân hóa, đề thi được ra nhẹ nhàng, chủ yếu ở mức độ cơ bản, nằm trong trương trình THPT, chủ yếu là lớp 12.
Theo thầy giáo Dương Khánh Toàn, phần đọc hiểu ra một đoạn thơ trong bài thơ “Đi trong cơn mưa giông” của Anh Ngọc với 4 câu hỏi. Hai câu đầu tiên ở mức độ nhận biết, học sinh dễ dàng tìm thông tin trong ngữ liệu để trả lời và đạt điểm tối đa. Câu 3 (mức độ thông hiểu) cũng khá nhẹ nhàng, học sinh trung bình có thể trả lời tốt. Câu 4 (mức độ vận dụng) vừa đánh giá năng lực đọc hiểu cơ bản vừa là một nội dung phân hóa.
Những học sinh khá giỏi có thể trình bày những suy ngẫm sâu sắc về bản lĩnh cá nhân khi đối mặt với những khó khăn thử thách trong cuộc sống. Ngữ liệu phần đọc hiểu tiêu biểu, giàu ý nghĩa giáo dục, đảm bảo tốt cho yêu cầu đọc hiểu, đồng thời đặt tiền đề cho câu nghị luận xã hội trong phần làm văn.
Thí sinh rời khỏi điểm thi Trường THPT Quang Hà. |
Về phần làm văn, câu nghị luận xã hội yêu cầu viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ về “Sự cần thiết phải biết cân bằng cảm xúc trong cuộc sống”. Đây là câu hỏi khá hay và thiết thực với học sinh trong thời đại hiện nay. Mức độ yêu cầu bình thường, không làm khó học sinh.
Câu nghị luận văn học yêu cầu học sinh phân tích một đoạn văn trong “Vợ Nhặt” của Kim Lân sau đó nhận xét về cái nhìn của nhà văn với cuộc sống. Trong hai yêu cầu của câu này, yêu cầu thứ nhất ở mức độ cơ bản, yêu cầu thứ hai ở mức độ cao hơn để phân hóa học sinh. Sự liên hệ giữa hai ý này linh hoạt và logic.
Thí sinh tại điểm thi Trường THPT Vĩnh Yên. |
Theo thầy Dương Khánh Toàn, yêu cầu cơ bản là phân tích đoạn trích; yêu cầu nâng cao là nhận xét cái nhìn cuộc sống của tác giả. Tuy là yêu cầu cơ bản nhưng đoạn văn này tương đối khó viết. Chỉ những học sinh khá giỏi mới có thể phân tích hay và sâu sắc về đoạn trích.
Với yêu cầu nâng cao, học sinh cần vận dụng kiến thức về tác giả, tác phẩm kết hợp với cảm nhận và suy nghĩ của của cá nhân để đưa ra những nhận xét vừa đúng với quan niệm về cuộc sống và con người của Kim Lân vừa có những liên hệ với cuộc sống hiện nay.
Đồng tình với nhận xét trên, cô Nguyễn Thị Thu Trang - Trường THPT Trần Phú đánh giá, cấu trúc, phạm vi của đề ổn định nên tâm lý học sinh, giáo viên khi đón nhận đề này cảm thấy khá dễ chịu, không có gì bất ngờ, thay đổi so với định hướng ban đầu của Bộ GD&ĐT.
Đề vừa sức học sinh, tuy nhiên điểm hay của đề là lựa chọn được vấn đề, ngữ liệu mới mẻ không trùng lặp, không mấy quen thuộc với các dạng câu hỏi từ đề mẫu trên mạng mà học sinh đã được học và ôn luyện, như vấn đề nghị luận xã hội, như ngữ liệu câu nghị luận văn học. Do đó, đề kích thích học sinh viết bài, thể hiện năng lực của mình. Tính phân loại học sinh cao. Học sinh có cảm thụ tốt sẽ phân tích sâu hơn các chi tiết, viết hay hơn, có hình ảnh hơn. Học sinh mức độ cơ bản sẽ hoàn thành được bài thi với 6 - 7 điểm.
Thầy giáo Nguyễn Văn Lự - Trường THPT Vĩnh Yên nhận xét, cách ra đề thi Ngữ văn năm nay nhiều thay đổi theo hướng học hiểu và vận dụng. Đề khó với nhiều thí sinh và trật tủ dù thí sinh viết được nhưng không tự tin. Câu viết đoạn nêu vấn đề mới, thí sinh khó lấy ví dụ và phân tích trúng yêu cầu "cân bằng cảm xúc," trong cuộc sống vốn lúc nào cũng có thể đối mặt với giông bão.
Điểm Trường THPT Bình Xuyên. |
Câu nghị luận văn học hỏi đoạn cuối tác phẩm "Vợ nhặt" của Kim Lân. Niềm vui hạnh phúc giản dị bữa đón dâu mới trong ảm đạm ngày đói vẫn ánh lên tia hy vọng. Niềm tin cuộc sống từ giông tố cuộc đời của người nông dân nghèo. Cách nhìn cuộc sống đặt ra là mỗi người hay nhìn thẳng vào khó khăn nhưng trong khó khăn không mất niềm tin lạc quan vào cách mạng và sự thay đổi. Cách nhìn hiện thực và gửi gắm niềm tin yêu và hy vọng của nhà văn vào cuộc sống đói khát và tù túng của người dân quê.
Một số thầy cô giáo khác phân tích, câu nghị luận văn học ra đoạn cuối trong tác phẩm "Vợ Nhặt" của nhà văn Kim Lân. Tác phẩm này đã ra đề năm 2016. Đề không yêu cầu phân tích đối tượng cụ thể (nhân vật hay chi tiết) mà yêu câu phân tích một đoạn văn.
Như vậy, học sinh viết về cả 3 nhân vật: Tràng, bà cụ Tứ, người vợ nhặt trong đoạn trích. Tuy nhiên, trong quá trình ôn tập, học sinh thường làm quen hơn với kiểu đề phân tích một đối tượng trong một đoạn văn. Câu hỏi này sẽ làm khó học sinh trung bình và có tính phân loại thí sinh. Nếu học sinh không hiểu bài thì chỉ có thể "láp nháp" được vài dòng. Thí sinh phải hiểu sâu tác phẩm và có kỹ năng khai thác, phân tích đoạn trích mới có thể làm tốt câu này tốt.
Năm này, nhiều học sinh khi được hỏi cho biết làm được bài. Thí sinh Nguyễn Đình Thế Anh tại điểm thi Trường THPT Ngô Gia Tự nhận định: “Em thấy đề ở mức độ bình thường. Em dự thi khối A nên mức độ làm bài được khoảng trên 7 điểm. Các bạn học khối C, D sẽ đạt mức điểm giỏi”.
Cũng tại điểm thi này, em Hoàng Lâm Tùng - Thí sinh dự thi khối D cho biết: “Mức độ đề phù hợp, tuy hơi “lệch tủ” nhưng em vẫn viết được, khoảng trên 7 điểm”.
Em Nguyễn Thị Huyền, Nguyễn Hoàng Đăng và Quảng Văn Phúc tại điểm thi Trường THPT Võ Thị Sáu cùng chung nhận xét, đề có cấu trúc đúng như đề minh hoạ, phần viết có cách hỏi sáng tạo. "Chúng em là học sinh trung bình làm được từ 6 - 6,5 điểm".