Bài 3 - Vĩnh Phúc: Cả hệ thống chính trị vào cuộc để kinh tế - xã hội bứt phá
Vĩnh Phúc quyết tâm tăng tốc thực hiện các mục tiêu năm 2024 |
Năm 2024 dự báo tiếp tục là một năm khó khăn đối với nền kinh tế có độ mở cao như Vĩnh Phúc. Kết quả phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 không chỉ có ý nghĩa tạo đà, mở ra triển vọng tiếp tục phục hồi tăng trưởng, phát triển của tỉnh năm 2024 mà còn có ý nghĩa cho nửa nhiệm kỳ còn lại thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII.
Tỉnh Vĩnh Phúc đã đi qua hơn nửa chặng đường đầu, nhưng chặng đường còn lại dự báo vẫn còn đầy chông gai, thử thách, đòi hỏi phải nỗ lực hơn nữa để tăng tốc và về đích, đạt mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 và cho cả nhiệm kỳ 2020 - 2025.
Chính vì vậy, năm 2024 được coi là năm bản lề của cả nhiệm kỳ nên cả hệ thống chính trị tỉnh Vĩnh Phúc đã đặt quyết tâm cao nhất để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, các địa phương cũng đã đặt ra kế hoạch riêng về phát triển kinh tế - xã hội cho riêng mình.
Cụ thể đối với TP Vĩnh Yên, ông Nguyển Việt Phương - Tỉnh ủy viên, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Vĩnh Yên cho biết, năm 2023, trong điều kiện có nhiều khó khăn, thách thức, song Thành ủy, HĐND và UBND thành phố đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, quyết liệt, mạnh mẽ các nhiệm vụ, giải pháp tập trung phục hồi phát triển kinh tế xã hội cùng với sự tham gia đóng góp tích cực của cán bộ, đảng viên, các tầng lớp Nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp và cả hệ thống chính trị, kinh tế - xã hội thành phố đạt được những kết quả tích cực; tốc độ tăng trưởng ngành nông, lâm, nghiệp và thủy sản duy trì ổn định, đời sống Nhân dân trên địa bàn thành phố được đảm bảo và nâng cao.
Năm 2024, thành phố tiếp tục thực hiện các giải pháp phục hồi và phát triển kinh tế, đảm bảo tốc độ tăng trưởng; chú trọng đến an sinh xã hội, tạo môi trường thông thoáng, thuận lợi cho đầu tư, sản xuất kinh doanh; tập trung bồi thường GPMB, xử lý giải quyết vi phạm pháp luật đất đai, đẩy mạnh chuyển đổi số, cải cách hành chính nhất là cải cách thủ tục hành chính; tăng cường kỷ luật trong thực thi công vụ; củng cố quốc phòng an ninh, đảm bảo trật tự an toàn xã hội. Tập trung chỉ đạo hoàn thành cơ bản các mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XXI, nhiệm kỳ 2020- 2025 đề ra.
Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Việt Phương giao chỉ tiêu cho các xã, phường. |
Cùng với đó, UBND thành phố Vĩnh Yên cũng đã giao kế hoạch kinh tế - xã hội cho các phòng, ban chức năng, UBND các xã phường với chỉ tiêu quan trọng như: Phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế tăng 6,6% so với năm 2023, cơ cấu giá trị sản xuất ngành CN-XD chiếm 81,23%, Dịch vụ chiếm 18,43%, Nông nghiệp chiếm 0,34%. Thu ngân sách trên địa bàn đạt trên 2.892 tỷ đồng, chi ngân sách trên 1.776 tỷ đồng; Tỷ lệ tăng dân số tự nhiện 1,03%; Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 80%; Tỷ lệ người dân tham gia BHYT đạt 94 - 95%. Tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt được xử lý 95%; Diện tích cây xanh bình quân đầu đạt 15,8m2/người. Chính quyền cơ sở hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên. Năm 2024 tổng nguồn vốn kế hoạch đầu tư công của thành phố trên 502 tỷ đồng, thực hiện 60 dự án do thành phố quản lý, 1 dự án ANQP, hỗ trợ 43 dự án của các UBND xã phường.
Lãnh đạo UBND thành phố giao chỉ tiêu cho các phòng, ban. |
Để thực hiện đạt và vượt các chỉ tiêu theo kế hoạch, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Việt Phương đề nghị các cơ quan, ban ngành đoàn thể, UBND các xã phường phải xây dựng kế hoạch, phân công, phân nhiệm vụ cụ thể cho các cán bộ của đơn vị nêu cao tinh thần trách nhiệm cao nhất ngay từ đầu năm 2024; định kỳ hàng tháng, hàng quý kiểm tra, đôn đốc tiến độ thực hiện, kịp thời báo cáo cấp trên những khó khăn vướng mắc để có hướng tháo gỡ.
Trong đó, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội; có kế hoạch cân đối các nguồn thu, chi đảm bảo cho các nhiệm vụ thường xuyên và đột xuất. Tập trung đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, giải quyết dứt điểm tình trạng lấn chiếm sử dụng đất trái phép, tháo gỡ tồn tại trong công tác giải phóng mặt bằng; tiếp tục đối mới căn bản toàn diện giáo dục, giữ vững vị trí top đầu toàn tỉnh về giáo dục đại trà và giáo dục mũi nhọn; đẩy mạnh thực hiện dịch vụ công trực tuyến, xây dựng chính quyền điện tử, tập trung thực hiện chuyển đổi số...
Đối với TP Phúc Yên, ông Phan Tiến Dũng - Chủ tịch UBND TP Phúc Yên cho biết, năm 2023 đã khép lại, năm 2024 đã sang, ngay từ những ngày đầu năm, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân thành phố đã cùng nhau đoàn kết thi đua thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ trọng tâm về phát triển kinh tế- văn hóa- xã hội.
Cũng xác định năm 2024 là năm “tăng tốc”, có ý nghĩa rất quan trọng để thực hiện hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố Phúc Yên lần thứ IV, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) 5 năm 2021 - 2025. Trên cơ sở kết quả thực hiện nhiệm vụ năm 2023 và dự báo những thuận lợi, khó khăn thách thức, TP Phúc Yên đã đề ra phương hướng, nhiệm vụ năm 2024, làm cơ sở để các ban, ngành, địa phương, đơn vị bám sát tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện.
Đồng chí Phan Tiến Dũng, Chủ tịch UBND thành phố Phúc Yên quyết tâm phát triển kinh tế xã hội năm 2024 |
Để thực hiện đạt, vượt các mục tiêu đặt ra cho năm 2024, Thành ủy, HĐND, UBND TP Phúc Yên kêu gọi toàn dân và toàn quân trên địa bàn đoàn kết, phát huy tinh thần chủ động, tích cực, sáng tạo, nỗ lực phấn đấu hoàn thành thắng lợi mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra. Trong đó, trọng tâm là tập trung ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững. Tiếp tục thực hiện hiệu quả cơ cấu nền kinh tế, gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học - công nghệ, chuyển đổi số, kinh tế số, xã hội số, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Còn đối với huyện Bình Xuyên, để xứng tầm huyện công nghiệp trọng điểm của tỉnh Vĩnh Phúc, ông Nguyễn Mạnh Hùng - Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND Bình Xuyên cho biết, năm 2023, một năm nhiều khó khăn biến động với kinh tế trong nước, thế giới sắp đi qua.
Là huyện phát triển công nghiệp chủ lực của tỉnh, Bình Xuyên chịu tác động trực tiếp, toàn diện từ những khó khăn, biến động trên. Tuy nhiên, với sự đoàn kết, quyết tâm cao, cùng với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, hỗ trợ kịp thời của Trung ương, của tỉnh, huyện Bình Xuyên đã từng bước vượt qua khó khăn, duy trì kinh tế tăng trưởng khá, đóng góp tích cực cho tăng trưởng chung của tỉnh.
Lãnh đạo huyện Bình Xuyên chỉ đạo cưỡng chế thu hồi đất phục vụ dự án khu công nghiệp Bình Xuyên |
Cùng với đó, hoạt động sản xuất công nghiệp - xây dựng nhìn chung còn gặp nhiều khó khăn do chịu ảnh hưởng của bối cảnh tình hình kinh tế thế giới vẫn còn nhiều bất ổn khiến tổng cầu sụt giảm. Tốc độ tăng trưởng chung tuy dẫn đầu toàn tỉnh song cũng là tốc độ tăng trưởng thấp nhất trong vòng 2 năm trở lại đây.
Năm 2024, huyện Bình Xuyên sẽ phấn đấu chỉ tiêu kinh tế xã hội như: Tổng giá trị sản xuất trên địa bàn (theo giá hiện hành) phấn đấu đạt 259.703 tỷ đồng (tăng 12,9% so với năm 2023), trong đó: Giá trị sản xuất Công nghiệp - Xây dựng đạt 250.732 tỷ đồng (tăng 13,0%); Giá trị sản xuất Nông - Lâm nghiệp - Thuỷ sản đạt 1.609 tỷ đồng (tăng 0,1%); Giá trị sản xuất Dịch vụ đạt 7.361 tỷ đồng (tăng 12,6%)...
Để thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển nhanh, những năm qua huyện Bình Xuyên đã chú trọng đầu tư bài bản nhiều công trình, hạ tầng công nghiệp, hạ tầng giao thông trên địa bàn, trải thảm đỏ và tạo mọi điều kiện thuận lợi để thu hút nhà đầu tư. Huyện đã lập Đề án trình cấp có thẩm quyền công nhận Bình Xuyên đạt tiêu chuẩn đô thị loại IV. Đến nay, huyện có 5 thị trấn và có 6 đơn vị được công nhận là đô thị loại V.
Hạ tầng KCN Nam Bình Xuyên được lập quy hoạch chi tiết, thiết kế hướng đến xây dựng hạ tầng cơ sở xanh và thông minh |
Thời gian tới, huyện Bình Xuyên tiếp tục đầu tư, nâng cấp hạ tầng giao thông các tuyến đường kết nối các Khu CN và cụm công nghiệp, tích cực cải thiện môi trường đầu tư, đẩy nhanh công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, thu hút đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp, tạo động lực để Bình Xuyên phát triển nhanh, bền vững, xứng tầm huyện công nghiệp trọng điểm của Vĩnh Phúc.
Cũng là một trong những địa phương điểm, huyện Yên Lạc đang xây dựng hạ tầng phấn đấu trở thành đô thị loại IV, ông Nguyễn Ngọc Tú – Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Yên Lạc nhấn mạnh, năm 2024, bên cạnh những thuận lợi cơ bản, nhưng chắc chắn rằng cũng sẽ gặp không ít khó khăn, thách thức rất lớn sẽ phát sinh trong quá trình tổ chức thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh.
Ông Nguyễn Ngọc Tú – Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Yên Lạc giao chỉ tiêu nhiệm vụ các xã, thị trấn năm 2024 |
Do đó, để thực hiện thắng lợi mục tiêu, chỉ tiêu, kế hoạch kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh và dự toán ngân sách năm 2024 thì đòi hỏi phải có sự cố gắng, nỗ lực rất lớn; phấn đấu quyết liệt hơn nữa của cả hệ thống chính trị, của các cấp, các ngành, cùng với sự đồng thuận cao của Nhân dân.
Vì vậy, ông Nguyễn Ngọc Tú đề nghị các xã, thị trấn tập trung khai thác các nguồn thu đảm bảo vượt chỉ tiêu, chi ngân sách đề nghị quan tâm chi đúng, chi đủ đảm bảo và tiết kiệm; Các xã chủ động rà soát các chỉ tiêu nhiệm vụ được giao năm 2024, trong quá trình triển khai tổ chức thực hiện có khó khăn vướng mắc kịp thời báo cáo bằng văn bản gửi về UBND huyện qua phòng Tài chính - Kế hoạch huyện để giải quyết tháo gỡ khó khăn vướng mắc, phấn đấu năm 2024 hoàn thành xuất sắc mọi chỉ tiêu nhiệm vụ được giao.
Ngày từ đầu năm 2024, các đơn vị, địa phương huyện Yên Lạc phải triển khai đồng bộ các giải pháp, bảo đảm hoàn thành mục tiêu xây dựng xã nông thôn mới nâng cao, xã nông thôn mới kiểu mẫu, thôn nông thôn mới kiểu mẫu và huyện nông thôn mới nâng cao. Đẩy mạnh việc giải tỏa hành lang an toàn giao thông, lấn chiếm lòng đường, vỉa hè. Giải quyết, khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường tại các cụm công nghiệp, làng nghề và khu dân cư trên địa bàn các xã, thị trấn.
Trong công tác chỉ đạo, điều hành cần tăng cường kỷ cương, kỷ luật hành chính; nâng cao năng lực chuyên môn, phẩm chất đạo đức, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức, nhất là người đứng đầu các cơ quan trong việc thực thi công vụ. Đối với ngành giáo dục cần đổi mới căn bản, toàn diện trong công tác dạy và học; huy động nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị dạy và học cho các nhà trường, đảm bảo hoàn thành mục tiêu xây dựng 17 trường đạt chuẩn quốc gia năm 2024...
Đối với huyện Vĩnh Tường, ông Lê Nguyễn Thành Trung, Chủ tịch UBND huyện cho biết, năm 2024, huyện tiếp tục giao 4 chỉ tiêu kế hoạch Nhà nước bao gồm: Chỉ tiêu tuyển quân, tỷ lệ sinh, thu ngân sách xã và xây dựng nông thôn mới nâng cao, thôn dân cư mới kiểu mẫu cho UBND các xã, thị trấn trên địa bàn.
Ông Lê Nguyễn Thành Trung – Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Tường. |
Theo ông Trung, yêu cầu các đơn vị cần tiếp tục nỗ lực, khắc phục khó khăn để hoàn thành sớm các mục tiêu. Trong đó tập trung vào công tác lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội; có kế hoạch cân đối các nguồn thu, chi đảm bảo cho các nhiệm vụ thường xuyên và đột xuất.
Đồng thời, các đơn vị tập trung đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công đi đôi với đảm bảo chất lượng công trình, chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí. Thực hiện dự án theo đúng quy định pháp luật hiện hành từ bước chủ trương đầu tư, phân bổ vốn, phê duyệt dự án, lựa chọn nhà thầu, giải ngân, quyết toán công trình. Đặc biệt, loại bỏ những đơn vị tư vấn, nhà thầu xây lắp chây ỳ, không phối hợp làm ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện, giải ngân, thu hồi tạm ứng, quyết toán dự án hoàn thành...
Huyện Vĩnh Tường sẽ xử lý nghiêm các chủ đầu tư để phát sinh dự án chậm quyết toán; tổ chức lựa chọn nhà thầu khi đảm bảo điều kiện theo quy định (đặc biệt là phải bố trí vốn, bàn giao mặt bằng theo tiến độ thi thực hiện); Hạn chế tối đa việc để lặp lại các tồn tại hạn chế của năm trước trong quá trình thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2024 và các năm tiếp theo.
Các cơ quan chuyên môn cấp huyện như phòng Tài chínhn - Kế hoạch, phòng Kinh tế & Hạ tầng, Thanh tra huyện và một số cơ quan khác căn cứ chức năng, nhiệm vụ thường xuyên hướng dẫn, đôn đốc và kiểm tra, thanh tra việc thực hiện đầu tư của cấp xã từ bước lập kế hoạch, chuẩn bị đầu tư, thực hiện đầu tư, bàn giao quyết toán, từ đó đề xuất biện pháp xử lý nghiêm nếu xảy ra vi phạm.
Còn đối với huyện Lập Thạch, ông Hoàng Long Biên, Phó Bí thư Huyện uỷ, Chủ tịch UBND huyện cho biết, để quyết tâm thu hút nhà đầu tư để phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị các cấp của huyện trong sạch, vững mạnh. Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý và người đứng đầu đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ, bảo đảm tính kế thừa, đổi mới; nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng.
Huyện Lập Thạch quyết tâm thu hút nhà đầu tư để phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 |
Huyện Lập Thạch cũng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của MTTQ và các đoàn thể. Đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế, tạo đột phá trong phát triển công nghiệp, dịch vụ, thương mại; tập trung đầu tư hạ tầng, cải cách hành chính, chuyển đổi số.
Đồng thời giữ vững thành quả xây dựng NTM, giảm nghèo bền vững; thực hiện xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu, đô thi văn minh, Làng văn hóa kiểu mẫu. Gắn kết chặt chẽ, hài hòa giữa phát triển kinh tế với phát triển văn hóa, con người. Giữ vững an ninh, quốc phòng vững chắc.
Bên cạnh đó, huyện cũng tập trung chỉ đạo giải phóng mặt bằng, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, giải quyết kịp thời các đề xuất, kiến nghị của doanh nghiệp, đồng thời, công khai các thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính cho doanh nghiệp, tổ chức và công dân.
Việc đẩy mạnh phát triển công nghiệp đã giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động trên địa bàn huyện Lập Thạch. |
Cùng với đó, nâng cao hiệu quả thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi để thu hút thêm các nhà đầu tư, ưu tiên thu hút các dự án đầu tư về công nghiệp công nghệ cao, thân thiện môi trường. Phấn đấu giá trị sản xuất công nghiệp đến năm 2025 tăng bình quân hằng năm 22%, giải quyết việc làm cho hơn 10.000 lao động.
Các địa phương của tỉnh Vĩnh Phúc đều đã lên kế hoạch và mục tiêu rất chi tiết cho mình, điều này cho thấy sự chuẩn bị bài bản và sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị tỉnh Vĩnh Phúc trong việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Trong bối cảnh tiếp tục phải đối mặt với những khó khăn, thách thức lớn, với quyết tâm chính trị cao nhất, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ. Đặc biệt là tiếp tục thực hiện hiệu quả việc đánh giá cán bộ bằng sản phẩm thông qua việc giao chỉ tiêu nhiệm vụ cho 48 người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương.
Năm 2024, cả hệ thống chính trị tỉnh Vĩnh Phúc sẽ tập trung thực hiện đồng bộ, hiệu quả 5 nhiệm vụ trọng tâm và 3 khâu đột phá được xác định tại Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII. Trọng tâm là kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, các điểm nghẽn, khơi thông các nguồn lực, tập trung phát triển kinh tế - xã hội. Chú trọng đến an sinh xã hội, cải thiện nâng cao đời sống Nhân dân; bảo đảm an toàn môi trường sống, điều kiện sống tốt nhất cho người dân; từng bước xây dựng con người Vĩnh Phúc “Tiên phong, Sáng tạo, Khát vọng, Đổi mới”.