Việt Nam xuất siêu kỷ lục gần 17 tỷ USD

Tính chung 9 tháng năm 2020, cán cân thương mại hàng hóa của Việt Nam tiếp tục xuất siêu 16,99 tỷ USD, song đây chưa phải là con số đáng mừng.
Việt Nam xuất siêu 10,08 tỷ USD

Theo số liệu được công bố sáng 29/9 của Tổng cục Thống kê, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu tháng 9/2020 ước tính đạt 27,5 tỷ USD, giảm 0,7% so với tháng trước.

Tính chung trong quý III/2020, kim ngạch xuất khẩu đạt 80,07 tỷ USD, tăng 11% so với cùng kỳ năm trước và tăng 34% so với quý II năm 2020 (tăng 26,6% so với quý I); có 10 mặt hàng đạt giá trị xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 74,8% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Nếu tính lũy kế 9 tháng năm 2020, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước tính đạt 202,86 tỷ USD, tăng 4,2% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước tiếp tục là động lực tăng trưởng xuất khẩu cả nước khi đạt 71,83 tỷ USD, tăng mạnh 20,2%, chiếm 35,4% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 131,03 tỷ USD, giảm 2,9%, chiếm 64,6%; có 30 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 91,3% tổng kim ngạch xuất khẩu (5 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 59,8%).

Việt Nam xuất siêu kỷ lục gần 17 tỷ USD
Ảnh minh họa

Ở chiều ngược lại, kim ngạch hàng hóa nhập khẩu tháng 9/2020 ước tính đạt 24 tỷ USD, tăng 5,6% so với tháng trước. Trong quý III/2020, kim ngạch nhập khẩu đạt 68,54 tỷ USD, tăng 3% so với cùng kỳ năm trước và tăng 18,5% so với quý II năm 2020 (tăng 15,2% so với quý I); có 14 mặt hàng nhập khẩu đạt trị giá trên 1 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 73,4% tổng trị giá nhập khẩu.

Tính chung 9 tháng, kim ngạch hàng hóa nhập khẩu ước tính đạt 185,87 tỷ USD, giảm 0,8% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 82,35 tỷ USD, tăng 4,7%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 103,52 tỷ USD, giảm 4,8%; có 32 mặt hàng nhập khẩu đạt trị giá trên 1 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 88,3% tổng kim ngạch nhập khẩu.

Cán cân thương mại hàng hóa tháng 9/2020 ước tính xuất siêu 3,5 tỷ USD. Tính chung 9 tháng năm 2020, xuất khẩu vượt nhập khẩu 16,99 tỷ USD (cùng kỳ năm trước xuất siêu 7,27 tỷ USD), trong đó khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 10,52 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 27,51 tỷ USD.

Liên quan đến vấn đề xuất siêu của Việt Nam tăng cao trong thời gian qua, chia sẻ với báo chí, chuyên gia kinh tế Phạm Tất Thắng cho rằng, con số xuất siêu cao nghe có vẻ tích cực nhưng chính là tín hiệu không vui, vì chứng tỏ nguồn nguyên liệu nhập khẩu cho sản xuất của Việt Nam hiện tại đang gặp khó khăn.

Theo ông Thắng, nhập khẩu của Việt Nam chủ yếu là nhập yếu tố đầu vào cho quá trình sản xuất. Năm nay, Việt Nam không nhập được nguyên liệu là do không có đơn hàng xuất khẩu nên không nhập; thậm chí khi có đơn hàng xuất khẩu thì chuỗi cung ứng nguyên vật liệu lại bị đứt gãy nên không nhập được.

Hơn nữa, theo ông Thắng, hiện nay phần lớn các doanh nghiệp vẫn chủ yếu sử dụng nguồn nguyên liệu dự trữ từ trước để xuất khẩu, nguồn nhập khẩu nguyên liệu cho giai đoạn sau vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Chính từ yếu tố này đã dẫn tới câu chuyện Việt Nam chỉ có xuất khẩu mà không có nhập khẩu.

Hậu Lộc
Phiên bản di động