Vì sao cần ban hành nghị định mới về quản lý xăng dầu?

Việc cấp thiết hoàn thiện nghị định mới về quản lý kinh doanh xăng dầu là cần thiết để phù hợp với tình hình biến động của thị trường hiện nay...
Đại biểu Quốc hội: Để thị trường điều tiết giá xăng dầu Chi phí thuế chiếm 12-29% trong cơ cấu giá xăng dầu

Theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, từ năm 2003 đến nay chúng ta có 1 quyết định và 5 nghị định về kinh doanh xăng dầu, Quyết định đầu tiên là 187, sau đó là các Nghị định 55, 84, 83, 95 và 80. Tuổi thọ của các văn bản này lúc dài, lúc ngắn mà ngắn nhất là Nghị định 80.

Ông Long cho rằng, do vị trí chiến lược quan trọng của xăng dầu nên mới có nhiều thay đổi như vậy. Đây là mặt hàng chiến lược quan trọng, tác động đến sản xuất tiêu dùng, đời sống, an ninh quốc phòng và đồng thời nó tác động tới kinh tế vĩ mô.

Chuyên gia Ngô Trí Long cho biết, khi giá xăng dầu tăng thì tác động tới mặt bằng giá, tác động trực tiếp và gián tiếp làm cho chỉ số lạm phát tăng và lạm phát là một trong những chỉ tiêu kinh tế vĩ mô và đồng thời nó là một vấn đề an ninh năng lượng.

Chính tầm quan trọng đó cho nên Nhà nước, Chính phủ cũng luôn quan tâm xây dựng một văn bản pháp quy riêng để quản lý mặt hàng này.

Câu chuyện đặt ra là, trong bối cảnh chúng ta vừa xây dựng nghị định sửa đổi Nghị định 80, tại sao bây giờ chúng ta lại thay thế nó hoàn toàn mới?

Vì sao cần ban hành nghị định mới về quản lý xăng dầu?
Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long.

Ông Long cho rằng, tác động đến giá xăng dầu thì có rất nhiều yếu tố. Trước tiên là quan hệ cung cầu. Có rất nhiều những nhân tố tác động đến quan hệ cung cầu xăng dầu.

Trong thời gian qua vấn đề an ninh năng lượng của quốc tế nói chung cũng như của Việt Nam nói riêng đều bị tác động bởi yếu tố địa chính trị và nhiều biến động khác.

Từ đó dẫn đến giá dầu thế giới diễn biến một cách hết sức phức tạp, khó lường và nó làm cho nguồn cung trở nên khan hiếm. Đồng thời làm cho chi phí vận tải biến động tăng cao, khó lường, thất thường...

Trước tình hình biến đổi như vậy thì nhiều quy định trong các nghị định, văn bản quản lý mặt hàng xăng dầu không còn thích hợp, cần phải thay đổi.

Chính vì vậy, Thường trực Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Công thương phối hợp với các bộ xây dựng một dự thảo nghị định mới.

"Như tôi được biết đến thời điểm hiện tại, Bộ Công thương đã tiến hành dự thảo lần thứ 3 và đang trình Bộ Tư pháp để thẩm định", ông Long nói.

Theo ông Long, trong văn bản này có rất nhiều nội dung mới như: Công thức và cơ chế định giá xăng dầu; vấn đề về quỹ bình ổn giá; điều kiện kinh doanh xăng dầu và hệ thống kinh doanh xăng dầu và một số vấn đề khác.

"Việc cấp thiết hoàn thiện nghị định mới về quản lý kinh doanh xăng dầu là cần thiết để phù hợp với tình hình biến động của thị trường xăng dầu hiện nay", ông Long chia sẻ.

Bộ Công thương vừa ban hành Văn bản số 5315/BCT-KHTC về việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết số 108/NQ-CP ngày 10/7/2024 của Chính phủ về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6/2024 và Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương.

Trong đó, lãnh đạo Bộ Công thương chủ động triển khai các giải pháp đảm bảo cung ứng điện, xăng dầu phục vụ sản xuất kinh doanh, tiêu dùng; kiên quyết không để thiếu điện, thiếu xăng dầu trong mọi tình huống; tiếp tục thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Đặc biệt là sớm trình Chính phủ ban hành nghị định thay thế các nghị định về kinh doanh xăng dầu trong quý III/2024.

Mới đây, Bộ Công thương đã gửi Bộ Tư pháp hồ sơ thẩm định dự thảo nghị định về kinh doanh xăng dầu lần 3.

Trong đó, Bộ Công thương giữ quan điểm như tại bản thảo hồi tháng 4, Nhà nước sẽ không điều hành giá bán lẻ nhiên liệu trong nước mà doanh nghiệp (đầu mối, phân phối kinh doanh xăng dầu) tự tính, quyết giá bán lẻ trên cơ sở các yếu tố do Nhà nước công bố.

Cụ thể, cơ quan quản lý sẽ công bố giá thế giới bình quân 7 ngày một lần và một số chi phí cố định (tỷ giá ngoại tệ, thuế tiêu thụ đặc biệt, VAT, thuế nhập khẩu). Dựa trên những dữ liệu này, doanh nghiệp đầu mối sẽ cộng thêm các khoản chi phí kinh doanh, lợi nhuận định mức để tính giá bán tối đa. Song, giá bán lẻ tới người tiêu dùng không được cao hơn mức tối đa này. Giá bán lẻ tại địa bàn miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo được tăng thêm tối đa 2%.

Tuy nhiên, thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu sẽ phải kê khai giá, thông báo với cơ quan quản lý để giám sát.

Theo Bộ Công thương, việc thay đổi này xuất phát từ thực tế cơ chế điều hành giá hiện nay chưa đảm bảo theo cơ chế thị trường, phải qua quá nhiều bước.

Theo quy định hiện hành, Bộ Tài chính hướng dẫn cách xác định các yếu tố cấu thành giá cơ sở, điều chỉnh các khoản chi phí, lợi nhuận định mức dựa trên báo cáo của doanh nghiệp đầu mối, thuế nhập khẩu bình quân hàng quý rồi thông báo cho Bộ Công thương để tính giá cơ sở bán lẻ. Giá này được công bố 7 ngày một lần, là mức trần để các doanh nghiệp xác định giá bán trong hệ thống.

Trong dự thảo lần này, Bộ Công thương không đề xuất mức cụ thể với chi phí kinh doanh xăng dầu, lợi nhuận định mức doanh nghiệp được cộng vào giá bán lẻ (1.800-2.000 đồng/lít hoặc 4-20%) mà sẽ công bố định mức gốc ban đầu của chi phí lưu thông, rà soát 3 năm một lần. Theo đó, doanh nghiệp tính toán, điều chỉnh các chi phí này hàng năm theo chỉ số giá tiêu dùng, lợi nhuận định mức vẫn là 300 đồng/lít/kg xăng dầu.

Các khoản chi phí khác như hao hụt, bốc dỡ, vận tải, bảo hiểm,... được cơ quan quản lý đưa ra 3 tháng một lần. Doanh nghiệp xăng dầu đầu mối phải gửi báo cáo đã kiểm toán độc lập về số liệu các khoản chi phí này của 3 tháng trước đó lên Bộ Công thương.

Hậu Lộc
Phiên bản di động