Vạn người dự hội Bình Đà - thành kính tri ân Đức Quốc Tổ Lạc Long Quân
Đình (Đền) Nội Bình Đà - Di sản tiêu biểu độc đáo thờ Quốc Tổ Lạc Long Quân |
Tham dự chương trình khai mạc Lễ hội Bình Đà năm 2024 có các đồng chí: Phạm Tất Thắng - Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Dân vận Trung ương; Nguyễn Thị Tuyến - Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ Hà Nội; Phùng Thị Hồng Hà - Uỷ viên Ban Thường vụ Thành uỷ, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND thành phố Hà Nội; Phạm Thị Thanh Mai - Thành uỷ viên, Phó trưởng đoàn chuyên trách, Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội; PGS.TS Đỗ Văn Trụ - Chủ tịch hội Di sản văn hoá Việt Nam, cùng đại diện các bộ, ban ngành và đông đảo Nhân dân.
Các đồng chí lãnh đạo thực hiện nghi thức dâng hương, tưởng nhớ Quốc Tổ Lạc Long Quân. |
Nhằm tỏ lòng tri ân tới Đức Quốc Tổ Lạc Long Quân, trước khi diễn ra lễ khai mạc hội Bình Đà, các đồng chí lãnh đạo đã kính cẩn thực hiện nghi thức dâng hương, tưởng nhớ vị Quốc Tổ của dân tộc Việt Nam.
Trong diễn văn khai mạc, đồng chí Bùi Văn Sáng - Phó Bí thư Huyện uỷ, Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai nhấn mạnh truyền thống uống nước nhớ nguồn của dân tộc Việt Nam, đặc biệt là tri ân tới Đức Quốc Tổ Lạc Long Quân.
Theo truyền thuyết, Lạc Long Quân và Âu Cơ sinh 100 trứng, nở ra 100 người con, 50 người theo mẹ lên núi, 50 người xuống biển cùng cha.
Đến đất Bảo Đà nay là Bình Đà (huyện Thanh Oai), cách biển không xa, Lạc Long Quân truyền cho các con dừng chân dựng trại, thấy thế đất lục long chiêu hội, lưỡng phương giao phi màu mỡ, sông suối lượn quanh, nhiều thềm đất cao mang dáng rồng chầu, hổ phục, bèn chọn làm nơi xây dựng cơ nghiệp, dạy dân cấy lúa, trồng dâu, nuôi tằm, dệt vải, lấn biển, làm nhà, đuổi diệt thú dữ, khai khẩn đất đai, mở mang bờ cõi.
Đồng chí Bùi Văn Sáng - Phó Bí thư Huyện uỷ, Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai đọc diễn văn khai mạc |
Chẳng bao lâu, cả vùng Cổ Nõi được coi là đất quý trở nên trù phú, người dân khắp nơi đổ về đất linh bái yết Long Quân, hình thành những làng xóm đầu tiên vùng châu thổ sông Hồng. Vào một ngày cuối tháng Hai lịch trăng, Lạc Long Quân hóa trong đêm.
Để tri ân công đức của Quốc Tổ Lạc Long Quân, dân làng Bảo Đà lập ngôi Đình Nội cùng bức đại tự “Vi Bách Việt tổ” (Tổ dân Bách Việt). Kể từ đó, hàng năm, cứ vào đầu tháng Ba Âm lịch, người dân Bình Đà lại cùng nhau mở hội làng với hình thức tôn nghiêm nhất để tưởng nhớ và tri ân Đức Quốc Tổ Lạc Long Quân.
Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai cho biết, hàng nghìn năm nay, huyện vẫn bảo tồn được di tích lịch sử Đình thờ “Quốc Tổ Lạc Long Quân”, người anh hùng cái thế từ thủa ban đầu.
Tại ngôi Đình còn lưu giữ được nhiều các cổ vật quý như: Tấm Bia thời Lý, thời Lê Trung Hưng; nhiều thần phả và các sắc phong, chuông đồng, đồ tế tự, hoành phi câu đối, đặc biệt trong đình còn lưu giữ bức Phù điêu (giá tượng Lạc Long Quân độc nhất vô nhị) của Việt Nam, cùng với kiến trúc nghệ thuật độc đáo của ngôi Đình.
Do vậy, năm 1985, Đình đã được Bộ Văn hóa công nhận di tích lịch sử và nghệ thuật. Và năm 1990, Đình Nội Bình Đà tiếp tục được Bộ Văn hóa công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia.
Chương trình nghệ thuật đặc sắc, đặc biệt là sự góp mặt của danh ca Tùng Dương, đã mang bầu không khí lễ hội đến với người dân Thanh Oai và hàng vạn du khách |
Đối với lễ hội Bình Đà, đồng chí Bùi Văn Sáng cho biết, trải qua nhiều thăng trầm, có lúc bị gián đoạn do chiến tranh, nhưng đến nay, lễ hội truyền thống Bình Đà vẫn được gìn giữ và trao truyền qua nhiều thế hệ với đầy đủ các lễ nghi nghiêm cẩn theo luật tục xưa.
Cùng với thời gian, lễ hội ngày càng lan tỏa, phát triển thu hút đông đảo du khách thập phương tìm về.
Với những giá trị về lịch sử, văn hóa, tín ngưỡng, lễ hội gắn với giá trị độc đáo của di tích Đình Nội; ngày 1/4/2014, Lễ hội Bình Đà đã được Nhà nước ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể văn hóa cấp quốc gia đầu tiên của thành phố Hà Nội.
"Lễ hội Bình Đà là lễ hội cổ truyền từ xa xưa, là một trong những lễ hội lớn của vùng. Đây là lễ hội mang đậm bản sắc văn hóa của người Việt nhằm ôn lại ký ức của buổi đầu khai sinh, lập địa, tưởng nhớ công ơn của Đức Quốc Tổ Lạc Long Quân, người là “Tổ dân bách Việt” đã có công dựng nước khai sông, lấn biển mở mang bờ cõi, dựng xây cơ nghiệp", đồng chí Bùi Văn Sáng phát biểu.
Người dân Thanh Oai và du khách thập phương hoà mình trong không khí linh thiêng và hào hùng của lễ hội Bình Đà 2024 |
Được biết, Lễ hội Bình Đà năm nay được tổ chức vô cùng quy mô, đặc sắc.
Theo Ban tổ chức, chương trình lễ hội chính thức năm nay sẽ diễn ra từ ngày 12/4/2024 đến hết ngày 14/4/2024 (tức từ mùng 4 đến hết mùng 6 tháng Ba năm Giáp Thìn 2024).
Ngoài các nghi thức tế lễ, rước kiệu; các dòng họ, thôn tổ chức dâng lễ tại Đình Nội và Đình Ngoại; Thăm viếng nghĩa trang liệt sĩ; Lễ tế Thiên quan; Lễ rước, thả bánh Thánh xuống giếng Ngọc, … Đáng chú ý là chương trình khai mạc Lễ hội Bình Đà năm 2024 với màn nghệ thuật khai hội đặc sắc, ấn tượng.
Đặc biệt, lễ hội năm nay sẽ diễn ra chuỗi hoạt động văn hóa, thể thao phong phú: Giải Bóng đá thanh niên huyện Thanh Oai (Từ ngày 4/4/2024 đến ngày 11/4/2024 tức ngày 26/2 đến ngày 3/3 năm Giáp Thìn); Triển lãm sinh vật cảnh Thanh Oai (Từ ngày 4/4/2024 đến ngày 14/4/2024 tức ngày 26/02 đến ngày 6/3 năm Giáp Thìn); Hội chợ trưng bày và giới thiệu, trình diễn sản phẩm làng nghề (Từ ngày 9/4/2024 đến ngày 14/4/2024 tức ngày 1/3 đến ngày 6/3 năm Giáp Thìn); Triển lãm ảnh Nét đẹp văn hóa Thanh Oai (Từ ngày 9/4/2024 đến ngày 14/4/2024 tức ngày 1 đến ngày 6/3 năm Giáp Thìn); Liên hoan biểu diễn trống hội (Ngày 12/4/2024 tức ngày mồng 4/3 năm Giáp Thìn); Liên hoan lân sư rồng huyện Thanh Oai mở rộng (Ngày 14/4/2024 tức ngày mồng 6/3 năm Giáp Thìn); trình diễn Thư pháp, đốt pháo hoa, hát quan họ trên hồ Thủy đình và các trò chơi dân gian đặc sắc.
Năm 2024, Sở Du lịch thành phố Hà Nội phối hợp cùng các chuyên gia lĩnh vực du lịch, UBND huyện Thanh Oai - Ứng Hòa – Mỹ Đức nghiên cứu, xây dựng tuyến du lịch “Trung tâm Hà Nội – Thanh Oai - Ứng Hòa – Mỹ Đức” với chủ đề “Con đường di sản Nam Thăng Long – Hà Nội” sẽ được công bố ngay tại Lễ khai mạc Lễ hội Bình Đà 2024. Cùng với các giải pháp phát triển văn hóa, du lịch, những năm gần đây, đặc biệt là năm 2023 vừa qua, Huyện Thanh Oai có nhiều giải pháp tổng thể nhằm phát triển kinh tế - xã hội của huyện. Do vậy, đã đạt được những kết quả quan trọng, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ thành phố lần thứ XVII, Đại hội Đại biểu Đảng bộ huyện Thanh Oai lần thứ XXIII. |