Vẫn ì ạch cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp Nhà nước
“Vỡ” kế hoạch thoái vốn, cổ phần hóa của Thủ tướng vì chưa thực sự nghiêm túc Nan giải “bài toán” tăng vốn và cổ phần hóa Agribank |
Thông tin về tình hình cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước, Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) cho biết, kết thúc giai đoạn 2016-2020 còn 89 doanh nghiệp chưa hoàn thành kế hoạch cổ phần hóa theo Quyết định số 58/2016/QĐ-TTg, Công văn số 991/TTg-ĐMDN ngày 10/7/2017 và Quyết định số 26/2019/QĐ-TTg ngày 15/8/2019 của Thủ tướng Chính phủ.
Dự kiến các doanh nghiệp này sẽ tiếp tục triển khai cổ phần hóa theo kế hoạch, trong đó những đơn vị còn nhiều doanh nghiệp phải cổ phần hóa như: Thành phố Hà Nội cổ phần hóa 13 doanh nghiệp (4 Tổng công ty), chiếm 14% kế hoạch; TP HCM 38 doanh nghiệp (11 Tổng công ty), chiếm 40% kế hoạch; Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp cổ phần hóa 6 doanh nghiệp (3 Tập đoàn, 3 Tổng công ty), Bộ Xây dựng 2 Tổng công ty.
Trong 4 tháng đầu năm 2021, Cục Tài chính doanh nghiệp nhận được báo cáo phê duyệt phương án cổ phần hóa 2 doanh nghiệp thuộc Tổng công ty Lương thực Miền Bắc (không thuộc danh mục doanh nghiệp cổ phần hóa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt) với tổng giá trị doanh nghiệp là 202 tỷ đồng, trong đó phần vốn của Tổng công ty Lương thực Miền Bắc là 119 tỷ đồng.
Hà Nội vẫn còn tới 13 doanh nghiệp phải cổ phần hóa. |
Đồng thời, trong 4 tháng đầu năm các đơn vị vẫn tiếp tục triển khai công tác để thực hiện xác định giá trị doanh nghiệp để cổ phần hóa theo quy định.
Về tình hình thoái vốn Nhà nước, lũy kế 4 tháng đầu năm 2021 đã thực hiện thoái vốn với giá trị 286,6 tỷ đồng, thu về 2.165 tỷ đồng.
Trong đó, Nhà nước đã thoái vốn tại 3 đơn vị thuộc Quyết định số 908/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ với giá trị 52,5 tỷ đồng, thu về 84,1 tỷ đồng; thoái vốn của tập đoàn, Tổng công ty tại 9 doanh nghiệp thuộc Tập đoàn Cao su Việt Nam, Tập đoàn Viettel, NXB Giáo dục Việt Nam, VNPT, Tổng công ty Thái Sơn với tổng giá trị là 234,1 tỷ đồng, thu về 2.081,3 tỷ đồng.
Theo đánh giá của Cục Tài chính doanh nghiệp thì tiến độ cổ phần hóa và thoái vốn doanh nghiệp Nhà nước vẫn chậm, không đúng kế hoạch.
Về giải pháp đưa ra, Cục Tài chính doanh nghiệp cho biết, Bộ Tài chính đang lấy ý kiến các đơn vị liên quan hoàn thiện Dự thảo Đề án cơ cấu lại doanh nghiệp Nhà nước giai đoạn 2021-2025 để trình Thủ tướng Chính phủ ban hành, làm cơ sở tiếp tục triển khai cơ cấu lại, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp Nhà nước.
Đồng thời, Bộ Tài chính cũng đề nghị cơ quan đại diện chủ sở hữu phần vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp tập trung chỉ đạo các Tập đoàn, Tổng công ty thuộc phạm vi quản lý thực hiện sắp xếp lại, xử lý nhà, đất theo đúng quy định của pháp luật; thực hiện đầy đủ vai trò của cơ quan thuộc Chính phủ. Cơ quan đại diện chủ sở hữu trong quá trình lập phương án, quyết định xử lý theo thẩm quyền và chỉ đạo tổ chức thực hiện phương án xử lý nhà, đất được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Đặc biệt, một giải pháp quan trọng khác được đưa ra là cần nâng cao vai trò, nhận thức, trách nhiệm của người đứng đầu doanh nghiệp trong công tác cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại doanh nghiệp Nhà nước; đảm bảo công khai, minh bạch, đúng quy định pháp luật, tuân thủ nguyên tắc thị trường, không để xảy ra hiện tượng lợi ích nhóm trong việc triển khai cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại doanh nghiệp Nhà nước.