Văn hóa giao thông: Ngược đường, lao mình vào cửa tử
Văn hóa giao thông: Thách thức “tử thần” Văn hóa giao thông: Ánh nến trong đêm |
“Điếc không sợ súng"
Vừa mới đây, hình ảnh chiếc xe máy ngang nhiên đi ngược chiều trên cao tốc Hà Nội – Hải Phòng trong khi làn bên ô tô vẫn phóng vù vù khiến ai xem cũng rợn tóc gáy.
Cụ thể, Quản lý cao tốc Hà Nội - Hải Phòng cho biết, chiều 23/8 đơn vị phát hiện một thanh niên chạy xe máy ngược chiều trên cao tốc. Chiếc xe máy BKS 29M1-082.22 ngược chiều từ Km0 (nút giao vành đai 3) về Km10 (trạm thành phố đầu tuyến) tại làn 1 (làn xe chạy 120Km/h). Nhiều ô tô nháy đèn khi thấy thanh niên điều khiển xe máy liều lĩnh chạy ngược chiều.
Xe máy chạy ngược chiều trên cao tốc Hà Nội - Hải Phòng |
Trước tình huống trên, đơn vị Quản lý khai thác đường ô tô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng phối hợp với các lực lượng chức năng phát thông báo cảnh báo cho người và phương tiện đi hướng Hải Phòng - Hà Nội qua Kênh VOV giao thông, các biển báo điện tử (VMS) trên toàn tuyến.
Chỉ 18 phút sau khi thanh niên đi vào đường cao tốc, lực lượng chức năng tạm giữ người đi xe máy, bàn giao cho Đội 2, Phòng 8, Cục Cảnh sát Giao thông (Bộ Công an) xử lý.
Cũng trên cao tốc Hà Nội – Hải Phòng, trước đó Cục Cảnh sát giao thông đã phát hiện xe ô tô BKS 30A-306.69 đi ngược chiều làn 1 km 30 hướng Hà Nội – Hải Phòng ngược về Hà Nội.
Chiếc ô tô chạy ngược chiều khiến những người tham gia giao thông trên đường không khỏi kinh hoàng, bởi luôn đi trong tư thế đối đầu. May mắn, sau đó đã không có tai nạn đáng tiếc nào xảy ra.
Hành vi của lái xe đã bị người dân ghi lại bằng camera hành trình, sau đó được đưa lên mạng xã hội và hứng chịu thái độ bất bình, phẫn nộ của người dân.
Ô tô chạy ngược chiều trên cao tốc Hà Nội – Hải Phòng |
Cục CSGT đã tiến hành xác minh làm rõ lái xe vi phạm là người phụ nữ tên Lê Thị Kim A, sinh năm 1976, địa chỉ thường trú tại thành phố Hà Nội. Tại cơ quan Công an, nữ lái xe trần tình do đi nhầm đường nên đã quay đầu đi ngược chiều trên cao tốc. Tổ công tác thuộc Đội 2 đã lập biên bản vi phạm hành chính và xử phạt hành vi trên.
Dù là người chưa từng học luật giao thông đường bộ cũng có thể đặt giả thiết nếu chiếc xe chạy ngược chiều bị phương tiện khác tông phải, thậm chí gây ra tai nạn liên hoàn, hậu quả sẽ khủng khiếp đến thế nào?
Còn quá nhẹ tay?
Nhìn vào mức xử phạt đối với hành vi đi ngược chiều trong hệ thống văn bản pháp luật, nhiều người cho rằng cần phải có biện pháp mạnh hơn nữa, đánh vào kinh tế của chủ phương tiện để hạn chế tối đa hành vi này.
Theo Nghị định 46/2016/NĐ-CP, lỗi đi ngược chiều là lỗi người điều khiển xe đi ngược chiều trên đường một chiều và đi ngược chiều trên đường có biển “Cấm đi ngược chiều".
Theo đó, người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và xe gắn máy sẽ bị phạt tiền từ 300 - 400 nghìn đồng nếu đi ngược chiều trên đường một chiều và đi ngược chiều trên đường có biển “Cấm đi ngược chiều" (điểm i khoản 4 Điều 6 Nghị định 46/2016/NĐ-CP). Ngoài ra người vi phạm còn bị tước Giấy phép lái xe từ 1 - 3 tháng.
Còn người điều khiển xe ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô đi ngược chiều của đường một chiều, đi ngược chiều trên đường có biển “Cấm đi ngược chiều” sẽ bị phạt tiền từ 800 nghìn - 1,2 triệu đồng, đồng thời bị tước giấy phép lái xe từ 01 - 03 tháng theo điểm b khoản 4 Điều 5 Nghị định 46/2016/NĐ-CP.
Trường hợp các phương tiện (trừ các xe ưu tiên đang đi làm nhiệm vụ khẩn cấp theo quy định) đi ngược chiều trên đường cao tốc sẽ bị phạt tiền từ 7 - 8 triệu đồng theo điểm a khoản 8 Điều 5 Nghị định 46. Ngoài ra, người vi phạm còn bị tước giấy phép lái xe từ 04 - 06 tháng.
Nếu chờ đợi sự giám sát, xử lý từ cơ quan chức năng, những hành vi vi phạm này có giảm cũng chỉ như bệnh chữa phần ngọn mà không trị tận gốc. Muốn hiểm họa mang tên chạy ngược chiều được triệt tiêu, bản thân người điều khiển phương tiện phải tự ý thức được tuân thủ pháp luật là trân trọng tính mạng của chính mình và những người cùng tham gia giao thông.