Ứng xử mùa nắng nóng sao cho mát người, mát dạ

Những ngày nắng nóng gay gắt như hiện nay thì tìm nguồn không khí làm dịu mát là rất cần thiết. Dù vậy, việc tránh nóng bằng sử dụng điều hòa như nào cho văn minh, lịch sự lại có những câu chuyện “dở khóc dở cười” liên quan đến ứng xử khiến chúng ta phải suy ngẫm.
Không tổ chức hoạt động ngoại khóa cho học sinh khi nắng nóng gay gắt Nắng nóng tiếp tục bao trùm Đông Nam Á Phòng tránh ngộ độc thực phẩm mùa nắng nóng

Hà Nội mới vào những ngày đầu mùa hè, mà nhiệt độ thường xuyên ở mức cao gần 40 độ C. Cá biệt có những nơi ngoài trời và hiệu ứng bêtông, nhà kính khiến cảm giác cái nóng như thể lên đến 50 - 60 độ C hay nóng hầm hập như lò nướng, như rang lạc.

Rủ nhau đi siêu thị “cho mát”

Mới 10h sáng ở siêu thị Big C Trần Duy Hưng đã rất đông các sinh viên, những gia đình có trẻ em và cả người lớn tuổi. Mọi người tham quan, mua sắm với nhịp độ chậm rãi.

Đi siêu thị để tránh nóng
Đi siêu thị để tránh nóng

Chị Ngọc Lan ở phố Duy Tân, quận Cầu Giấy, chia sẻ: “Vào ngày nghỉ, gia đình tôi thường cho hai cháu nhỏ lên phố đi bộ Hồ Gươm, công viên chơi nhưng hôm nay trời nắng nóng gay gắt nên tôi đưa các cháu vào đây cho mát. Mình định cho các cháu vào khu vui chơi, rồi đi ăn uống và có thể tranh thủ mua đồ luôn”.

Một nhóm bạn sinh viên ở trọ khu Mễ Trì Hạ cho biết “Khu nhà trọ cấp 4 của chúng em rất nóng nên các bạn thường hay rủ nhau vào siêu thị Big C để săn hàng giảm giá, cũng một phần là do điều hòa ở đây rất mát”.

Ứng xử mùa nắng nóng sao cho mát người, mát dạ

Bên cạnh đó, chúng tôi còn thấy những hàng ghế chờ luôn đông kín người ngồi “cho mát”. Một số người ngồi rất lâu, không mấy quan tâm đến việc mua sắm. Phần lớn họ xem điện thoại, nhìn người qua lại. Có người tranh thủ nằm ngủ ở ngay băng ghế chờ. Nhiều người thấy như vậy rất phản cảm nhưng lại tặc lưỡi “Thôi, nắng nóng quá mà!”.

Sang hàng xóm dùng điều hòa “chùa”

Ở khu tập thể kiểu cũ tại Thanh Xuân, các hộ gia đình sống trong những phòng nhỏ chỉ khoảng 30 - 40m2. Nắng nóng và chật hẹp khiến mọi người càng thêm bí bách.

Những câu chuyện “dở khóc dở cười” vì cái điều hòa không chỉ xảy ra ở những người có thu nhập thấp, không có điều kiện lắp đặt riêng mà còn ở những người muốn “tiết kiệm điện” một cách quá mức, bất chấp thể diện.

Vợ chồng chị Thúy bàn nhau mua chiếc điều hòa trả góp để cả nhà được ngủ cho ngon giấc, không phải bật 2 - 3 chiếc quạt hết công suất mà vẫn nóng. Khổ nỗi, từ ngày có điều hòa, cuộc sống của gia đình chị cũng bị đảo lộn không ít. Đầu tiên là mấy bác hàng xóm hay bế cháu nhỏ sang chơi cho “đỡ nóng”. Ban đầu thì chị cũng nghĩ đơn giản mọi người sang chơi cho vui nhưng cả ngày ồn ã tiếng trẻ con, tiếng người lớn, chị bắt đầu cảm thấy bị làm phiền.

Cải thiện không gian sống để tránh nóng hiệu quả hơn
Cải thiện không gian sống để tránh nóng hiệu quả hơn

Chưa dừng lại ở đó, vừa hết ca “người già trẻ nhỏ”, nhà chị Thúy mấy hôm nay phải chịu đựng thêm cả nhà hàng xóm sang... ngủ nhờ từ trưa đến chiều. Ban đầu chỉ là gửi mấy đứa trẻ sang cho vui, sau đó cả bố mẹ chúng cũng kéo sang.

Cả nhà 4 người hồn nhiên nằm ngủ cùng trẻ con nhà chị khiến vợ chồng chị ý tứ nhường chỗ, ngồi cả buổi trưa không được ngủ. Bất mãn hơn nữa qua tìm hiểu, chị Thúy được biết nhà hàng xóm kéo sang ngủ nhờ vì “tiết kiệm tiền điện chạy điều hòa”.

“Nhà đông khách khiến việc ăn uống, vệ sinh cá nhân, thậm chí cả trang phục cũng không được thoải mái. Nói ra thì sợ mất lòng mà cứ kéo dài như này thực sự rất mệt mỏi”, chị Thúy tâm sự.

Đây chỉ là những câu chuyện nhỏ hàng ngày nhưng thiết nghĩ việc tránh nóng ở nơi công cộng hay “đóng cửa đi dùng chùa” là những hành động không nên lạm dụng, để Hà Nội không bị xấu xí thêm đôi chút vì nắng nóng.

Mỗi người Hà Nội vì lý do gì thì khi đến những nơi công cộng như siêu thị, trung tâm thương mại dù có lưu lại bao lâu cũng không nên ngồi lì một chỗ; Dù có muốn được thoải mái đến mấy nhưng cũng phải để ý, giữ gìn văn minh, lịch sự chung.

Tiến sĩ Trần Quang Hoài - chuyên gia phòng chống các hiện tượng thời tiết cực đoan đưa ra một số giải pháp: “Chúng tôi khuyến khích người dân tránh nắng nóng tại chỗ như dọn dẹp nơi ở, nơi làm việc gọn gàng, thoáng đãng, trồng thêm cây xanh ở ban công, che phủ hướng nắng trực tiếp bằng bạt cách nhiệt. Ngoài thời điểm nắng nóng cực đoan nên mở cửa sổ, giếng trời để đón gió tự nhiên”.

Các hãng cũng đưa lời khuyên sử dụng điều hòa, quạt một cách thông minh, tiết kiệm điện: Để nhiệt độ trong phòng không quá chênh lệch với ngoài trời; Không nên để nhiệt độ điều hòa quá thấp, không nên sử dụng toàn thời gian mà luân chuyển giữa điều hòa và quạt; Mở cửa sổ vào sáng sớm để không khí trong phòng lưu thông tốt hơn với môi trường xung quanh.

Hy vọng, Thủ đô Hà Nội của chúng ta bước vào mùa nắng nóng cao điểm và diện rộng vẫn giữ được nét đẹp thanh lịch, hào hoa như vốn có. Để được như vậy, mỗi công dân cần nâng cao ý thức nơi công cộng, giữ gìn văn minh, lịch sự chung, làm tốt việc tránh nắng nóng tại chỗ, sử dụng điều hòa, quạt đúng cách, tiết kiệm điện.

Mai Trúc
tuoitrethudo.com.vn
Phiên bản di động