Các mốc thời gian thí sinh cần nhớ trong kỳ tuyển sinh đại học sắp tới
Tại chương trình “Đối thoại, tư vấn, hướng nghiệp về khối ngành Sức khỏe - Ngôn ngữ". vừa được Báo Tuổi trẻ Thủ đô phối hợp Trường Đại học Thành Đô và các cơ sở giáo dục đại học tổ chức, Tiến sĩ Phạm Như Nghệ - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chia sẻ thông thông tin quan trọng trước kỳ tuyển sinh.
PV: Xin ông cho biết những mốc thời gian quan trọng và những điểm mới trong tuyển sinh đại học năm 2024?
Tiến sĩ Phạm Như Nghệ: Các mốc thời gian thí sinh không được bỏ lỡ trong kỳ thi tuyển sinh sắp tới:
Từ ngày 18/7 đến 17 giờ 00 ngày 30/7/2024: Thí sinh đăng ký, điều chỉnh, bổ sung nguyện vọng xét tuyển không giới hạn số lần.
Ngày 12/8: Các trường công bố kết quả xét tuyển. Tất cả các trường đều tập trung công bố vào đợt này. Do được quyền đăng ký số lượng, số ngành không hạn chế nên thí sinh phải ưu tiên trường nào yêu thích nhất để lên đầu.
Ở mùa tuyển sinh 2024, giống như năm trước, toàn bộ quy trình xét tuyển, từ đăng ký xét tuyển, đăng ký nguyện vọng, thay đổi nguyện vọng, nộp lệ phí tuyển sinh và xác nhận nhập học đều tiến hành trực tuyến. Đây là điểm các em cần lưu ý. Chúng ta có thể thực hiện những bước này ở bất kỳ đâu, với phương tiện là máy tính kết nối Internet. Các em phải chú ý không bỏ lỡ những cột mốc quan trọng, bởi toàn hệ thống không thể chờ đợi một vài thí sinh để quay ngược trở lại những khâu trước đó. Chính vì thế, phải bám sát quy trình này.
Một điểm nữa Bộ GD&ĐT cũng đặc biệt lưu ý thí sinh, đó là việc tham gia vào các phương thức xét tuyển sớm của các trường đại học.
Các em cần nghiên cứu rất kỹ đề án tuyển sinh của trường đại học đã công bố trên website, để bám sát về hồ sơ, thủ tục, giấy tờ và các thời hạn, không được bỏ lỡ các thời hạn đó.
Hệ thống hỗ trợ xét tuyển chung của Bộ GD&ĐT cho phép thí sinh được đăng ký không giới hạn số nguyện vọng. Một chiến thuật chúng tôi thường khuyên thí sinh là các nguyện vọng yêu thích nhất, thấy bản thân có năng lực, sở trường và đam mê thì nên xếp phía trên. Điều này đảm bảo quyền lợi của thí sinh. Các em sẽ trúng tuyển vào nguyện vọng cao nhất, tốt nhất có thể trong tất cả nguyện vọng mà các em đủ điều kiện trúng tuyển.
Như vậy, các em không nhất thiết phải lựa chọn những nguyện vọng không yêu thích lên đầu, mà hãy ưu tiên cho những nguyện vọng mình thích. Chẳng hạn, các em đã trúng tuyển sớm tại một trường đại học, ngành học yêu thích rồi, nếu đặt nguyện vọng này làm nguyện vọng 1, thí sinh chắc chắn sẽ trúng tuyển.
Các trường nếu có sự thay đổi, điều chỉnh về thông tin tuyển sinh sẽ truyền thông để thí sinh nắm rõ. Còn trên phạm vi vĩ mô của toàn hệ thống sẽ giữ ổn định như vậy, với nguyên tắc đảm bảo quyền lợi tốt nhất cho thí sinh. Phần vất vả sẽ thuộc về các thầy cô ở các trường và về Bộ GD&ĐT, còn các em sẽ được đảm bảo quyền lợi tối đa.
Nhiều học sinh đuộc giải đáp băn khoăn, thắc mắc trong chương trình “Đối thoại, tư vấn, hướng nghiệp về khối ngành Sức khỏe - Ngôn ngữ". |
PV: Những lưu ý cho thí sinh trong việc đăng kí xét tuyển sớm ra sao, thưa ông?
TS.Phạm Như Nghệ: Theo quy định của Bộ GD-ĐT, chậm nhất ngày 10/7 các trường Đại học phải công bố kết quả xét tuyển sớm và đưa danh sách trúng tuyển lên hệ thống xét tuyển của Bộ GD&ĐT. Vì vậy, thí sinh cần nghiên cứu rất kỹ đề án tuyển sinh của trường đại học đã công bố trên website, để bám sát về hồ sơ, thủ tục, giấy tờ và các thời hạn, không được bỏ lỡ các thời hạn đó.
Bộ chỉ xét tuyển sớm với các phương thức không sử dụng kết quả điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2024 (trong trường hợp phương thức xét tuyển có sử dụng điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2024 thì thực hiện xét tuyển theo kế hoạch chung). Các trường phải có phương án để không tuyển vượt số lượng chỉ tiêu đã dự kiến.
TS.Phạm Như Nghệ lưu ý, tất cả nguyện vọng của các em dù trúng tuyển sớm hay sau khi có điểm thi tốt nghiệp THPT đều phải đăng ký trên hệ thống hỗ trợ xét tuyển chung của Bộ GD&ĐT. Điều này vô cùng quan trọng.
Nếu không nhập các nguyện vọng của mình lên hệ thống, các em sẽ không được ghi nhận, không thể chính thức trúng tuyển và nhập học, dù đã trúng tuyển theo phương thức xét tuyển sớm ở vài trường đi chăng nữa. Các em cần nhập nguyện vọng của mình lên hệ thống, sắp xếp theo thứ tự ưu tiên từ nguyện vọng một là cao nhất, sau đó đến nguyện vọng tiếp theo.
Học sinh nhiệt tình đặt câu hỏi gửi tới các vị đại biểu |
PV: Năm 2024 là năm cuối thực hiện chương trình GDPT 2006. Từ năm 2025, thí sinh sẽ thi theo chương trình GDPT 2018, nếu thí sinh không đủ tiêu chuẩn xét tuyển đại học năm nay, làm thế nào để được xét tuyển đại học vào năm sau?
TS.Phạm Như Nghệ: Từ năm 2025, những học sinh chưa đỗ kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 và những năm trước đó sẽ được tổ chức thi tốt nghiệp đúng nội dung chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) đã được học theo tinh thần bảo đảm đầy đủ quyền lợi của học sinh.
Với các em trượt kỳ thi tốt nghiệp của Chương trình GDPT 2006, Bộ GDĐT sẽ nghiên cứu tổ chức thi cùng năm 2025 nhưng có 2 chương trình đề thi khác nhau. Một đề nội dung theo Chương trình GDPT 2018, nội dung đề còn lại theo Chương trình GDPT 2006. Học sinh hoàn toàn có thể yên tâm rằng không phải học theo chương trình GDPT 2006 mà phải thi theo chương trình GDPT 2018. Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ đảm bảo công bằng cho các em.
PV: Trân trọng cám ơn ông!