Thúc đẩy góc nhìn đa chiều trong đổi mới giáo dục

Nhằm tăng cường năng lực cho giáo viên trong việc triển khai Chương trình GDPT 2018 trước thềm năm học mới, các trường học trên địa bàn Thủ đô đã tích cực triển khai nhiều hoạt động thiết thực nhằm nâng cao hiệu quả dạy và học của ngành giáo dục.
Đổi mới công tác quản lý giáo dục trung học Sóc Sơn: Giáo dục lịch sử địa phương trong trường học Bắc Giang có thêm học sinh giành huy chương Vàng Olympic Hóa học

Phương pháp học Tiếng Anh dựa vào tư duy logic

Trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024 vừa qua, Hà Nội tiếp tục cải thiện vị trí trong bảng xếp hạng các địa phương, tăng 4 bậc so với năm 2023. Kết quả vượt bậc này có sự góp phần không nhỏ của bộ môn Ngoại ngữ, cụ thể là vai trò của các thầy giáo, cô giáo đang giảng dạy bộ môn này.

Tiếp tục kế thừa và phát huy kết quả tốt đẹp đó, trước thềm năm học mới 2024-2025, Sở GD&ĐT Hà Nội đã tổ chức chương trình "Nâng cao hiệu quả dạy và học tiếng Anh bằng tư duy Linearthinking", với sự tham gia của hơn 200 giáo viên chủ chốt, đại diện tổ tiếng Anh các trường THPT trên địa bàn TP.

Thúc đẩy góc nhìn đa chiều trong đổi mới giáo dục
Chương trình tập huấn với khoảng 200 giáo viên trên địa bàn TP Hà Nội tham gia

Tham gia chương trình, thầy, cô giáo đã được trải nghiệm, thực hành những ý tưởng mới gắn với công tác bồi dưỡng, phát triển nghiệp vụ giảng dạy Ngoại ngữ; đồng thời, nâng cao năng lực sử dụng Tiếng Anh trên bục giảng, từ đó cải thiện kết quả học tập của học sinh.

Dẫn các nghiên cứu trong thời gian qua, bà Hà Đặng Như Quỳnh (Nghiên cứu sinh Giáo dục học, Đại học Reading; Thạc sĩ giảng dạy Tiếng Anh tại ĐH Nottingham, Vương quốc Anh) - Giảng viên chính của chương trình, cho biết: "Hiện, có rất nhiều phương pháp giảng dạy tiếng Anh ở Việt Nam du nhập từ nước ngoài với những điểm yếu gây khó cho học viên, nhất là học sinh khối THPT.

Trong đó không ít phương pháp cũ như tích lũy ngữ pháp từ vựng, dạy luyện đề... phụ thuộc quá nhiều vào phương pháp học từ vựng phức tạp, khó nhớ, nội dung câu dài, khó hiểu. Học sinh áp dụng cách thức học tập trên thường khó diễn đạt liền mạch bằng ngoại ngữ, đôi khi học xong một đoạn dài nhưng vẫn không thể xâu chuỗi toàn bộ ý nghĩa các câu thành phần".

Theo bà Quỳnh, những hạn chế của cách tiếp cận trên chưa giải quyết được vấn đề nội tại của học sinh và chưa có tính cá nhân hoá trong việc học Ngoại ngữ.

“Mỗi học viên là một bài toán cần giải với tư duy logic khác biệt, kiến thức xã hội khác biệt, kiến thức nền khác biệt; thói quen học và cảm quan về tiếng Anh cũng khác biệt. Vì vậy, chúng ta cần có phương pháp học Ngoại ngữ làm sao phát triển tư duy logic song song với khả năng ngôn ngữ, khơi dậy vốn kiến thức sẵn có, hiểu rõ bản chất tiếng Anh để học với niềm yêu thích, đam mê”, bà Đặng Như Quỳnh nói.

Từ thực tiễn đó, phương pháp học tiếng Anh bằng tư duy Linearthinking ra đời, với 3 đặc điểm nổi bật là tính hệ thống, tính tư duy, tính thuần Việt, Linearthinking đánh dấu lần đầu tiên tư duy Toán học được áp dụng vào việc học ngôn ngữ, áp dụng một số kỹ thuật siêu trí nhớ. Qua đây, tạo ra một cách học tiếng Anh đặc biệt hiệu quả với người Việt Nam, đồng thời mở rộng tư duy logic, tư duy phản biện.

Thúc đẩy góc nhìn đa chiều trong đổi mới giáo dục
Giáo viên tham gia chia sẻ tại chương trình

Qua chương trình, các giáo viên chủ chốt, đại diện tổ tiếng Anh các trường trung học phổ thông trên địa bàn Thủ đô đã lần đầu được tiếp cận nền tảng công nghệ hỗ trợ việc học tiếng Anh "Super LMS", phương pháp hiện đại nhằm hỗ trợ củng cố kiến thức, giúp học viên làm bài tập dễ dàng, hiệu quả hơn, giúp giáo viên chuẩn bị tâm thế tốt nhất trước khi cùng học sinh bước vào năm học mới.

Là một trong những giáo viên trẻ tham gia tập huấn Nâng cao hiệu quả dạy và học tiếng Anh bằng tư duy Linearthinking, thầy giáo Đào Trọng Nghĩa, đến từ Trường THCS và THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm, quận Cầu Giấy, Hà Nội cho rằng, đây là một phương pháp có nhiều đặc điểm tốt như: Phù hợp để dạy trong lớp học có sĩ số đông, có nhiều trình độ, nhu cầu học khác nhau. Ngoài ra, áp dụng Linearthinking còn giúp học sinh có thể phát triển thêm 4 kỹ năng: Nghe, nói, đọc, viết một cách toàn diện thay vì chỉ có thể làm đề ngữ pháp một cách máy móc.

“Theo tôi phương pháp này phù hợp nhất với bối cảnh dạy các chứng chỉ quốc tế như IELTS, TOELF, TOEIC... và các tiết học về kỹ năng trong sách giáo khoa của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Sau buổi tập huấn, giáo viên chúng tôi sẽ có thêm một công cụ nữa để tham khảo khi thiết kế các bài dạy theo chương trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo”, thầy giáo Đào Trọng Nghĩa nói.

Tổ chức tập huấn theo chương trình GDPT 2018

Nhằm giúp cán bộ và giáo viên tiểu học nắm vững cách thức đánh giá học sinh theo chương trình tập trung vào việc phát triển năng lực của học sinh và áp dụng Toán học vào thực tế, Phòng GD&ĐT quận Ba Đình (Hà Nội) đã tổ chức buổi tập huấn về kiểm tra và đánh giá học sinh môn Toán theo chương trình GDPT 2018 cho cán bộ, giáo viên các trường Tiểu học trên địa bàn quận.

Đánh giá học sinh sẽ căn cứ vào yêu cầu cần đạt được quy định trong chương trình giáo dục phổ thông, bảo đảm tính chính xác, toàn diện, công bằng, trung thực, và khách quan.

Với cách chia sẻ sinh động, hấp dẫn, thầy Đặng Xuân Cương, tư vấn giáo dục độc lập tại trường Đại học Australia đã giúp cho các cán bộ, giáo viên hiểu rõ hơn, nắm vững cách thức đánh giá học sinh, áp dụng hiệu quả trong quá trình dạy học. Cũng qua đó, cán bộ, giáo viên có mặt trong buổi tập huấn hiểu rõ về vai trò, ý nghĩa và sự cần thiết của việc kiểm tra đánh giá học sinh.

Thầy cũng phân tích kỹ những quan điểm mới trong đánh giá và giới thiệu bộ công cụ đánh giá học sinh môn Toán trong chương trình GDPT 2018, từ đó, giúp giáo viên có thể xây dựng được bộ tiêu chí đánh giá học sinh khi giảng dạy môn Toán và tiến hành kiểm tra, đánh giá học sinh ngay trên lớp, để có thể tự điều chỉnh hình thức tổ chức dạy học hoặc kiểm tra đánh giá nhằm đảm bảo mục tiêu cần đạt của chương trình GDPT 2018 môn Toán.

Thúc đẩy góc nhìn đa chiều trong đổi mới giáo dục
Thầy Đặng Xuân Cương, tư vấn giáo dục độc lập tại trường Đại học Australia chia sẻ tại chương trình

Cô giáo Hoàng Thị Lan Hương, Bí thư Chi bộ, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phan Chu Trinh bày tỏ: “Nội dung buổi tập huấn rất sinh động, gần gũi, thiết thực, giúp cán bộ và giáo viên tiểu học trong Quận Ba Đình nắm vững cách thức đánh giá học sinh môn Toán theo chương trình GDPT 2018. Với những hiểu biết gặt hái được qua buổi tập huấn, Ban giám hiệu cùng các khối trưởng chuyên môn của trường tiểu học Phan Chu Trinh sẽ lan tỏa tới toàn thể cán bộ, giáo viên trong trường, áp dụng hiệu quả việc kiểm tra đánh giá học sinh môn Toán theo chương trình GDPT 2018”.

Ngoài ra, nhằm trang bị thêm các kỹ năng thiết kế bài giảng, kiểm tra đánh giá, khai thác và sử dụng hệ sinh thái học liệu số, ứng dụng các thành tựu khoa học trong xu thế chuyển đổi số, góp phần thực hiện hiệu quả chương trình GDPT 2018, phòng GD&ĐT quận Ba Đình còn tổ chức lớp bồi dưỡng chuyên sâu về phương pháp giảng dạy cho giáo viên bộ môn tiếng Anh cấp Tiểu học và THCS trên địa bàn.

Tại buổi tập huấn, ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó trưởng khoa Sư phạm Tiếng Anh, Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội đã chia sẻ các phương pháp giảng dạy hiệu quả cũng như cách thiết kế bài giảng sinh động và hấp dẫn. Quá trình dạy học của mỗi giáo viên chính là hành trình truyền cảm hứng cho học sinh, nhằm tạo ra "sản phẩm" là lứa học sinh không sợ bộ môn tiếng Anh và không bỏ lại học sinh nào phía sau. Thiết kế của bộ sách Global Success cho học sinh là sự tích hợp các kỹ năng Đọc - Nói - Nghe - Viết.

Thúc đẩy góc nhìn đa chiều trong đổi mới giáo dục
Ông Nguyễn Tuấn Anh - Phó trưởng khoa Sư phạm Tiếng Anh, Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội chia sẻ các kỹ năng cần thiết trong giảng dạy theo chương trình GDPT 2018 cho giáo viên quận Ba Đình

Ông cũng đã cập nhật cách ứng dụng thành tựu khoa học mới trong dạy học như sử dụng AI để tạo ra các bài tập phong phú cho học sinh luyện tập thêm, đáp ứng yêu cầu của xu thế chuyển đổi số.

Theo ông Tuấn Anh, việc dạy lồng ghép các kỹ năng là vô cùng thiết yếu trong việc phát triển năng lực của người học.

Chương trình đã nhận được sự tham gia tích cực và đánh giá cao từ các giáo viên. Các thầy cô giáo đã bày tỏ sự hài lòng với nội dung chuyên sâu và thực tiễn của buổi tập huấn, đồng thời cảm thấy được trang bị thêm nhiều công cụ và phương pháp hữu ích để áp dụng vào công việc giảng dạy của mình.

Quỳnh Giang
Phiên bản di động