Trường THPT dân lập tại Hà Nội - Bài 1: Không đảm bảo cơ sở vật chất theo quy định

Nhiều trường THPT dân lập tại Hà Nội không đáp ứng được tiêu chí về cơ sở vật chất theo quy định, ảnh hưởng không nhỏ tới chất lượng giáo dục cho học sinh.
Chính phủ phê duyệt chủ trương dự án Khu công nghiệp sạch Sóc Sơn, Hà Nội Xe dù, bến cóc tại Hà Nội: Đứng đâu cũng bắt được xe khách về quê

Quy định về cơ sở vật chất đối với trường THPT

Mặc dù, theo quy định Thông tư 13/2020/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo có hiệu lực từ 11/7/2020 Quy định tiêu chuẩn cơ sở vật chất các trường trong đó có hệ trung học phổ thông. Cụ thể, vị trí đặt trường, điểm trường phù hợp với quy hoạch phát triển giáo dục của địa phương, có kết nối giao thông thuận lợi cho học sinh, đáp ứng yêu cầu phòng chống cháy nổ.

Trường THPT dân lập tại Hà Nội - Bài 1: Không đảm bảo cơ sở vật chất theo quy định
Trường THPT Phùng Khắc Khoan có cơ sở đào tạo nằm cùng với doanh nghiệp và ngân hàng

Quy định cũng nêu rõ, trường THPT có quy mô tối thiểu 15 lớp và tối đa 45 lớp, có diện tích khu đất xây dựng trường được xác định trên cơ sở số lớp, số học sinh bình quân tối thiểu 10m2/học sinh. Đối với trường nội trú, diện tích khu đất cho hạng mục công trình phục vụ nội trí đảm bảo 6m2/học sinh.

Về định mức diện tích sàn xây dựng các hạng mục công trình, khối hành chính được thực hiện theo quy định hiện hành, còn các khối học tập, hỗ trợ học tập, khu sân chơi, thể dục thể thao, phục vụ sinh hoạt được quy định tại phụ lục kèm theo. Đối với các hạng mục công trình trực tiếp phục vụ hoạt động dạy học và tổ chức các hoạt động giáo dục cao không qua 4 tầng, đảm bảo điều kiện cho học sinh khuyết tật tiếp cận sử dụng.

Thông tư 13 của Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng nêu rõ tiêu chuẩn cơ sở vật chất tối thiểu đối với trường THPT gồm khối hành chính quản trị, khối phòng học tập phòng học đảm bảo tối thiểu 6 phòng/10 lớp, được trang bị đầy đủ bàn ghế học sinh đúng quy cách và đủ chỗ ngồi cho học sinh, bàn, ghế giáo viên, bảng, hệ thống đèn, quạt...

Thông tư cũng quy định, khối phòng hỗ trợ học tập có mỗi trường tối thiểu có 1 thư viện đầy đủ chức năng kho sách, khu quản lý, khu đọc sách riêng cho giáo viên và học sinh, phòng thiết bị giáo dục, tư vấn học đường, phòng truyền thống, phòng Đoàn Thanh niên.

Khối phòng phụ trợ gồm có phòng họp toàn cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường được trang bị đầy đủ các thiết bị theo quy định. Ngoài ra, còn có phòng các tổ chuyên môn, phòng y tế, nhà kho, khu để xe học sinh, khu vệ sinh và công, hàng rào.

Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng quy định có khu sân chơi, thể dục thể thao chung để tổ chức các hoạt động của toàn trường, phải có mặt bằng, có cây xanh, bóng mát. Sân thể dục thể thao đảm bảo an toàn, có dụng cụ vận động cho học sinh. Khối phục vụ sinh hoạt, hạ tầng kỹ thuật, thiết bị dạy học phải đảm bảo.

Trường THPT dân lập tại Hà Nội - Bài 1: Không đảm bảo cơ sở vật chất theo quy định
Sân chơi của trường THPT Phùng Khắc Khoan chỉ đủ cho một lớp tập thể dục

Ngoài ra, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng quy định tiêu chuẩn cơ sở vật chất ở mức độ 1 và 2 cho các trường THPT nhằm đảm bảo công tác giáo dục cho học sinh được tốt nhất.

Nhiều trường THPT dân lập không đạt tiêu chuẩn

Theo khảo sát của phóng viên tại các trường THPT hệ dân lập như THPT Phùng Khắc Khoan, THPT Nguyễn Du, THPT Phan Bội Châu, THPT Nguyễn Tất Thành, THPT Huỳnh Thúc Kháng hầu hết không đảm bảo tiêu chí theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Tại trường THPT Phùng Khắc Khoan (địa chỉ tại 85 Lương Định Của, Đống Đa, Hà Nội) nằm trong diện tích khoảng 2.700m2 của Công ty CP đầu tư y tế và giáo dục Việt Nam cùng với hoạt động của ngân hàng BIDV. Đặc biệt, với hơn 400 học sinh của trường thì diện tích này không đảm bảo đủ theo quy định 10m2/học sinh.

Không những thế, theo giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại 85 Lương Định Của thì mục đích là để làm văn phòng làm việc và phục vụ sản xuất nhưng phía trường THPT Phùng Khắc Khoan lại làm nơi dạy học.

Trường THPT dân lập tại Hà Nội - Bài 1: Không đảm bảo cơ sở vật chất theo quy định
Có tới hai trường THPT dân lập nằm cùng một địa chỉ 131 Nguyễn Trãi, Thanh Xuân, Hà Nội

Ghi nhận của phóng viên, diện tích sân chơi và phòng học tập của học sinh, diện tích phòng thư viện nhỏ hẹp khiến cho nhiều học sinh khó khăn trong việc phát triển toàn diện.

Còn tại trường THPT Phan Bội Châu (địa chỉ tại 21 Vũ Trọng Phụng, Thanh Xuân, Hà Nội) và THPT Nguyễn Tất Thành (địa chỉ 54 Vũ Trọng Phụng) thì cả hai trường đều không đảm bảo đủ có diện tích theo quy định 10m2/học sinh và không có sân vui chơi, thể dục, thể thao dành cho học sinh.

Tại trường THPT Phan Bội Châu lấy nhà dân với độ cao 7 tầng với các phòng chật hẹp, không đầy đủ hạng mục theo quy định để làm trường học, trong khi đó, theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo độ cao sử dụng cho học tập không quá 4 tầng.

Còn tại trường THPT Nguyễn Du và THPT Huỳnh Thúc Kháng lại có trùng một địa chỉ là 131 Nguyễn Trãi (Thanh Xuân, Hà Nội) là không đảm bảo đúng theo quy định về khoảng cách giữa các trường THPT. Đồng thời, cơ sở vật chất của trường THPT Nguyễn Du cũng không đảm bảo, về sân chơi, phòng học nhỏ hẹp, không có các phòng hỗ trợ học tập hay sân chơi, tập thể dục…

Trường THPT dân lập tại Hà Nội - Bài 1: Không đảm bảo cơ sở vật chất theo quy định
Trường THPT Phan Bội Châu có tới 7 tầng, nhỏ hẹp và không đảm bảo đúng quy định để dạy học

Ngoài ra, dọc tuyến đường Vũ Trọng Phụng chỉ chưa đầy 1 km nhưng lại có tới 3 trường THPT dân lập nằm sát nhau gồm Trường THPT Nguyễn Tất Thành, THPT Hoàng Mai và THPT Phan Bội Châu.

(Còn tiếp…)

Hà Gia
Phiên bản di động