Xe dù, bến cóc tại Hà Nội: Đứng đâu cũng bắt được xe khách về quê

"Khi vào bến xe Mỹ Đình, xe khách phải mất tới một giờ đồng hồ mới tới cầu Thăng Long thì thà tôi chờ ở đường còn hơn là vào bến".
Xe dù, bến cóc Hà Nội: Biết vi phạm pháp luật nhưng vẫn phải mưu sinh Hà Nội: Lòng đường thành bến xe lưu động, tấp nập xe đón trả khách

Tình trạng xe dù bến cóc, bắt khách dọc đường diễn ra thường xuyên nhưng chưa có biện pháp nào xử lý triệt để. Vậy đâu là nguyên nhân dẫn tới tình trạng xử lý mãi không xong, gây mất an toàn giao thông, an ninh trật tự trên địa bàn Hà Nội?

Vì tiện đường, hành khách không vào bến

Cách bến xe Mỹ Đình vài bước chân nhưng nhiều hành khách đi các tỉnh Yên Bái, Phú Thọ, Bắc Giang, Thái Nguyên… không vào bến mà đứng chờ ở phía đường đối diện. Điều này khiến tình trạng tắc đường thường xuyên xảy ra.

Xe dù, bến cóc tại Hà Nội: Đứng đâu cũng bắt được xe khách về quê
Tình trạng xe dù, bến cóc, bắt khách dọc đường diễn ra thường xuyên

Tại điểm đối diện bến xe Mỹ Đình, Nguyễn Thị Hương (sinh viên trường Đại học Điện Lực) đang chờ xe khách về Thái Nguyên. Hương chia sẻ, dù gần bến xe, nhưng em hay bắt ở ngoài đường Phạm Hùng bởi đứng ở đây thì xe sẽ chạy nhanh hơn khi vào bến. Có lúc mất 30 phút, xe khách mới đi từ trong bến ra tới điểm đối diện bến xe Mỹ Đình. Trong khi đó, cứ 10 đến 15 phút lại có một xe chạy nên em không mất quá nhiều thời gian để chờ xe bắt khách.

Cũng tại đường Phạm Hùng, điểm Trung tâm Hội nghị Quốc gia, một thanh niên bắt xe về Ninh Bình cho biết: “Tôi làm ở Mễ Trì, Nam Từ Liêm nên mỗi khi về quê tôi thường ra đây đón xe khách, khi liên hệ với nhà xe, họ thường bảo tôi ra điểm này đón lúc 5 giờ chiều. Chứ nếu tôi đi từ Mễ Trì xuống bến xe Giáp Bát thì mất nhiều thời gian và tiền bạc, trong khi đó, có xe thì tội gì tôi không bắt ở đây”.

Cũng tại đường Phạm Hùng, khi phỏng viên ngỏ ý muốn hỏi xe đi Lục Ngạn, Bắc Giang, anh Thanh đang chờ xe khách mách: “Muốn đi đâu cũng có xe cả, cứ ngồi ở đường này mà chờ”.

Theo khảo sát, nếu cách các bến xe hàng chục km thì hành khách sẽ không chọn cách vào bến về quê mà chọn hình thức khác để tiện lợi và tiết kiệm nhất. Phục vụ nhu cầu của thượng đế, nhiều xe dù, xe hợp đồng trá hình thường lựa chọn tuyến đường hoặc vị trí đón khách ở những khu vực gần trường đại học, cao đẳng, khu chung cư, bệnh viện… hoặc sẵn sàng đưa đón tận nơi. Trong khi đó xe khách tuyến cố định chỉ có thể đón trả tại bến, rõ ràng là kém thuận tiện hơn.

Xe khách, xe dù vì lợi nhuận mà bất chấp

Theo Sở Giao thông vận tải Hà Nội, với không ít người dân, để đến được bến xe phải trung chuyển qua nhiều hình thức như người nhà đưa đón, xe ôm, taxi, xe buýt, dẫn đến tốn thêm một khoản chi phí nữa ngoài vé xe liên tỉnh. Trong khi đó, xe khách trá hình, xe dù đưa đón tận nơi mà giá vé chỉ tương đương.

Xe dù, bến cóc tại Hà Nội: Đứng đâu cũng bắt được xe khách về quê
Nguyên nhân phần lớn do ý thức của người dân và xe khách bất chấp quy định

Về chất lượng dịch vụ, lại càng có sự chênh lệch, bởi nhiều doanh nghiệp kinh doanh xe khách tuyến cố định hiện nay còn chưa chú trọng đến việc đầu tư, đổi mới phương tiện, nâng cao chất lượng dịch vụ.

Thậm chí, vì ham lợi nhuận trước mắt, nhà xe còn sẵn sàng vòng vo dọc đường để bắt thêm khách, nhồi nhét, thu quá giá… dẫn đến việc hành khách có tâm lý ngại, sợ sử dụng xe tuyến cố định; chuyển sang lựa chọn xe khách trá hình hoặc các loại hình vận tải khác.

Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp vận tải tuyến cố định chưa quan tâm đúng mức đến việc ứng dụng công nghệ trong quản lý, điều hành, đặt vé, quảng bá thương hiệu… trong khi xe khách trá hình thì ngược lại.

Theo Sở Giao thông vận tải Hà Nội, bên cạnh những vấn đề khách quan thì nguyên nhân đầu tiên là sự chuyển mình chậm trễ của chính các doanh nghiệp vận tải hành khách tuyến cố định nên khó cạnh tranh với xe khách trá hình.

Chia sẻ với phóng viên, một lái xe đi Yên Nghĩa - Quảng Ninh cho rằng, vẫn biết bắt khách dọc đường là vi phạm pháp luật, nhưng vì mưu sinh nên phải bắt khách để đảm bảo cho hành khách có xe về quê, vừa đảm bảo duy trì kinh tế cho doanh nghiệp.

Đối với doanh nghiệp, hành khách không vào bến mà chỉ đứng ở đường đón xe thì cũng rất khó cho doanh nghiệp. Bởi xe khách không thể không có khách mà chỉ đi từ điểm đầu đến điểm cuối. Còn thiếu vắng những điểm đón trả khách an toàn được Sở Giao thông vận tải Hà Nội cấp phép.

Chưa có kết nối giữa các tuyến xe ở các bến

Một lãnh đạo bến xe Gia Lâm cho biết, tình trạng những xe hợp đồng đón trả khách tạo nên xe dù biến tướng gây bức xúc cho xe khách. Còn hành khách thì tiện đâu là họ đi chứ không cần phải vào bến để làm gì.

Ngoài ra, sự liên kết giữa các tuyến xe giữa các tỉnh với nhau chưa được kết nối. Chẳng hạn, người dân từ các tỉnh Tây Bắc muốn đi các tỉnh miền Trung thì phải di chuyển một quãng đường rất xa từ bến xe Mỹ Đình đến bến xe Nước Ngầm với quãng đường hơn 10km gây lãng phí xã hội. Trong khi đó xe buýt lại mất nhiều thời gian và không được chở hàng hóa, nên rất khó khăn cho người dân. Còn nếu hành khách đi xe taxi thì số tiền hành khách phải trả để đi từ bến Mỹ Đình đến bến xe Nước Ngầm khoảng 150 nghìn đến 200 nghìn đồng, bằng với số tiền di chuyển từ bến xe Nước Ngầm đi một số tỉnh khác.

Bởi vậy, hầu hết hành khách có nhu cầu nhưng nguồn cung xe khách đi các tỉnh phía Nam tại khu vực bến xe Mỹ Đình và một số quận tập trung các trường Đại học như Cầu Giấy, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm… lại không có nên hoạt động xe dù, bến cóc, bắt khách dọc đường sẽ xuất hiện gây mất an ninh trật trự, an toàn xã hội.

Lực lượng chức năng chưa xử lý triệt để, kịp thời

Trả lời về tình trạng xe dù bến cóc, bắt khách dọc đường, lãnh đạo Sở Giao thông vận tải Hà Nội cho biết: “Cho đến nay, công tác phát hiện, kiểm tra, xử lý vi phạm của một bộ phận cán bộ thực thi công vụ cũng như chính quyền địa phương còn chưa triệt để, kịp thời”.

Xe dù, bến cóc tại Hà Nội: Đứng đâu cũng bắt được xe khách về quê
Mặc dù lực lượng ra quân quyết liệt nhưng vẫn chưa giải quyết dứt điểm tình trạng xe dù bến cóc

Đặc biệt, công tác phối hợp, hiệp đồng giữa các lực lượng chưa chặt chẽ, hiệu quả, dẫn đến vi phạm tiếp tục tái diễn, bỏ sót vi phạm. Chưa quy định được trách nhiệm rõ ràng của chính quyền địa phương trong việc kiểm tra, xử lý các vi phạm về hoạt động vận tải xe khách.

Ngoài ra, theo Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, ý thức chấp hành pháp luật của một số doanh nghiệp vận tải và người lái xe chưa cao. Công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật trong hoạt động kinh doanh vận tải còn mang tính hình thức, thời vụ. Chưa chú trọng tuyên truyền nhằm thay đổi ý thức để người dân không bắt xe dọc đường, trên đường cao tốc… mà vào bến xe mua vé.

Các doanh nghiệp vẫn chưa áp dụng khoa học công nghệ trong nhận diện, cảnh báo, trích xuất dữ liệu để xử phạt các vi phạm như chạy sai hành trình, đón trả khách sai quy định…

Nhóm PV
Phiên bản di động