Trùng tu nghi môn đền An Liệt có làm hỏng di tích cấp quốc gia?
Hải Dương lấy ý kiến về việc mở cửa lại hoạt động du lịch Hải Dương: Điều chỉnh quy hoạch Cụm công nghiệp Ba Hàng Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương: Ninh Giang còn nhiều hạn chế cần khắc phục |
Cổng nghi môn không cùng độ tuổi với di tích quốc gia
Hình ảnh trước và sau trùng tu cổng đền An Liệt. |
Cụ thể, hồ sơ báo cáo kinh tế - kỹ thuật, thiết kế bản vẽ thi công tu bổ, tôn tạo cho thấy, nghi môn đền An Liệt được thiết kế có kiến trúc kiểu chồng diêm cổ các 8 mái, gồm 1 cổng chính và 2 cổng phụ, đao tàu giéo góc, các góc mái đắp đao, kìm nóc theo nguyên mẫu trụ cổng nghi môn cũ. Trong khi nghi môn hiện trạng đã được thi công tu bổ, tôn tạo kiểu tứ trụ, không mái, cánh cửa bằng kim loại.
Sau khi hình ảnh trước và sau trùng tu cổng đền An Liệt được lan truyền trên mạng, nhiều người cho rằng địa phương đã phá bỏ một công trình di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia.
Tuy nhiên, lãnh đạo UBND xã Thanh Hải và nhiều người dân địa phương khẳng định cổng đền An Liệt không có độ tuổi lớn cùng với di tích, bởi trước kia, khu vực di tích vốn là đầm bãi, không có cổng. Sau này, cổng đền được người dân địa phương góp công sức xây dựng thêm.
Sẽ tu bổ, tôn tạo nghi môn đền An Liệt theo đúng hồ sơ thiết kế
Theo thông tin mới nhất, sáng 9/4, UBND xã Thanh Hải đã động thổ, tu bổ nghi môn đền An Liệt.
Cổng đền An Liệt sau khi tu bổ khiến nhiều ý kiến phản ứng. |
Sau khi báo phản ánh, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hải Dương đã có báo cáo UBND tỉnh Hải Dương và Cục Di sản văn hoá (Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch) về tu bổ, tôn tạo nghi môn đền An Liệt - Di tích cấp quốc gia tại xã Thanh Hải (Thanh Hà) chưa đúng hồ sơ thiết kế đã được phê duyệt.
Hình ảnh cũ của cổng đền An Liệt. |
Trước thực trạng đó, Sở đã đề nghị UBND huyện Thanh Hà phối hợp chỉ đạo giao UBND xã Thanh Hải (chủ đầu tư) huy động mọi nguồn lực để thi công hoàn thiện hạng mục nghi môn theo đúng hồ sơ báo cáo kinh tế - kỹ thuật, thiết kế bản vẽ thi công tu bổ, tôn tạo đền An Liệt, do Công ty CP Xây dựng và tu bổ công trình văn hóa Hải Dương lập và đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thỏa thuận tại Công văn số 5568 ngày 10/12/2018.
Đồng thời, khẩn trương hoàn thiện tu bổ, tôn tạo để đưa công trình vào sử dụng, đáp ứng nhu cầu tham quan, chiêm bái di tích của nhân dân và du khách thập phương.
Bên cạnh đó, UBND huyện Thanh Hà (Hải Dương) đã yêu cầu các xã, thị trấn rà soát, kiện toàn và nâng cao chất lượng hoạt động của ban quản lý các khu di tích; Chủ động nắm bắt kịp thời khi các di tích được tu bổ, tôn tạo và tổ chức các hoạt động văn hóa tín ngưỡng. Khi triển khai các dự án tu bổ, tôn tạo, bổ sung đồ thờ tự tại các di tích phải thực hiện đúng trình tự, thủ tục quy định.
Huyện tăng cường quản lý và sử dụng hiệu quả các nguồn thu từ di tích, hằng năm quan tâm rà soát và lập hồ sơ xếp hạng di tích cấp tỉnh, cấp quốc gia với những di tích tiêu biểu của địa phương.
Đặc biệt, huyện Thanh Hà nghiêm cấm các hành vi chiếm đoạt, phá hoại, trùng tu tôn tạo trái phép, gây hủy hoại di sản văn hóa. Kiểm điểm nghiêm khắc, làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân nếu để xảy ra sai phạm liên quan đến di tích.
Đền An Liệt được xây dựng từ thời Hậu Lê (thế kỷ thứ XVIII) thờ ngũ vị Đại vương gồm Đại Minh chiêu cư sĩ Sĩ Vương, Đoàn tướng công Đại vương đại thần (Đoàn Thượng), Đào Bạt tướng công, Vực Lao tướng công, Đặng Lật tướng công có công giúp triều lê đánh giặc, bảo vệ đất nước và được nhân dân tôn làm Thành hoàng. Đền An Liệt có kiến trúc tiền nhất, hậu đinh gồm 3 gian tiền bái, 3 gian trung từ, 1 gian hậu cung với nhiều mảng chạm khắc theo kiến trúc thời Nguyễn được lưu giữ đến nay. Hiện di tích còn giữ 16 đạo sắc phong có niên đại từ thời Tây Sơn đến thời Nguyễn, bia đá thời Nguyễn và nhiều di vật, cổ vật có giá trị nghệ thuật cao. Ngày 26/6/1995, Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng đền An Liệt là di tích cấp Quốc gia. |