Triển lãm nghệ thuật nhân ngày giỗ tướng quân Phạm Ngũ Lão

Vào ngày 13/12/2023, nhân 703 năm ngày giỗ Tướng quân Phạm Ngũ Lão, tại Di tích Lịch sử Văn hóa đền Phù Ủng (25 Lý Quốc Sư, Hoàn Kiếm) sẽ diễn ra lễ dâng hương tưởng niệm vị danh tướng lừng lẫy một thời.
Đặc sắc triển lãm "Dấu xưa văn hiến" Vẻ đẹp đầy chất thơ của làng cổ Đường Lâm qua triển lãm ảnh Triển lãm thư pháp Thăng Long - Hà Nội “Nét đan thanh”

Triển lãm nghệ thuật vinh danh giá trị truyền thống

Đền Phù Ủng tọa lạc tại 25 Lý Quốc Sư, phường Hàng Trống, quận Hoàn Kiếm. Xưa kia, đây vốn thuộc thôn Tiên Thị, tổng Tiền Túc, huyện Thọ Xương với tên gọi Phù Ủng Vọng Từ hay đền Phù Ủng là nơi duy nhất cùng thờ Đức Thánh Trần Hưng Đạo và Đức Ông Phạm Ngũ Lão ở Thủ đô hiện nay. Đây là một di tích lịch sử văn hóa quý giá nằm trong quần thể di tích Hồ Hoàn Kiếm, giữa trung tâm Thủ đô Hà Nội.

Triển lãm nghệ thuật nhân ngày giỗ tướng quân Phạm Ngũ Lão
Hoạt động dâng hương tưởng niệm diễn ra hàng năm tại Đền Phù Ủng, Phường Hàng Trống, Quận Hoàn Kiếm.

Lễ dâng hương tại đền Phù Ủng năm 2023 được tổ chức với qui mô cấp phường, diễn ra vào ngày 13/12/2023 (tức ngày 01 tháng 11 năm Quý Mão), đúng vào kỷ niệm 703 năm ngày giỗ Thượng tướng quân Phạm Ngũ Lão với nội dung trang trọng, lành mạnh, tiết kiệm theo đúng quy định về tổ chức lễ hội của nhà nước và nghi lễ dân gian truyền thống theo đề án "Tổ chức lễ hội truyền thống trong Khu phố cổ và khu vực Hồ Hoàn Kiếm" của UBND Quận.

Đây là dịp để ôn lại những trang sử vẻ vang, truyền thống hào hùng chống giặc ngoại xâm của dân tộc ta, đồng thời ghi nhận, tôn vinh và phát huy những giá trị văn hoá vật thể, phi vật thể, tín ngưỡng dân gian truyền thống tốt đẹp của dân tộc, nhằm làm cho Nhân dân và cán bộ phường Hàng Trống nói riêng, quận Hoàn Kiếm nói chung hiểu biết thêm về sự hình thành và tồn tại, những giá trị lịch sử văn hóa, kiến trúc nghệ thuật.

Triển lãm nghệ thuật nhân ngày giỗ tướng quân Phạm Ngũ Lão
Đền Phù Ủng Vọng Từ tọa lạc tại số 25 phố Lý Quốc Sư, Phường Hàng Trống, Quận Hoàn Kiếm.

Đây là một hoạt động văn hoá có ý nghĩa thiết thực góp phần bảo tồn, gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc, là nét đẹp trong sinh hoạt văn hóa cộng đồng của người dân Thủ đô, biểu hiện ước vọng tình cảm và truyền thống đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ người trồng cây” của dân tộc Việt Nam.

Cũng trong dịp này, UBND phường đã phối hợp cùng Công ty TNHH HOẠ GẤM tổ chức ra mắt triển lãm tranh “Họa linh sắc Việt” bao gồm 9 bức tranh được lấy cảm hứng từ dòng tranh Thờ trong tranh dân gian Hàng Trống được tạo ra bằng 1 phương pháp mới mang tên Họa kim sa.

Triển lãm nghệ thuật nhân ngày giỗ tướng quân Phạm Ngũ Lão
Founder HỌA GẤM - Nguyễn Hoàng Anh trong buổi ra mắt triển lãm "Họa linh sắc Việt" tại bảo tàng Phụ Nữ Việt Nam.

Triển lãm sẽ đưa khán giả ngược dòng lịch sử tìm lại những giá trị nghệ thuật cổ đang dần bị mai một; có thêm góc nhìn về tôn giáo và những tín ngưỡng tâm linh trong tiềm thức; cùng đắm mình vào sức sống của thời đại qua những dòng tranh dân gian nổi tiếng của Việt Nam. Tất cả những giá trị văn hoá nghệ thuật giao thoa và hòa quyện vào làm một, mang hồn cốt riêng song vẫn tôn vinh lẫn nhau.

Founder HỌA GẤM Nguyễn Hoàng Anh cho biết: "Với mong mỏi để “những giá trị cổ truyền không bao giờ cũ”, để “tinh hoa xưa sống mãi với thời gian”, HỌA GẤM đã nỗ lực phát triển chuỗi dự án mang tên “HOẠ LINH SẮC VIỆT”.

Dự án nhằm mang đến thông tin về văn hoá tâm linh của một cách chính xác, đồng thời cụ thể hoá và tôn vinh nét đẹp tôn giáo - tín ngưỡng đã hình thành, tồn tại trong tiềm thức của mỗi người con đất Việt qua hàng thế kỷ. HỌA GẤM đã mang nét nghệ thuật truyền thống của nhiều dòng tranh dân gian nổi tiếng như: Hàng Trống, Đông Hồ, Kim Hoàng, Làng Sình,… thể hiện lại trên nền nghệ thuật Họa Kim Sa - Một môn nghệ thuật được đưa về Việt Nam dựa trên kỹ thuật gốc Kháp ti pháp lang".

Triển lãm nghệ thuật nhân ngày giỗ tướng quân Phạm Ngũ Lão
Tranh dân gian Đông Hồ "Tiến Tài" tạo hình bằng nghệ thuật Họa Kim Sa

Sau sự thành công của hai sự kiện Talkshow “Hoạ Kim Sa và Tín ngưỡng Thờ Mẫu trong tranh Hàng Trống” vào tháng 3/2023 và “Hoạ Kim Sa và Phật Giáo trong tâm thức người Việt” vào tháng 10/2023, triển lãm nghệ thuật “HOẠ LINH SẮC VIỆT” chính là lời khẳng định về những mục tiêu mà HOẠ GẤM theo đuổi trên con đường phát triển văn hoá nghệ thuật truyền thống các nước nói chung và văn hoá nghệ thuật truyền thống Việt Nam nói riêng.

HOẠ GẤM mong rằng dự án “Hoạ Linh Sắc Việt” sẽ mang đến cái nhìn rõ nét hơn về sự tồn tại và phát triển của tôn giáo - tín ngưỡng trong tâm thức người Việt qua hàng bao thế kỷ. Nét đẹp này được thể hiện qua những dòng tranh dân gian truyền thống của dân tộc và sẽ được tái hiện bởi nghệ thuật Hoạ Kim Sa - một bộ môn nghệ thuật mang một phần dấu ấn của phần lịch sử cố đô Huế.

Triển lãm nghệ thuật nhân ngày giỗ tướng quân Phạm Ngũ Lão
Kiến trúc sư Nguyễn Nga - nổi tiếng với dự án bảo tồn cầu Long Biên - đánh giá rất cao các đường nét tranh truyền thống được tạo hình lại bằng phương pháp Họa Kim Sa.

Cùng với lễ dâng hương, UBND phường Hàng Trống hy vọng hoạt động triển lãm lần này sẽ góp phần quảng bá và phát huy hơn nữa giá trị di tích của đền Phù Ủng đến đông đảo Nhân dân và du khách thập phương; để đền Phù Ủng thực sự là một di tích tiêu biểu trên địa bàn phường, niềm tự hào của địa phương, góp phần giáo dục truyền thống yêu nước cho các thế hệ mai sau về các giá trị lịch sử văn hóa, truyền thống của dân tộc.

Danh tướng “đan sọt” chặn đường xa giá

Đức Ông Phạm Ngũ Lão (1255-1320), hay còn được Nhân dân tôn kính nhắc đến với danh xưng Điện Tiền Phò Mã hay Đức Phạm Điện Súy là người làng Phù Ủng, huyện Dưỡng Hào (nay là thôn Phù Ủng, xã Phù Ủng, huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên). Sinh ra trong thời vó ngựa quân Nguyên Mông đang đe dọa bờ cõi đất nước, ông từ nhỏ đã có chí khí khác thường, ham đọc sách thánh hiền, binh thư. Sau này, ông là vị tướng tài giỏi đã có công lao to lớn trong hai cuộc kháng chiến chống giặc Nguyên – Mông thế kỷ XIII và trong sự nghiệp giữ gìn biên giới phía Tây, mở mang bờ cõi phương Nam.

Cuối thế kỷ XVIII, dân làng Phù Ủng lên Thăng Long lập nghiệp và dựng đền thờ vị anh hùng của quê hương mình coi như “Thành hoàng làng” ở nơi quê mới.

Triển lãm nghệ thuật nhân ngày giỗ tướng quân Phạm Ngũ Lão
Không gian bên trong đền Phù Ủng Vọng Từ

Vào những năm tuổi hai mươi, trong một lần xa giá Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn đưa quân đi tập trận qua làng Phù Ủng. Quân lính nườm nượp kéo đi, tiếng thét tránh đường vang lên ồn ã, nhưng Phạm Ngũ Lão vẫn điềm nhiên ngồi đan sọt bên đường như không hề biết. Một người lính bực tức, lấy giáo đâm vào đùi nhưng ông không phản ứng gì. Nghe tiếng ầm ĩ, Hưng Đạo Vương định sai một viên quan hầu cận lên xem việc gì thì tướng Nguyễn Chế Nghĩa tiến lại trước mặt ông, cúi đầu thưa rõ sự việc. Trần Hưng Đạo thấy lạ, liền đến trước mặt chàng trai. Thấy người này ước chừng hai mươi tuổi, đầu trần, áo rách, khuôn mặt khôi ngô, một bên đùi bị giáo đâm chảy máu, nhưng vẫn ngồi đan sọt, Hưng Đạo Vương cất giọng hỏi: "Ngươi quê ở đâu, bị giáo đâm thế không biết đau hay sao mà ngồi im thế"?

Phạm Ngũ Lão ngước lên, thấy vị tướng dáng uy nghi nhưng vẫn lộ rõ vẻ hiền từ, liền kính cẩn thưa: "Thưa Đức ông, thần họ Phạm, tên Ngũ Lão, quê ở làng Phù Ủng, châu Thượng Hồng. Nhà nghèo, ruộng không có, phải làm nghề đan sọt nuôi mẹ già. Thần mải nghĩ mấy câu trong binh thư nên không biết có quân của Đức ông qua đây, xin Đức ông xá tội".

Triển lãm nghệ thuật nhân ngày giỗ tướng quân Phạm Ngũ Lão
Hình ảnh Tướng quân Phạm Ngũ Lão trong vở cải lương mang tên Ngài

Thấy dáng vẻ và khẩu khí của Phạm Ngũ Lão đường hoàng, Trần Hưng Đạo sai người lấy thuốc đắp vết thương cho ông rồi dò hỏi xem có quan tâm đến việc quân Nguyên Mông sắp tiến vào Đại Việt không. Phạm Ngũ Lão thưa: "Thần tuy ở nơi thôn dã song cũng biết giặc Nguyên Mông lăm le tiến vào nên đã cùng trai tráng trong vùng luyện tập võ nghệ, chờ thời cơ đầu quân".

Hưng Đạo Vương nhìn thấy trong một chiếc sọt có quyển sách liền hỏi sách gì, Ngũ Lão kính cẩn dâng lên. Vương hỏi về binh thư, không ngờ ông trả lời rành rọt mọi vấn đề về cách dùng binh, binh chỉ cần tinh chứ không cần nhiều. Hưng Đạo Vương mừng rỡ nói: "Ngươi có chí lớn, ta rất mừng. Hiện ta chiêu mộ quân lính, kén chọn tướng tài. Ta muốn ngươi về Vạn Kiếp giúp ta huấn luyện quân lính, ngươi thấy thế nào”?

Triển lãm nghệ thuật nhân ngày giỗ tướng quân Phạm Ngũ Lão
Hình ảnh Tướng quân Phạm Ngũ Lão từng rất quen thuộc với các em học sinh qua câu chuyện "Chàng trai làng Phù Ủng"

Phạm Ngũ Lão vui mừng song không đi ngay mà xin phép về thưa lại với mẹ khiến Hưng Đạo Vương xúc động. Sau một thời gian, Ngũ Lão đến quân doanh của Trần Hưng Đạo huấn luyện quân sĩ. Được rèn cặp dưới trướng Hưng Đạo Vương, Phạm Ngũ Lão trưởng thành, phát huy được những sở trường để trở thành vị tướng tài năng kiệt xuất, lập được nhiều chiến công. Ông được Hưng Đạo Vương phong chức Điện Tiền Chỉ Huy Sứ, một thời trấn giữ tại vùng Ải Bắc. Sau này ông còn được Hưng Đạo Vương gả con gái là Anh Nguyên cùng kết duyên loan phụng, phong danh Phạm Phò Mã.

Tùng Linh
Phiên bản di động