Toàn cảnh các bến, bãi tập kết cát, sỏi tại Bắc Giang - Bài 1: Muôn hoa đua nở
Đã từ lâu, câu chuyện bến bãi tập kết vật liệu xây trái phép ven các con sông Cầu, sông Thương, sông Lục Nam... tại tỉnh Bắc Giang đã trở thành câu chuyện "thường ngày ở huyện". Nguyên nhân bởi tại một số địa phương trên địa bàn tỉnh này có hiện tượng "du di" cho một số cá nhân, tổ chức đứng ra thuê "thầu" không theo quy định của pháp luật.
Điều này không phải tự nhiên mà có mặc dù theo Quyết định số 194, ngày 16/5/2013 của UBND tỉnh Bắc Giang quy định: Điều kiện được phép sử dụng bãi ven sông chứa cát, sỏi phải nằm trong quy hoạch bãi ven sông chứa cát, sỏi đã được phê duyệt; Được cấp có thẩm quyền chấp thuận đầu tư dự án xây dựng bãi chứa cát, sỏi; Có văn bản của Sở NN&PTNT về bảo đảm khả năng thoát lũ và an toàn đê điều.
Tnh Bắc Giang hiện có 105 bãi tập kết cát sỏi hoạt động, trung chuyển vật liệu xây dựng ven sông. Trong đó có 52 bãi chưa đủ hồ sơ thủ tục hoạt động, 25 bãi hoạt động trái phép ảnh hưởng nghiêm trọng đến dòng chảy thoát lũ. |
Ngoài ra, phải có báo cáo đánh giá tác động môi trường (hoặc đề án bảo vệ môi trường chi tiết); Được cấp có thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng theo quy định và đã hoàn thành xây dựng công trình theo giấy phép được cấp; Có quyết định cho thuê đất sử dụng làm bãi chứa cát, sỏi của cấp có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về đất đai; có giấy phép hoạt động bến thủy nội địa.
Theo điều tra của nhóm phóng viên Báo Tuổi trẻ Thủ đô, trên địa bàn tỉnh Bắc Giang hiện có 105 bãi tập kết cát sỏi hoạt động, trung chuyển vật liệu xây dựng ven sông, tập trung ở các huyện Việt Yên, Hiệp Hòa, Yên Dũng, Lạng Giang, Tân Yên. Trong đó có 52 bãi chưa đủ hồ sơ thủ tục hoạt động, 25 bãi hoạt động trái phép ven sông ảnh hưởng nghiêm trọng đến dòng chảy thoát lũ.
Trên địa bàn huyện Lục Nam có 22/30 bến bãi tập kết cát, sỏi thiếu thủ tục để hoạt động. Trong đó, có 6 bãi nằm ngoài quy hoạch, tập trung tại xã Huyền Sơn, Nghĩa Phương, Tiên Hưng. |
Thực tế hiện nay nhiều điểm tập kết, kinh doanh cát, sỏi ven sông đang hoạt động trái phép, không nằm trong quy hoạch đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến dòng chảy thoát lũ, gây bức xúc trong nhân dân.
Hiện trên địa bàn huyện Lục Nam có 22/30 bến bãi tập kết cát, sỏi thiếu thủ tục để hoạt động. Trong đó, có 6 bãi nằm ngoài quy hoạch, tập trung tại xã Huyền Sơn, Nghĩa Phương, Tiên Hưng.
Khảo sát thực tế của PV tại một số điểm kinh doanh cát, sỏi trên địa bàn tỉnh thì đa phần các bến bãi đều có vi phạm. Tại Lục Nam, Hợp tác xã (HTX) Vận tải thủy, xã Tiên Hưng có hàng nghìn m3 vật liệu đang được tập kết.
Mặc dù đã được đôn đốc, nhắc nhở, tuy nhiên nhiều năm qua HTX này vẫn không bảo đảm đủ các điều kiện đề ra dù được cán bộ Chi cục Thủy lợi nhiều lần hướng dẫn. Được biết, trước đó cơ sở này đã bị UBND huyện Lục Nam lập biên bản yêu cầu khắc phục, hoàn thiện các thủ tục pháp lý theo quy định.
Các bến bãi tập kết cát, sỏi trái phép đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến hành lang thoát lũ trong mùa mưa bão |
Còn tại huyện Lạng Giang mới có 2 cơ sở kinh doanh, tập kết cát, sỏi cơ bản đủ thủ tục theo yêu cầu. Vẫn còn 3/8 bãi nằm ngoài quy hoạch như: Hộ gia đình ông Dương Quang Minh, thôn Nùa Quán, xã Đào Mỹ; Hộ ông Nguyễn Văn Ôn và ông Nguyễn Văn Huy, thôn Bến Phà, xã Nghĩa Hưng.
Tương tự, tại các huyện Việt Yên, Hiệp Hòa, Yên Dũng, Lạng Giang, Tân Yên tình trạng các bến bãi hoạt động thiếu các thủ tục pháp lý, nằm ngoài quy hoạch vẫn ngang nhiên hoạt động đã dẫn đến những bức xúc trong nhân dân.
Được biết, năm 2019, Sở NN&PTNT đã xử phạt vi phạm hành chính đối với 56 trường hợp với tổng số tiền gần 600 triệu đồng. Các lỗi chủ yếu là chất tải cát, sỏi, vật liệu trái phép trên bãi sông và trong hành lang bảo vệ đê, chất tải vật liệu trong mùa mưa lũ.
Có 52 bãi chưa đủ hồ sơ thủ tục và "chây ỳ" hoàn thiện các thủ tục theo quy định của pháp luật đã gây thất thu cho ngân sách Nhà nước |
Theo tìm hiểu của nhóm phóng viên, sở dĩ các chủ bến bãi vi phạm là do không muốn làm các thủ tục để trốn tránh nghĩa vụ thuế với Nhà nước. Ngoài ra, việc xử lý của cơ quan chuyên môn, chính quyền sở tại thiếu quyết liệt, hời hợt dẫn đến các chủ cơ sở "nhờn luật".
Thậm chí có nơi, hợp đồng thuê đất công ích của xã với người dân vẫn còn hiệu lực dẫn đến khó giải tỏa. Tình trạng tập kết cát sỏi ven sông không tuân thủ quy định ảnh hưởng đến khả năng thoát lũ của các dòng sông, đe dọa an toàn đê điều. Ngân sách Nhà nước thất thu do không quản lý được quỹ đất, hoạt động kinh doanh.
Trước thực trạng trên, ông Dương Văn Thái - Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang đã chỉ đạo Sở NN&PTNT chủ trì kiểm tra, tham mưu biện pháp xử lý để chấn chỉnh việc tập kết cát, sỏi, cương quyết xóa bỏ các bến, bãi không nằm trong quy hoạch của tỉnh.
Ông Dương Văn Thái - Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang nêu quan điểm cương quyết xóa bỏ các bến, bãi không nằm trong quy hoạch của tỉnh. |
Trả lời báo chí, ông Nguyễn Văn Dĩnh, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, Trưởng đoàn liên ngành cho biết sẽ kiểm tra, làm việc với tất cả các chủ bến bãi trong toàn tỉnh trên tinh thần kiên quyết, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Nếu có vi phạm, ngoài xử phạt hành chính theo mức độ vi phạm thì sẽ tham mưu với tỉnh giải quyết từng trường hợp cụ thể, bảo đảm công bằng, minh bạch, dự kiến đoàn sẽ hoàn tất các thủ tục trong đợt kiểm tra Quý 1/2020 để trình UBND tỉnh xem xét.
Ngoài ra, Sở NN&PTNT đã đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành liên quan tham mưu về việc cho thuê đất, giao đất ven sông; ngăn chặn xe quá khổ, quá tải chạy trên đê; cấp giấy phép xây dựng tại các bến bãi.
Nhiều hệ lụy từ các bến, bãi tập kết cát, sỏi trái phép, nằm thngoài quy hoạch |
Đặc biệt, tại 9 huyện, 1 thành phố phải xây dựng kế hoạch kiên quyết giải tỏa 25 bãi ngoài quy hoạch; Không để tái phạm; Xử lý tổ chức cá nhân cho thuê đất không đúng mục đích, không tuân theo quy định về phòng, chống thiên tai; Thường xuyên kiểm tra, phát hiện sớm để ngăn chặn kịp thời vi phạm.
Trước mùa mưa lũ đang đến gần, thiết nghĩ Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang sớm chỉ đạo các đơn vị liên quan khẩn trương kiểm tra, xử lý cương quyết các bến, bãi tập kết vật liệu xây dựng vi phạm, không nằm trong quy hoạch gây bức xúc trong nhân dân.
(Còn tiếp...)