Tìm lời giải cho bài toán cải tạo chợ truyền thống

Tại Hà Nội, hệ thống chợ truyền thống đảm nhận khoảng 40% nhu cầu mua sắm của người dân các quận nội thành; ở khu vực ngoại thành là khoảng 70%. Tuy nhiên, hiện nhiều chợ đang xuống cấp, đòi hỏi phải có biện pháp cải tạo kịp thời, đảm bảo nhu cầu của người dân.
Mê Linh: Đẩy nhanh tiến độ dự án chợ đầu mối nông sản Thanh Lâm

Vai trò quan trọng của chợ truyền thống

17h30, trời đã chuyển sang Đông nên tối rất nhanh, chị Bùi Thị Hảo hối hả rời nhà máy tại Khu công nghiệp Hà Bình Phương (xã Hà Hồi, huyện Thường Tín), nhanh chóng về nhà.

Mấy năm gần đây, huyện Thường Tín khá sầm uất, nhiều siêu thị mọc lên sáng choang, kinh doanh đủ các loại mặt hàng. Thế nhưng, chị Hảo vẫn lựa chọn dừng xe ở khu vực chợ Bằng (thị trấn Thường Tín) để mua thực phẩm cho bếp ăn gia đình.

Chợ truyền thống vẫn là điểm đến quen thuộc đối với người tiêu dùng Hà Nội
Chợ truyền thống vẫn là điểm đến quen thuộc đối với người tiêu dùng Hà Nội

"Đi chợ truyền thống, tôi cảm thấy thuận tiện hơn. Mua bán nhanh, gọn, giá cả phải chăng. Quan trọng hơn, đó là thói quen khó bỏ", chị Hảo trao đổi nhanh với phóng viên, trong khi tay vẫn thoăn thoắt lựa chọn mớ rau cải xanh non.

Khảo sát của phóng viên tại các khu vực chợ Vồi (thị trấn Thường Tín), chợ Kệ (xã Ninh Sở, Thường Tín), chợ Bương (huyện Quốc Oai), chợ Sắn (huyện Thạch Thất), chợ La Khê (quận Hà Đông)... đều ghi nhận hoạt động kinh doanh diễn ra tấp nập. Phần đa người dân vẫn lựa chọn chợ truyền thống là điểm đến ưu tiên cho hoạt động mua sắm.

Các chuyên gia nhận định, chợ truyền thống vẫn còn nhiều lợi thế cạnh tranh
Các chuyên gia nhận định, chợ truyền thống vẫn còn nhiều lợi thế cạnh tranh

Thực tế, báo cáo của Sở Công thương cho biết, trên địa bàn thành phố hiện có 455 chợ, bao gồm các hạng từ 1 - 3. Hệ thống chợ truyền thống đảm nhận khoảng 40% nhu cầu mua sắm của người dân các quận nội thành; ở khu vực ngoại thành là khoảng 70%, góp phần tích cực phục vụ các nhu cầu mua sắm, tiêu dùng của người dân.

Theo chuyên gia thị trường Vũ Vinh Phú, các chợ truyền thống vẫn có những lợi thế nhất định để cạnh tranh với những kênh phân phối hiện đại như: siêu thị, trung tâm thương mại, chuỗi cửa hàng tiện lợi ở các khía cạnh: chi phí thuê mặt bằng thấp hơn, nhiều mặt hàng “thuận mua vừa bán”, người tiêu dùng vẫn có văn hóa trả giá…

Bài toán cải tạo, nâng cao hiệu quả

Tròn một năm trước, phóng viên tác nghiệp tại vụ cháy tại chợ Nông Lâm (Đức Thắng, Bắc Từ Liêm, Hà Nội) trong đêm 13/11/2023.

Cụ thể, vào khoảng 23h5 đêm 13/11, tại khu vực chợ Nông Lâm trên phố Lê Văn Hiến (phường Đức Thắng, Bắc Từ Liêm, Hà Nội) bất ngờ xảy ra cháy khiến nhiều người hoảng loạn.

Do đám cháy xảy ra vào đêm muộn, thời điểm người dân xung quanh đều đã nghỉ ngơi nên khi phát hiện thì ngọn lửa đã bùng lên rất dữ dội, không thể kiểm soát bằng bình xịt cứu hỏa cầm tay.

Ngọn lửa sau đó lan sang 2 ki ốt khác là ki ốt số 34 (kinh doanh hoa tươi) và ki ốt số 36 (kinh doanh giày dép, quần áo). Người dân phát hiện đã hô hoán dập lửa. Do nơi xảy cháy chủ yếu là đồ vải vóc, chăn màn quần áo nên đám cháy bùng phát nhanh. Sau khoảng 30 phút, đám cháy mới được khống chế.

Vận chuyển hàng hóa tại chợ đầu mối Long Biên (quận Ba Đình). Ảnh: Minh Sơn
Vận chuyển hàng hóa tại chợ đầu mối Long Biên (quận Ba Đình). Ảnh: Minh Sơn

Vụ cháy nói trên là ví dụ điển hình cho những thiếu hụt của mô hình chợ truyền thống. Thực tế, hiện nhiều chợ đang xuống cấp không bảo đảm về phòng cháy chữa cháy, vệ sinh môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm, an ninh trật tự, văn minh đô thị... Đồng thời, hệ thống chợ dân sinh tại một số huyện chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân dẫn đến việc các tụ điểm chợ cóc phát triển.

Theo Sở Công thương Hà Nội, thời gian qua một số quận, huyện chưa quan tâm đầu tư cải tạo nâng cấp chợ nên chưa đáp ứng được hạ tầng thương mại theo tiêu chí quy định, khó khăn cho việc công nhận tiêu chí hạ tầng thương mại.

Nhằm cải tạo xây mới hệ thống chợ truyền thống, UBND TP. Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 110/KH-UBND ngày 8/4/2024 về thực hiện chỉ tiêu về đầu tư, cải tạo chợ trên địa bàn thành phố giai đoạn 2024 - 2025. Kế hoạch đưa ra mục tiêu cải tạo xây mới 38 chợ, trong đó có 17 dự án chợ xây mới và 21 chợ cải tạo, sửa chữa.

Theo đó, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền yêu cầu các quận, huyện phối hợp với Sở Công Thương Hà Nội đẩy mạnh hoạt động nâng cấp cải tạo chợ theo hướng trở thành chợ đầu mối phân phối hàng hóa.

Việc cải tạo chợ truyền thống không những hỗ trợ người nông dân tiêu thụ sản phẩm quy mô lớn, người tiêu dùng có cơ hội mua hàng hóa giá rẻ, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm.

Bên cạnh đó, các chợ truyền thống có thể kết nối với ngành du lịch thiết kế các tour, tuyến để du khách trong, ngoài nước có thể tham trải nghiệm đời sống văn hóa…, từ đó, phát huy giá trị lâu đời, bền vững của chợ truyền thống.

Vũ Cường
Phiên bản di động