Tiếng Việt là tài sản quý báu của dân tộc Việt Nam
Nhiều hoạt động tôn vinh tiếng Việt tại Hà Nội Nhân rộng các sáng kiến duy trì, quảng bá tiếng Việt ở nước ngoài |
Đẩy mạnh phong trào tiếng Việt trong cộng đồng
Ngày 8/9, tại Hà Nội, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (Bộ Ngoại giao) đã tổ chức Hội thảo Ngày Tôn vinh tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài.
Sự kiện này đã thu hút khoảng 80 đại biểu đến từ các các bộ, ban, ngành, cơ quan Trung ương và địa phương; Các chuyên gia, nhà nghiên cứu ngôn ngữ và văn hóa và đại diện một số trường đại học.
Đặc biệt, chương trình có sự tham dự của các Sứ giả tiếng Việt ở nước ngoài năm 2023 cùng các kiều bào từ nhiều quốc gia trên thế giới.
Hội thảo được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến, kết nối từ điểm cầu TP Hà Nội với điểm cầu các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài và một số địa phương trong cả nước.
Các đại biểu trung ương tham dự hội thảo |
Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng nhấn mạnh: “Tiếng Việt là tài sản quý báu của dân tộc Việt Nam, là kết tinh của hàng ngàn năm lịch sử dựng nước và giữ nước, của lao động và phát triển”.
Bà Lê Thị Thu Hằng phát biểu tại Hội thảo |
Trong những năm vừa qua, công tác bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, giữ gìn tiếng Việt, luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm sâu sắc, khẳng định qua các chủ trương nhất quán, xuyên suốt.
Năm 2023 là năm đầu tiên triển khai Đề án Ngày Tôn vinh tiếng Việt, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài đã tích cực huy động các nguồn lực, chủ trì và phối hợp triển khai nhiều hoạt động thiết thực nhằm đẩy mạnh phong trào tiếng Việt trong cộng đồng.
Ông Đinh Hoàng Linh, Vụ Trưởng Vụ Thông tin Văn hoá – Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài cho biết, đây là Đề án mang tính đột phá, tạo dấu ấn quan trọng hàng năm trong đời sống văn hoá tinh thần của cộng đồng với những hoạt động thiết thực nhằm tôn vinh sự giàu đẹp của của tiếng Việt.
Ông Đinh Hoàng Linh phát biểu tại hội thảo |
Mục tiêu của Đề án nhằm nâng cao ý thức của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài (NVNONN) đối với tiếng Việt, tôn vinh vẻ đẹp, giá trị của tiếng Việt trong cộng đồng; Động viên, khuyến khích và tôn vinh các cá nhân, tổ chức, hội đoàn có đóng góp tích cực trong việc gìn giữ và lan tỏa tiếng Việt trong cộng đồng NVNONN; Duy trì sử dụng tiếng Việt trong gia đình và cộng đồng NVNONN.
Ngoài ra, Đề án lan tỏa tiếng Việt đến người nước ngoài; Tạo động lực nâng cao hiệu quả, chất lượng công tác dạy và học tiếng Việt trong cộng đồng; Thu hút thêm các nguồn lực trong nước hỗ trợ các các hoạt động dạy, học duy trì tiếng Việt trong cộng đồng NVNONN, đặc biệt là các chuyên gia, giáo viên, thế hệ trẻ, thân nhân kiều bào.
Tại hội thảo, có 10 ý kiến tham luận của Đại sứ quán Việt Nam tại nước ngoài, các bộ, ban, ngành, gợi mở các giải pháp triển khai Đề án một cách hiệu quả.
Cổ vũ kiều bào học tập và sử dụng tiếng Việt
Chia sẻ tại hội thảo, ông Triệu Tài Vinh, Phó Ban Dân vận Trung ương bộc bạch: “Mình phải biết mình là người Việt Nam, phải tôn trọng phẩm giá, thương hiệu người Việt Nam. Từ đó đưa ra những giải pháp quan trọng để tôn vinh tiếng Việt”. Theo đó, ông nhấn mạnh 3 vấn đề cốt lõi để giữ gìn và phát huy tiếng Việt trong cộng đồng người Việt ở nước ngoài, đó là: Vai trò của nhà đương mục địa phương; Tìm được nòng cốt để lan tỏa tiếng Việt; Xã hội hóa.
Ông Triệu Tài Vinh, Phó Ban Dân vận Trung ương |
Phát biểu bế mạc hội thảo, ông Mai Phan Dũng, Phó chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về NVNONN khẳng định, tiếng Việt là một trong những công cụ lưu giữ bản sắc văn hóa và truyền thống dân tộc Việt Nam một cách bền bỉ, lâu dài nhất. Các hoạt động tôn vinh tiếng Việt năm 2023 bước đầu đã tạo động lực góp phần khuyến khích, cổ vũ kiều bào học tập và sử dụng tiếng Việt, đáp ứng phần nào nhu cầu ngày càng cấp bách về gìn giữ tiếng Việt.
Ông Dũng nhấn mạnh, trong bối cảnh CĐNVNONN đang ngày càng khẳng định vai trò, chỗ đứng quan trọng trong cộng đồng các nước sở tại, các hoạt động tôn vinh tiếng Việt sẽ tạo môi trường khích lệ lòng tự tôn dân tộc, khơi gợi tình yêu quê hương đất nước, tôn vinh trí tuệ Việt, bản sắc Việt qua các thời đại; Đồng thời tạo cơ hội nâng cao năng lực ngôn ngữ Việt, đặc biệt với thế hệ trẻ người Việt ở nước ngoài; Đặc biệt, củng cố khối đại đoàn kết dân tộc thông qua việc kết nối các mạng lưới hội, đoàn kiều bào trong các hoạt động tôn vinh tiếng Việt. Từ đó, tạo hiệu ứng lan toả các giá trị cao đẹp của ngôn ngữ và văn hoá dân tộc.
Ông Mai Phan Dũng khẳng định trong phần kết luận: "Tiếng Việt là một trong những công cụ lưu giữ bản sắc văn hóa và truyền thống dân tộc Việt Nam một cách bền bỉ, lâu dài nhất". |
Việc tổ chức Ngày Tôn vinh tiếng Việt trong cộng đồng NVNONN góp phần cụ thể hóa chủ trương Đại hội XIII của Đảng đã đề ra: “Tạo điều kiện để đồng bào giữ gìn tiếng Việt, bản sắc văn hóa dân tộc, nâng cao lòng tự hào, tự tôn dân tộc”. Đồng thời, việc tôn vinh tiếng Việt sẽ tạo động lực quan trọng thúc đẩy các hoạt động giảng dạy, học tập và đáp ứng nguyện vọng và nhu cầu chính đáng của cộng đồng.
Cùng ngày, từ 20h00 - 21h30, Ủy ban Nhà nước về NVNONN phối hợp với VTV4 tổ chức Lễ tổng kết “Ngày Tôn vinh tiếng Việt trong cộng đồng NVNONN năm 2023" và chương trình Gala "Tiếng “Mẹ” thân thương" tại Trung tâm Nghệ thuật Âu Cơ (số 8 Huỳnh Thúc Kháng, quận Ba Đình, TP Hà Nội).