Tiến độ thực hiện một số dự án trọng điểm, công trình quốc gia chậm, gây lãng phí nguồn lực

Tiến độ thực hiện, khả năng hoàn thành một số dự án trọng điểm, công trình quan trọng quốc gia còn chậm, gây lãng phí nguồn lực.
Chủ tịch Quốc hội: Cần thẳng thắn chỉ rõ bộ, ngành và địa phương nào để xảy ra lãng phí

Chiều 23/5, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày báo cáo về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2021, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết: Tổng số tiết kiệm kinh phí, vốn Nhà nước năm 2021 theo báo cáo của các Bộ, ngành, địa phương là hơn 72.000 tỷ đồng, một số địa phương có kết quả cao trong tiết kiệm kinh phí ngân sách.

Quang cảnh phiên họp chiều 23/5. Ảnh TTXVN
Quang cảnh phiên họp chiều 23/5. Ảnh TTXVN

Công tác quản lý, mua sắm tài sản công tại các bộ, ngành và địa phương năm 2021 tiếp tục chuyển biến, đảm bảo chặt chẽ, tiết kiệm.

Công tác giải ngân vốn đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo quyết liệt và sự phối hợp của các Bộ, ngành Trung ương để đẩy mạnh thực hiện dự án đầu tư công từ NSNN. Nhiều bộ, cơ quan, địa phương và một số dự án lớn, quan trọng quốc gia có kết quả giải ngân đạt trên 95% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.

Tình trạng lãng phí đất đai được quan tâm chỉ đạo, rà soát, xử lý; Đã thu hồi chủ trương đầu tư, thu hồi đất với diện tích 16 nghìn ha, yêu cầu đưa vào sử dụng gần 53 nghìn ha, chấm dứt chủ trương đầu tư 7,7 nghìn ha. Nguồn thu từ đất năm 2021 đạt 172,25 nghìn tỷ đồng, cao gấp 3,5 lần năm 2015.

Báo cáo của Chính phủ cũng thẳng thắn chỉ rõ nhiều tồn tại, hạn chế, trong đó nêu rõ còn xảy ra vi phạm trong đấu thầu, mua sắm, quản lý, sử dụng tài sản công ở một số cơ quan, đơn vị; Một số địa phương còn tình trạng dự án “treo”, dự án nhà ở xã hội có quy hoạch chưa thực hiện; Khiếu kiện về đất đai vẫn chiếm tỷ lệ lớn. Vi phạm trong quản lý, sử dụng đất đai còn xảy ra ở nhiều nơi. Qua công tác thanh tra, kiểm tra đã phát hiện và xử lý nhiều vụ việc vi phạm, gây lãng phí đất đai...

Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính- Ngân sách Quốc hội đánh giá cao những kết quả đã đạt được như báo cáo của Chính phủ. Tuy vậy, cơ quan này cũng chỉ ra hàng loạt hạn chế, tồn tại cần chấn chỉnh.

Cụ thể như công tác lập, chấp hành dự toán còn hạn chế. Việc xây dựng dự toán ngân sách Nhà nước năm 2022 trên cơ sở ước dự toán thu năm 2021 thấp, thể hiện việc dự báo, đánh giá tình hình không sát với thực tiễn.

Về đấu thầu mua sắm và mua sắm tập trung, cơ quan thẩm tra đánh giá còn nhiều bất cập, như: Quy trình, thủ tục đấu thầu phức tạp, gây lãng phí về thời gian, làm chậm tiến độ triển khai các dự án đầu tư, mua sắm.

Tình trạng ách tắc trong việc mua sắm trang thiết bị y tế chưa được tháo gỡ kịp thời, làm ảnh hưởng đến công tác phòng chống dịch. Có vi phạm pháp luật trong việc quản lý, nghiên cứu, ứng dụng khoa học; Đấu thầu, mua sắm, quản lý, sử dụng tài sản công như vụ án tại Công ty Cổ phần Công nghệ Việt Á và một số cơ quan, địa phương trong thời gian vừa qua gây thất thoát, lãng phí kinh phí, tài sản công, gây bức xúc trong Nhân dân.

Đề cập việc lập, triển khai kế hoạch đầu tư công, Ủy ban Tài chính- Ngân sách cho biết, tiến độ thực hiện, khả năng hoàn thành một số dự án trọng điểm, công trình quan trọng quốc gia còn chậm, gây lãng phí nguồn lực, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội.

Điển hình như Dự án xây dựng tuyến tàu điện ngầm số 2 Thành phố Hồ Chí Minh, tuyến Bến Thành - Tham Lương được phê duyệt năm 2010, đến tháng 10/2021 lũy kế giải ngân vốn ODA chỉ đạt 2,5%, vốn đối ứng chỉ đạt 2,09%. Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt đô thị thành phố Hà Nội tuyến 2, đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo được phê duyệt năm 2008, hiện nay vẫn đang làm thủ tục phê duyệt điều chỉnh tổng mức đầu tư từ 19.555 tỷ đồng lên 35.679 tỷ đồng, lũy kế giải ngân đến tháng 8/2021 chỉ đạt 974 tỷ đồng.

Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành không đảm bảo tiến độ quy định tại Nghị quyết số 53/2017/QH14 của Quốc hội...

Cũng theo Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội tình trạng quy hoạch "treo", dự án "treo" và hạn chế trong quản lý, sử dụng đất đai, tài nguyên ảnh hưởng lớn đến đời sống Nhân dân, gây lãng phí nguồn lực.

“Xử lý nghiêm các hành vi gây thất thoát, lãng phí trong quản lý, sử dụng đất đai, tài nguyên. Kiên quyết thu hồi đất của các dự án chậm đưa vào sử dụng, đất để hoang hóa, đất sử dụng không đúng mục đích, hàng năm báo cáo Quốc hội kết quả thực hiện”, cơ quan thẩm tra kiến nghị.

Huy Dương
Phiên bản di động