Thường trực Chính phủ yêu cầu xử lý dứt điểm vấn đề trái phiếu doanh nghiệp

Thường trực Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính có giải pháp khả thi để xử lý dứt điểm, hiệu quả vấn đề trái phiếu doanh nghiệp.
Lãnh đạo Bộ Tài chính lưu ý nhà đầu tư rủi ro trái phiếu doanh nghiệp Bộ Tài chính phải theo dõi sát các doanh nghiệp đến hạn thanh toán trái phiếu

Nội dung này được nêu tại Thông báo số 332/TB-VPCP ngày 17/8/2023 kết luận của Thường trực Chính phủ tại cuộc họp về nhiệm vụ, giải pháp lớn ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng và bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế trong những tháng cuối năm 2023.

Trước đó, tại Nghị quyết số 124/NQ-CP phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7/2023, Chính phủ cũng giao Bộ Tài chính theo dõi sát tình hình thị trường trái phiếu doanh nghiệp, đặc biệt là các tổ chức có khối lượng phát hành lớn và gặp khó khăn trong việc thanh toán nghĩa vụ gốc, lãi đến hạn trong quý III/2023 để chủ động đề xuất các giải pháp thiết thực, khả thi, hiệu quả xử lý khó khăn, vướng mắc trong trường hợp cần thiết.

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, thị trường trái phiếu doanh nghiệp thời gian qua đã có sự phát triển nóng dẫn đến những khó khăn. Đó là những khó khăn liên quan đến nội tại của doanh nghiệp khi huy động lượng trái phiếu lớn trong khi việc sử dụng vốn chưa được hiệu quả.

Bên cạnh đó là khó khăn do ngoại cảnh mang lại, như ảnh hưởng của dịch bệnh, xung đột, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, khó khăn của các nền kinh tế trên thế giới cũng tác động rất nhiều đến tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp nói chung và khả năng trả nợ của doanh nghiệp nói riêng.

Trước tình hình đó, Chính phủ và Thủ tướng đã có những chỉ đạo và đưa ra nhiều giải pháp rất quyết liệt để bình ổn lại thị trường trái phiếu doanh nghiệp.

Thường trực Chính phủ yêu cầu xử lý dứt điểm vấn đề trái phiếu doanh nghiệp
Ảnh minh họa.

Hiện nay, các bộ, ngành đã và đang nỗ lực tổ chức triển khai các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng không chỉ trong lĩnh vực trái phiếu doanh nghiệp, mà còn triển khai các giải pháp đối với thị trường liên thông lẫn nhau với thị trường trái phiếu doanh nghiệp như thị trường bất động sản, thị trường tín dụng, tiền tệ.

Trong số các chính sách đã được ban hành, về mặt luật pháp có thể kể đến Nghị định 08/2023/NĐ-CP của Chính phủ ngày 5/3/2023 (Nghị định 08). Đây là nền tảng pháp lý để hỗ trợ các doanh nghiệp nói chung và nợ trái phiếu nói riêng.

Kể từ khi nghị định được ban hành, nhiều doanh nghiệp đã thực hiện đàm phán với các chủ sở hữu trái phiếu thành công thông qua việc tái cơ cấu lại thời hạn trả nợ và điều chỉnh tăng lãi suất lên để bù lại quyền lợi của nhà đầu tư.

Nhiều doanh nghiệp cũng đã thành công trong việc tái cơ cấu lại nợ trái phiếu. Việc doanh nghiệp chủ động đàm phán tái cơ cấu lại nợ doanh nghiệp cũng phần nào đã lấy lại niềm tin của nhà đầu tư, bên cạnh đó cũng giúp các doanh nghiệp có thêm thời gian để ổn định lại sản xuất, kinh doanh và tái cơ cấu lại nợ doanh nghiệp để phục hồi.

Từ đầu năm đến ngày 28/7/2023, có 36 doanh nghiệp phát hành riêng lẻ với khối lượng 62,3 nghìn tỷ đồng, chủ yếu của doanh nghiệp bất động sản, tiếp đến là tổ chức tín dụng. Đáng chú ý, từ thời điểm Nghị định 08 có hiệu lực đầu tháng 3/2023, hơn 61.000 tỷ đồng trái phiếu đã được phát hành.

Bên cạnh đó, đã có một số doanh nghiệp phát hành trái phiếu ra công chúng với khối lượng 6 tháng là 5.900 tỷ đồng. Nhiều doanh nghiệp đã thực hiện đàm phán với các chủ sở hữu trái phiếu để cơ cấu lại thời hạn trả nợ.

Ông Nguyễn Hoàng Dương – Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính các ngân hàng và tổ chức tài chính (Bộ Tài chính) cho biết, một số doanh nghiệp có tình hình tài chính tốt và công bố thông tin minh bạch, thường xuyên trên thị trường đã bắt đầu tiếp cận kênh phát hành trái phiếu ra công chúng để tiếp cận mọi đối tượng của nhà đầu tư.

Ngày 19/7/2023, hệ thống giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại HNX cũng đã chính thức được khai trương, dành cho nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp.

Hệ thống đi vào hoạt động sẽ giúp tăng thanh khoản thị trường, nâng tính công khai, minh bạch, đồng thời giúp cơ quan quản lý, thành viên thị trường, nhà đầu tư có thông tin về thị trường thứ cấp, từ đó đưa ra các chính sách về quản lý, phát triển thị trường cũng như quyết định đầu tư phù hợp hơn.

“Tuy nhiên, chúng tôi cũng lưu ý nhà đầu tư khi tham gia vào thị trường thứ cấp đó là nhà đầu tư phải là nhà đầu tư chuyên nghiệp, phải nắm bắt được các rủi ro của doanh nghiệp phát hành, không phải là rủi ro của các tổ chức phân phối và nó cũng khác với tiền gửi tiết kiệm. Nhà đầu tư phải đánh giá được đầy đủ các rủi ro đó để đưa ra các quyết định đầu tư phù hợp”, ông Nguyễn Hoàng Dương nói.

Theo ông Dương, thời gian tới, cơ quan quản lý sẽ tiếp tục hoàn thiện khung khổ pháp lý để giúp thị trường minh bạch hơn, tăng cường trách nhiệm của doanh nghiệp phát hành cũng như của nhà đầu tư trái phiếu, các tổ chức cung cấp dịch vụ và phát triển hệ thống nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp là tổ chức.

Ông Nguyễn Hoàng Dương cho biết, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục theo dõi tình hình thị trường, đôn đốc các doanh nghiệp có nợ trái phiếu đến hạn thực hiện bằng được nghĩa vụ đối với nhà đầu tư trên cơ sở tuân thủ quy định pháp luật và nguyên tắc là lợi ích thì hài hòa, rủi ro khó khăn thì chia sẻ với doanh nghiệp.

Hậu Lộc
Phiên bản di động