Bộ Tài chính phải theo dõi sát các doanh nghiệp đến hạn thanh toán trái phiếu

Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính theo dõi sát các tổ chức có khối lượng phát hành lớn và gặp khó khăn trong việc thanh toán nghĩa vụ gốc, lãi đến hạn.
Nhiều năm thua lỗ, Công ty Đầu tư Phú Thịnh Phát còn nợ 900 tỷ đồng trái phiếu Công ty Đầu tư và Quản lý Biển Đông: Kinh doanh bết bát, nợ cả nghìn tỷ đồng trái phiếu Từ nay đến cuối năm, gần 200 nghìn tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp đến hạn thanh toán Thủ tướng: Thị trường trái phiếu, bất động sản còn nhiều khó khăn, vướng mắc

Đây là yêu cầu được đưa ra trong Nghị quyết số 124/NQ-CP phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7/2023 vừa được Chính phủ ban hành.

Theo đó, Chính phủ giao Bộ Tài chính theo dõi sát tình hình thị trường trái phiếu doanh nghiệp, đặc biệt là các tổ chức có khối lượng phát hành lớn và gặp khó khăn trong việc thanh toán nghĩa vụ gốc, lãi đến hạn trong quý III/2023 để chủ động đề xuất các giải pháp thiết thực, khả thi, hiệu quả xử lý khó khăn, vướng mắc trong trường hợp cần thiết.

Theo báo cáo mới nhất của Bộ Tài chính, từ đầu năm đến ngày 21/7/2023 đã có 36 doanh nghiệp đã phát hành trái phiếu doanh nghiệp với khối lượng 61,2 nghìn tỷ đồng (giảm 78% so với cùng kỳ năm 2022).

Trong đó, doanh nghiệp bất động sản chiếm 55% (33,3 nghìn tỷ đồng); 60,91% trái phiếu phát hành có tài sản đảm bảo; khối lượng mua lại trước hạn là 130,4 nghìn tỷ đồng (gấp 1,65 lần so với cùng kỳ năm 2022).

Bộ Tài chính phải theo dõi sát các doanh nghiệp đến hạn thanh toán trái phiếu
Ảnh minh họa. Ảnh: PLO.

Kể từ khi Nghị định số 08/2023/NĐ-CP có hiệu lực thi hành (5/3/2023), khối lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành là 60,3 nghìn tỷ đồng, chiếm 99% khối lượng kể từ đầu năm 2023. Dư nợ trái phiếu doanh nghiệp tại thời điểm 21/7/2023 khoảng 1,03 triệu tỷ đồng, chiếm 10,8% GDP năm 2022, bằng 8,3% tổng dư nợ tín dụng của nền kinh tế.

Chia sẻ các giải pháp trong thời gian tới, Bộ Tài chính cho biết sẽ tiếp tục theo dõi việc công bố thông tin của doanh nghiệp, làm việc trực tiếp với doanh nghiệp có trái phiếu đến hạn lớn và yêu cầu các doanh nghiệp có trách nhiệm đến cùng về việc thanh toán đầy đủ nghĩa vụ trái phiếu cho nhà đầu tư theo điều kiện, điều khoản đã cam kết.

Trong khi đó, các doanh nghiệp nâng cao tính công khai minh bạch trong huy động và sử dụng vốn, có lộ trình chủ động áp dụng xếp hạng tín nhiệm trái phiếu doanh nghiệp, chủ động cung cấp thông tin về tình hình tài chính, sản xuất kinh doanh.

Về tăng tính thanh khoản của thị trường trái phiếu doanh nghiệp, Bộ Tài chính đề nghị Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu sửa đổi Quyết định số 11/QĐ-NHNN ngày 6/1/2010 về danh mục giấy tờ có giá được sử dụng trong các giao dịch của Ngân hàng Nhà nước, trong đó bổ sung trái phiếu doanh nghiệp vào danh mục giấy tờ có giá được sử dụng trong các giao dịch của Ngân hàng Nhà nước.

Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục nghiên cứu, ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư số 16/2021/TT-NHNN theo hướng tăng cường minh bạch và thanh khoản của thị trường trái phiếu doanh nghiệp, kiểm soát chặt chẽ rủi ro, góp phần hỗ trợ phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp an toàn, lành mạnh, hiệu quả.

Các cơ quan liên quan tiếp tục tăng cường công tác thanh tra, giám sát, chấn chỉnh hoạt động của các tổ chức, các định chế tài chính có hoạt động liên quan đến phát hành trái phiếu doanh nghiệp theo quy định của pháp luật, trường hợp sai phạm sẽ xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Hậu Lộc
Phiên bản di động