Thuduc House bị cưỡng chế ngừng sử dụng hóa đơn
Cổ phiếu Thuduc House vào diện cảnh báo Thuduc House phải nộp hơn 455 tỷ đồng tiền phạt, truy thu thuế |
Theo đó, tổng lượng hóa đơn mà Thuduc House bị ngừng sử dụng lên đến 16.508 số, gồm 100 hóa đơn xuất khẩu ký hiệu AB/12T có số từ 0000001 đến 0000100, 1.048 hóa đơn giá trị gia tăng ký hiệu AA/19P số từ 0002093 đến 0003500 và 15.000 hóa đơn giá trị gia tăng ký hiệu AA/20E số từ 0000001 đến 0015000.
Nguyên nhân tiến hành biện pháp cưỡng chế là do Thuduc House nợ thuế quá 90 ngày và không chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính về quản lý thuế.
Quyết định cưỡng chế của Cục Thuế TP HCM có hiệu lực thi hành trong thời gian một năm, với thời hạn cuối là ngày 30/3/2022. Do vậy, nếu Thuduc House sử dụng số hóa đơn trên thì được coi là sử dụng hóa đơn không hợp pháp.
Ngày 1/4, Thuduc House công bố thông tin đã nhận được quyết định cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế bằng biện pháp ngừng sử dụng hóa đơn.
Ảnh minh họa |
Trước đó, ngày 1/3, Cục Thuế TP HCM đã ban hành quyết định cưỡng chế bằng biện pháp trích tiền từ tài khoản đối với Thuduc House với lý do người nộp thuế có tiền thuế nợ quá 90 ngày kể từ khi hết thời hạn nộp theo quy định.
Theo đó, số tiền bị cưỡng chế lên tới 451 tỷ đồng, cao hơn so với con số 396 tỷ đồng tiền nợ thuế và chậm nộp tại quyết định hồi đầu tháng 1/2021.
Sau đó một ngày, Thuduc House đã có thông cáo báo chí liên quan đến nội dung của Báo cáo số 8194/BC-TCHQ ngày 31/12/2020 của Tổng cục Hải quan về “Kết quả đấu tranh với hành vi chiếm đoạt tiền hoàn thuế GTGT, buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới của một số doanh nghiệp tại địa bàn khu vực phía Nam”.
Theo Thuduc House, công ty không có bất kỳ hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa nào liên quan đến Công ty Cổ phần Thương mại Sài Gòn Tây Nam (công ty con của Công ty SATRA) cũng như không có bất kỳ sự cấu kết hay móc nối với 70 công ty được đề cập trong báo cáo của Tổng cục Hải quan.
Đối với việc xuất khẩu mặt hàng linh kiện điện tử, trong các năm 2018 - 2019, Thuduc House mua hàng trong nước và xuất khẩu sang các đối tác nước ngoài. Hàng trong nước được công ty mua từ Công ty Cổ phần Thuduc House Wood Trading (công ty con của Thuduc House) và công ty này chỉ thực hiện việc mua hàng với Công ty TNHH An Lành Phát.
Đồng thời, Thuduc House khẳng định, công ty và Công ty Cổ phần Thuduc House Wood Trading, Công ty TNHH An Lành Phát vẫn đang hoạt động bình thường, hợp pháp, có con dấu, pháp nhân, có địa chỉ trụ sở rõ ràng, thực hiện việc kê khai và nộp thuế giá trị gia tăng đầy đủ.
Bên cạnh đó, Thuduc House cũng thông tin liên quan đến nội dung được đề cập trong báo cáo của Tổng cục Hải quan về xác nhận của Hải Quan Hong Kong và Hải quan Campuchia: “3 lô hàng xuất khẩu của Công ty Cổ phần Phát triển Nhà Thủ Đức gồm 2 lô xuất cho đối tác DSPSG LOGISTICS CO,. LTD; 1 lô xuất cho đối tác ROTHADY IMPORT EXPORT CO, không được nhập khẩu vào Hong Kong” và “2 công ty MEAS CHANNY IMPORT EXPORT CO,. LTD; AKCHALNAK TROP ANTARAKCHEAT PLC chưa được đăng ký tại Tổng cục Thuế Campuchia, không có dữ liệu xuất nhập khẩu của các công ty này trong năm 2018, 2019”.
Theo Thuduc House, trên tờ khai hải quan chỉ thể hiện khách hàng ký hợp đồng và địa điểm nhận hàng cuối cùng, không thể hiện tên người nhận hàng (Consignee) nhưng trên hợp đồng và bill thể hiện đầy đủ tên và địa chỉ của người nhận hàng.
Các đơn hàng xuất vào Hong Kong và Campuchia cho các đối tác ký kết hợp đồng với chúng tôi đã được hãng vận chuyển (Công ty KGL Viet Nam) xác nhận: đã nhận toàn bộ những lô hàng (gồm 133 lô xuất đi Hong Kong, 79 lô xuất đi Campuchia). Toàn bộ những lô hàng đã được mang đến sân bay Phnom Penh (Campuchia) và sân bay Hong Kong, chuyển lệnh giao hàng cho người nhập khẩu. Đồng thời theo hướng dẫn của đơn vị vận chuyển thì hoàn toàn có thể kiểm tra trên trang web của Vietnam Airlines các thông tin: Lô hàng, ngày giờ nhận hàng tại Việt Nam, ngày giờ đến nước nhập khẩu, ngày khách hàng nhận hàng.
Theo Thuduc House, hai khách hàng Campuchia của công ty chưa đăng ký tại Tổng cục thuế Campuchia và không có dữ liệu xuất nhập khẩu trong năm 2018, 2019.
“Chúng tôi cho rằng về nghĩa vụ trong hợp đồng của công ty trong hoạt động xuất khẩu hàng là chúng tôi có nghĩa vụ giao hàng cho đơn vị vận chuyển (theo giá FOB) hoặc đến cửa khẩu của bên nhận hàng (theo giá CIF). Việc các đối tác của chúng tôi có tuân thủ đúng các chính sách pháp luật của nước sở tại hay không thì chúng tôi hoàn toàn không thể biết và cũng không có thẩm quyền để yêu cầu đối tác phải chứng minh. Tuy nhiên, theo thông tin từ đơn vị vận chuyển hàng cho chúng tôi đã xác nhận hàng hóa đã được giao cho người nhận theo hợp đồng xuất khẩu”, Thuduc House thông tin.
Thuduc House cũng khẳng định, những kết luận của thanh tra Cục thuế TP HCM hay báo cáo của Tổng cục Hải quan hiện đang được điều tra, xác minh, và tòa án hay các cơ quan điều tra cũng chưa có bất kỳ quyết định nào xác định công ty có hành vi xuất khống hay chiếm đoạt tiền hoàn thuế.
Trong một diễn biến khác, Sở Giao dịch chứng khoán TP HCM (HOSE) cũng đã ra quyết định đưa cổ phiếu TDH của Thuduc House vào diện cảnh báo từ 6/4/2021.
Nguyên nhân cổ phiếu TDH vào diện cảnh báo là do thông tin về việc truy thu thuế ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh và tình hình tài chính của công ty.
HOSE xét thấy cần thiết để bảo vệ quyền lợi của các nhà đầu tư sau khi được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận, thuộc trường hợp chứng khoán bị cảnh báo.