Thủ tướng yêu cầu tìm nguồn vaccine Covid-19 để tiêm cho học sinh

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chỉ đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) phải phối hợp với Bộ Y tế triển khai chương trình tiêm vaccine Covid-19 cho học sinh, để các em sớm trở lại trường học.
Học sinh Hải Dương tựu trường, khai giảng và học trực tuyến Cần đổi mới phương pháp kiểm tra đánh giá để tránh làm học sinh tổn thương

Tìm nguồn vaccine phù hợp với lứa tuổi từ 12 trở lên

Ưu tiên tiêm vaccine cho học sinh, đặc biệt các em ở độ tuổi từ 12-18 tuổi, để các em sớm được trở lại trường trong trạng thái "bình thường mới" là một trong những đề xuất của ngành Giáo dục và các địa phương tại Hội nghị toàn quốc tổng kết năm học 2020-2021 và triển khai nhiệm vụ năm học 2021-2022 diễn ra ngày 28.8.

Đồng tình với việc cần sớm triển khai tiêm vaccine cho học sinh, bà Nguyễn Thị Quyên Thanh - Phó Chủ tịch tỉnh Vĩnh Long - nêu thực tế từ địa phương. Với 91% giáo viên được tiêm mũi 1 vaccine phòng COVID-19, 44% tiêm mũi 2, nếu học sinh cũng được tiêm vaccine thì có thể nghiên cứu việc giãn cách để các em được trở lại trường.

Nhưng hiện tại học sinh chưa được tiếp cận vaccine nên bắt buộc phải học trực tuyến, trong khi phương pháp học này không đảm bảo hiệu quả, đặc biệt đối với hơn 14.000 học sinh khó khăn trên địa bàn tỉnh.

Đại biểu dự hội nghị tổng kết năm học tại điểm cầu Bộ GDĐT. Ảnh: Thế Đại.

Đề nghị có chương trình vaccine cho học sinh cũng được lãnh đạo tỉnh Gia Lai, Quảng Bình nêu ra. Bà Nguyễn Thị Thanh Lịch - Phó Chủ tịch tỉnh Gia Lai - cho biết, việc "tạm dừng đến trường không dừng học" là bài toán khó với địa phương do địa hình, điều kiện kinh tế - xã hội. Tỉnh này mong sớm có chương trình vaccine ngừa COVID-19 cho học sinh để các em được học trực tiếp tại trường.

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng nhấn mạnh đến nhiệm vụ tìm giải pháp để học sinh được trở lại trường học an toàn, trong đó có việc tìm nguồn vaccine để tiêm cho học sinh.

Thủ tướng cho rằng, trường học hoạt động trở lại là mong nước của mọi học sinh, giáo viên, phụ huynh, nhà trường. Vì thế, Chính phủ đang triển khai theo hướng Bộ Y tế phối hợp với Bộ GDĐT tổ chức tiêm vaccine cho trẻ em, căn cứ vào khoa học, quy định độ tuổi để tính toán, phân bổ. Loại vaccine nào được nhiều nước sử dụng tiêm cho trẻ em thì trong thời gian tới, khi nhập Việt Nam về sẽ dành để tiêm cho trẻ em.

"Với trẻ em dưới 12 tuổi, các quốc gia đang nghiên cứu vaccine và chúng ta sớm tiếp cận vấn đề này như làm việc sớm với các hãng, thúc đẩy nghiên cứu trong nước để có loại vaccine phòng chống dịch cho các cháu trong thời gian sớm nhất," Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh.

Thủ tướng giao Bộ GDĐT tính toán nhu cầu từng lứa tuổi, phối hợp với Bộ Y tế để có thể tiêm sớm nhất cho học sinh. Các học sinh được tiêm đủ hai mũi vaccine có thể đến trường học bình thường kèm thêm các giải pháp chống dịch khác.

"Chính phủ sẽ làm tất cả những gì có thể để các cháu có thể trở lại trường sớm nhất" - Thủ tướng khẳng định.

"Ở đâu có học sinh, ở đó phải có giáo viên"

Ngoài vấn đề tìm giải pháp để học sinh có thể trở lại trường, thì giải pháp khắc phục tình trạng thiếu giáo viên và ứng phó với dịch bệnh để hoàn thành năm học cũng là những trăn trở của Thủ tướng Chính phủ.

“Đảng, Nhà nước và Chính phủ rất chia sẻ với việc học sinh không được đến trường mà chỉ được gặp thầy cô, bạn bè qua máy tính. Đây là điều rất thiệt thòi”- Thủ tướng trăn trở.

Thủ tướng cho hay đang chỉ đạo các địa phương rà soát lại, nơi nào thiếu vaccine cho giáo viên sẽ được bổ sung để sớm tổ chức tiêm khi bước vào năm hoc mới.

Thủ tướng lưu ý cùng với tiêm vaccine, các nhà trường vẫn phải đảm bảo các điều kiện vật chất và tuân thủ nghiêm các giải pháp an toàn chống dịch khác.

Đối với các địa phương không có dịch, cần tính toán để học sinh trở lại trường nhưng cần có biện pháp sàng lọc, đảm bảo phòng chống dịch. Dù có vaccine, có biện pháp chống dịch nhưng vẫn không được chủ quan và thỏa mãn với những gì đã làm được.

Với vùng đỏ, vàng, vùng đang diễn biến phức tạp thì giải pháp trước mắt vẫn phải là học trực tuyến. Bộ GDĐT phải có hướng dẫn để có chương trình dạy và học. Lãnh đạo địa phương phải hết sức hỗ trợ các trường hợp học sinh khó khăn để đảm bảo sự công bằng trong học tập, để không ai bị bỏ lại phía sau, không để học sinh thất học.

Trăn trở với vấn đề thiếu giáo viên, Thủ tướng đề nghị Bộ GDĐT phải thành lập đoàn kiểm tra đánh giá tình hình thiếu giáo viên để cùng các địa phương có giải pháp riêng cho mỗi nơi. Đồng thời cần nghiên cứu cơ cấu lại mạng lưới trường lớp, cơ cấu lại đội ngũ giáo viên.

Trong điều kiện có thể cũng cân nhắc giải pháp chuyển đổi vị trí việc làm của giáo viên trong tình huống thừa giáo viên ở cấp học khác nhưng thiếu giáo viên ở mầm non; thực hiện bồi dưỡng nghiệp vụ để giáo viên cấp học đang thừa có thể đảm nhiệm công việc ở cấp học đang thiếu, nhưng vẫn giữ nguyên lương.

Thủ tướng cũng nhấn mạnh đây chỉ là gợi ý để các địa phương và Bộ GDĐT cùng xem xét, xây dựng phương án, tùy theo thực tế, đặc thù của mỗi địa phương, trên tinh thần: “Ở đâu có học sinh, ở đó phải có giáo viên”.

PV
Phiên bản di động