Trước đó, thông tin từ Bộ Giáo dục và Đào tạo, qua 2 vòng thẩm định sách giáo khoa, có 38/49 bản thảo sách giáo khoa của các nhà xuất bản gửi đến thẩm định được đánh giá đạt yêu cầu và đáp ứng đủ 9 môn học, còn 11 bản thảo sách bị đánh giá “không đạt".
Trong số các bản thảo bị loại có 3 bản mẫu sách giáo khoa lớp 1 - Công nghệ giáo dục của Giáo sư Hồ Ngọc Đại (sách Đạo đức, Toán và Tiếng Việt). Với việc đánh giá "không đạt", dẫn đến khả năng chương trình Công nghệ giáo dục sẽ phải chấm dứt dạy trong nhà trường sau 40 năm được triển khai trong thực tiễn.
Sách giáo khoa công nghệ bị đánh giá không đạt gây tranh cãi. Ảnh: Theo Lao Động |
Hội đồng thẩm định sách giáo khoa cho biết, các bản thảo này không đáp ứng đầy đủ 13 tiêu chí của sách giáo khoa theo chương trình giáo dục phổ thông mới, trong đó có những tiêu chí như: điều kiện tiên quyết của sách giáo khoa, nội dung, phương pháp giáo dục, đánh giá kết quả giáo dục, cấu trúc, ngôn ngữ sử dụng, hình thức trình bày.
Thông tin này gây tranh cãi bởi sách Công nghệ giáo dục đã được thử nghiệm tới 40 năm và có hơn 900.000 học sinh theo học.
Khi cuốn sách bị loại, PGS Phan Kế Hào, nhà giáo Phan Sắc Long và một số chuyên gia đã gửi kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ.
PGS Hào khẳng định về bản chất, chương trình công nghệ giáo dục phù hợp với đường lối, quan điểm đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, cả về lý thuyết và thực tiễn.
PGS Nguyễn Kế Hào cũng cho rằng, với hơn 40 năm được “cuộc sống lựa chọn”, và ít nhất 2 lần trong lịch sử cải cách giáo dục (năm 1986 và năm 2006), sách tiếng Việt 1 của GS Hồ Ngọc Đại là giải pháp để khắc phục tình trạng lưu ban, “ngồi nhầm lớp” ở rất nhiều địa phương trên cả nước. “Do vậy, nhìn từ góc độ quốc gia thì đây phải được coi là một thành tựu, không nên bỏ”
Được biết, chiều 22/11, Bộ GD&ĐT sẽ công bố các bộ sách giáo khoa lớp 1 viết theo chương trình giáo dục phổ thông mới để sử dụng cho năm học 2020-2021.