Thủ tướng: Thủ tục hành chính phải tránh phiền hà, sách nhiễu người dân, doanh nghiệp

Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu phải làm sao để người dân, doanh nghiệp tiếp cận, thực hiện các thủ tục, công việc một cách nhanh chóng, thuận lợi nhất...
Thủ tướng yêu cầu loại bỏ ngay những thủ tục là rào cản làm khó người dân, doanh nghiệp Sẵn sàng giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ qua sàn

Sáng 19/7, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ, chủ trì phiên họp thứ 5 của Ban Chỉ đạo, sơ kết công tác cải cách hành chính 6 tháng đầu năm 2023 và xác định phương hướng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2023.

Phát biểu khai mạc phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ đẩy mạnh cải cách hành chính (CCHC), tăng cường phân cấp, phân quyền, xây dựng tổ chức bộ máy Nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả tiếp tục được Đảng, Nhà nước xác định là một trọng tâm, đột phá trong xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở nước ta trong giai đoạn mới.

Theo Thủ tướng, thời gian qua, với sự đoàn kết, quyết tâm, cố gắng, nỗ lực của Chính phủ, các cấp, ngành, địa phương, của các thành viên Ban Chỉ đạo, công tác cải cách hành chính tiếp tục được cải thiện, có tiến bộ.

Thủ tướng: Thủ tục hành chính phải tránh phiền hà, sách nhiễu người dân, doanh nghiệp
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại phiên họp.

Tuy nhiên vẫn còn không ít tồn tại, hạn chế, còn nhiều rườm rà, vướng mắc trong hoạt động nội bộ của các cơ quan Nhà nước và trong giải quyết công việc, cải cách thủ tục hành chính cho người dân và doanh nghiệp, còn tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm dẫn tới ách tắc trong giải quyết công việc…

Theo lãnh đạo Chính phủ, công tác cải cách hành chính gồm 6 nội dung chính: Cải cách thể chế; cải cách thủ tục hành chính; cải cách tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước; cải cách chế độ công vụ; cải cách tài chính công; xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số.

Thủ tướng đề nghị các cơ quan tiếp tục rà soát lại các công việc trên tinh thần "việc gì có lợi cho dân thì ta hết sức làm, việc gì có hại cho dân thì hết sức tránh", làm sao để người dân, doanh nghiệp tiếp cận, thực hiện các thủ tục, công việc một cách nhanh chóng, thuận lợi nhất, tiết giảm chi phí, thời gian, công sức, tránh phiền hà, sách nhiễu, phòng chống tham nhũng, tiêu cực, xử lý những ách tắc trong giải quyết công việc…

Nhắc lại quan điểm nguồn lực bắt nguồn từ tư duy, động lực bắt nguồn từ đổi mới, sức mạnh bắt nguồn từ nhân dân, Thủ tướng lấy ví dụ, từ một nước thiếu lương thực, chỉ 1 năm sau khi có cơ chế Khoán 10, Việt Nam lần đầu tiên đã xuất khẩu được 1,2 triệu tấn lúa gạo và đến nay đã trở thành 1 trong 3 nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới.

Người đứng đầu Chính phủ đề nghị tại các phiên họp tiếp theo, cần nghiên cứu để triển khai kết nối trực tuyến tới tận cấp xã; nâng cao hơn nữa trách nhiệm, tăng cường phân cấp cho cấp xã - nơi sát dân nhất, gần dân nhất, đến với người dân nhanh nhất, trực tiếp tiếp xúc, làm việc nhiều với người dân và doanh nghiệp.

Hậu Lộc
Phiên bản di động