Thủ tướng: Chính phủ Việt Nam quyết giảm thâm hụt thương mại với Mỹ
Hơn 32 triệu người Việt Nam mất việc làm, giảm thu nhập vì Covid-19 Chuyên gia “hiến kế” giúp bức tranh kinh tế Việt Nam năm 2021 tươi sáng hơn |
Khẳng định của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc được đưa ra tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2020, triển khai nhiệm vụ năm 2021 của ngành Công thương, diễn ra sáng 7/1.
Người đứng đầu Chính phủ cho biết, tối nay (22h00 ngày 7/1) Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh sẽ điện đàm với ông Lighthizer (Trưởng Đại diện Thương mại Mỹ- USTR) để trao đổi về vấn đề thương mại giữa hai nước.
Trong đó, Thủ tướng cho biết quan điểm Chính phủ Việt Nam rất quyết liệt trong việc triển khai các hành động cụ thể để giảm thâm hụt thương mại, chống gian lận xuất xứ và chuyển tải bất hợp pháp.
Đồng thời, Việt Nam cũng quyết tâm cùng với Mỹ thực hiện kế hoạch hành động chung hướng tới cán cân thương mại hài hòa và bền vững.
Lãnh đạo Chính phủ một lần nữa khẳng định chính sách tiền tệ của Việt Nam là nhằm đạt mục tiêu kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô, không nhằm tạo thế cạnh tranh trong thương mại.
Chính vì vậy, theo Thủ tướng, Trưởng Đại diện Thương mại Mỹ cần khách quan khi tiến hành điều tra, vì lợi ích của hai quốc gia và doanh nghiệp của cả hai nước.
"Có rất nhiều doanh nghiệp Mỹ đang phản đối việc điều tra, họ đã gửi thư cho các Bộ/Ngành Mỹ, tham gia điều trần để phản đối như báo chí đã nêu", Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị. (Ảnh: MOIT) |
Nói thêm về việc Việt Nam bị Bộ Tài chính Mỹ xác định là "thao túng tiền tệ", Thủ tướng cho biết, đến nay, Mỹ và Chính phủ Việt Nam đã có hai cuộc điện đàm thảo luận về vấn đề này, bao gồm cuộc nói chuyện của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 22/12 và giữa Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh với Ngoại trưởng Mike Pompeo.
"Tôi đã thuyết phục Tổng thống Trump không áp thuế Việt Nam với lý do cơ cấu sản phẩm, tiêu dùng của từng nước", người đứng đầu Chính phủ cho biết.
Cũng tại Hội nghị, giao nhiệm vụ cho ngành Công thương trong thời gian tới, người đứng đầu Chính phủ yêu cầu tiếp tục thực hiện các giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2021, định hướng đến năm 2022. Cần được coi đây là trọng tâm xuyên suốt trong triển khai thực hiện nhiệm vụ của cả năm 2021.
Đồng thời, ngành Công thương phải tiếp tục tập trung vào công tác hoàn thiện thể chế, đổi mới phương thức quản lý nhà nước trong các lĩnh vực theo hướng chuyển tư duy quản lý từ tiền kiểm sang hậu kiểm, tạo môi trường thông thoáng cho đầu tư phát triển gắn liền với nâng cao hiệu quả trong quản lý nhà nước, thực hiện phân công, phân cấp một cách mạnh mẽ hơn.
Thủ tướng cũng yêu cầu ngành Công thương tập trung đẩy nhanh quá trình cơ cấu lại các ngành công nghiệp gắn với thực hiện chuyển đổi số, đặc biệt trong các ngành công nghiệp chế biến chế tạo nhằm tạo bứt phá và động lực mới cho tăng trưởng ở giai đoạn tiếp theo.
Bên cạnh đó, ngành Công thương cũng phải tập trung cao độ vào giải quyết các vấn đề còn tồn tại nhằm bảo đảm vững chắc nguồn năng lượng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội cho đất nước trong thời gian tới theo hướng bền vững trên cơ sở huy động sự tham gia mạnh mẽ của khu vực kinh tế ngoài Nhà nước.
Cùng với đó là tập trung thực hiện các giải pháp đảm bảo cân đối cung cầu điện năm 2021 và giai đoạn 2021-2025, không để xảy ra thiếu điện trong mọi trường hợp. Đẩy mạnh phát triển nguồn điện năng lượng tái tạo để bổ sung nguồn điện, phù hợp với cơ chế, chính sách khuyến khích năng lượng tái tạo hiện hành của Chính phủ.
Ngoài ra, Thủ tướng cũng yêu cầu ngành Công thương tập trung triển khai thực thi có hiệu quả và khai thác tốt các cơ hội thị trường do các Hiệp định thương mại tự do (FTA) mang lại.
Theo người đứng đầu Chính phủ, Việt Nam đã ký kết 15 FTA, trong đó 13 FTA đã chính thức đi vào thực thi và để khai thác tốt lợi ích mà các FTA mang lại cần tập trung phổ biến thông tin, nâng cao nhận thức về hội nhập quốc tế trong hệ thống chính trị, các ngành, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và toàn xã hội.
Lãnh đạo Chính phủ cũng yêu cầu ngành Công thương đổi mới tư duy và đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại và mở rộng thị trường cho hàng hóa xuất khẩu, tháo gỡ rào cản để thâm nhập các thị trường mới, đa dạng hóa, hạn chế sự phụ thuộc vào một số thị trường.
Hơn nữa, ngành Công thương cũng phải nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường. Đẩy mạnh công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, gian lận xuất xứ... bảo đảm môi trường sản xuất kinh doanh lành mạnh trực tiếp góp phần vào nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp trong nước.