Thứ trưởng cảnh báo về rượu pha thuốc kích dục, thuốc đông y trộn tân dược
Đây là hai dẫn chứng được Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường đưa ra tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo (BCĐ) 389 Bộ Y tế ngày 2/5/2019.
Ngoài các vi phạm về sử dụng nguyên liệu không rõ nguồn gốc, TPCN chứa thành phần không ghi trên nhãn và không đúng với hồ sơ công bố sản phẩm, quảng cáo TPCN như thuốc chữa bệnh…, một nội dung quan trọng được nhắc tới trong cuộc họp là tình trạng pha trộn tân dược và trong các sản phẩm Y học cổ truyền để lưu hành và điều trị ngay tại các cơ sở chẩn trị cổ truyền.
Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường cảnh báo về tình trạng thuốc đông dược trộn tân dược. Ảnh: Theo cổng thông tin Bộ Y tế |
Thứ trưởng Trương Quốc Cường dẫn chứng trường hợp bệnh nhân nam phải nhờ các bác sĩ nam học giải cứu sau khi uống rượu tăng cường bản lĩnh phái mạnh ở quán. Phân tích mẫu rượu, cơ quan chức năng phát hiện một hàm lượng viagra rất lớn. Chủ quán sau đó phải thừa nhận đã bỏ 4 viên viagra vào bình rượu. Một trường hợp khác là bệnh nhân tiểu đường nghe mách bảo bỏ thuốc điều trị và mua viên tễ tiểu đường hoàn dẫn đến lượng đường trong máu không kiểm soát được, bị biến chứng lên gan, thận, mắt…
“Các sản phẩm dễ có nguy cơ pha trộn tân dược một cách trái phép thuộc nhóm điều trị, hỗ trợ điều trị tăng huyết áp, đái tháo đường, giảm đau xương khớp, mỡ máu, rối loạn cương dương, tăng-giảm cân...", Thứ trưởng Trương Quốc Cường cho biết.
Trên thực tế qua kiểm tra, cơ quan chức năng đã phát hiện nhiều cơ sở y học cổ truyền lén lút trộn thuốc tân dược vào thuốc đông y. Khi bệnh nhân mua thuốc này về uống, hiệu quả chữa bệnh nhanh chóng khiến họ tin tưởng, truyền miệng cho người khác, tuy nhiên, hậu quả về sức khỏe sau đó vô cùng khó lường.
Thuốc Đông y thường được quan niệm là từ thảo dược, lành tính, ít tác dụng phụ và nhiều người bệnh muốn bệnh chóng khỏi thì sử dụng kết hợp cả Đông - Tây y. Hệ quả là khi mua nhầm thuốc Đông y trộn tân dược, người bệnh dễ phải vào viện cấp cứu vì dùng thuốc quá liều.
Khoa Nội tiết - Đái tháo đường, bệnh viện Bạch Mai từng cấp cứu nhiều trường hợp ngộ độc Paracetamol mà nguyên nhân là do bệnh nhân dùng thuốc Đông – Tây y kết hợp.
Trước đó, chia sẻ với báo giới, bác sỹ Nguyễn Quang Bảy, phụ trách khoa Nội tiết, Đái tháo đường, Bệnh viện Bạch Mai cho biết: “Khi một bệnh nhân đang được thầy thuốc điều trị bệnh trên cơ sở kết hợp Đông- Tây y, mà trong thành phần thuốc Tây được kê đơn đã có Paracetamol song người bệnh lại uống thêm thuốc y học cổ truyền có thêm hoạt chất Paracetamol do thầy lang trộn vào sẽ dẫn đến tình trạng quá liều, ngộ độc, nguy hại đến tính mạng”.
Còn PGS. Tạ Văn Bình, nguyên Giám đốc Bệnh viện Nội tiết Trung ương cho biết, hầu như ngày nào ông cũng gặp bệnh nhân đến khám là nạn nhân của thuốc có chứa Corticoid. Hệ lụy khi lạm dụng Corticoid, theo PGS. Bình, sẽ gây nên hội chứng tăng đường máu, dẫn đến đái tháo đường; hội chứng cushing, suy tuyến thượng thận. Thậm chí, gây suy cấp tính nếu đột ngột dừng thuốc dẫn đến trụy tim, trụy mạch; ngoài ra còn gây giòn xương, rối loạn điện giải.
Bệnh nhân có men gan cao gấp hơn 30 lần bình thường sau khi uống trà giảm cân không rõ nguồn gốc. Ảnh: Bệnh viện Nội tiết trung ương. |
Các thực phẩm giảm cân đông dược, trà giảm cân thảo dược bán tràn lan trên thị trường cũng vô số lần bị phát hiện pha chất cấm Sibutramine và Phenolphtalein có thể gây ung thư, đột quỵ, tim mạch hoặc gây ảo giác, loạn thần… Có trường hợp phải vào viện cấp cứu vì trà giảm cân thảo dược không rõ nguồn gốc, trường hợp khác bị suy thận vì trà giảm cân thần tốc phải chạy thận cả đời…
Loại trà giảm cân bị Cơ quan Khoa học y tế Singapore (HAS) cảnh báo có chứa chất cấm Sibutramine |
Để nhanh chóng “dẹp loạn”, Bộ Y tế yêu cầu các địa phương tăng cường lấy mẫu kiểm tra chất lượng đông dược lưu hành trên thị trường và được sử dụng tại các phòng chẩn trị y học cổ truyền. Việc kiểm tra tập trung vào sản phẩm có nguy cơ bị pha trộn tân dược thuộc nhóm điều trị, hỗ trợ điều trị tăng huyết áp, đái tháo đường, giảm đau xương khớp, mỡ máu, rối loạn cương dương, tăng và giảm cân.