Hãi hùng thuốc Đông y gia truyền trộn chất gây ung thư đã bị cấm từ năm 1983
Tưởng mua được thuốc Đông y thần dược, không ngờ có thành phần thuốc cấm
Chị N.T.T ở Quận Hoàng Mai, Hà Nội có cô con gái năm nay 7 tuổi, cháu thường xuyên bị các bệnh về mũi họng và cảm mạo liên tục, mặc dù chi T đã cho con chạy chữa nhiều nơi, đi khắp các bệnh viện nhưng tình trạng không cải thiện. Vì thế cháu 7 tuổi nhưng người nhỏ bé, ốm nheo ốm nhóc. Mới đây, nghe có người mách loại thuốc Đông y gia truyền đặc trị bệnh của cháu, chị T liền nhờ người bạn mua cho con uống. Kết quả thật bất ngờ chỉ sau khi dùng khoảng hơn 1 tháng cháu gần như khỏi hẳn tình trạng bệnh lại còn ăn tốt, ngủ tốt, tăng cân rất nhanh. Điều này làm vợ chồng chị T rất mừng. Thuốc này là dạng bột, có tên là “giải nhiệt tiêu ban tán”. Loại thuốc này chỉ ghi ở bao bì một dòng chữ là cơ sở Phú Sơn địa chỉ ở 165 Lê Đại Hành, Quận 11, Tp. Hồ Chí Minh ngoài ra không ghi thêm bất kỳ thông tin gì đến giấy phép sản xuất hay số điện thoại liên lạc.
Chi T cho biết, vì con uống có tác dụng nhanh chóng nên đã không giấu được niềm vui, chị T đã đem chuyện con gái uống thuốc đông y gia truyền này kể với cậu em họ là bác sĩ. Khi nghe thuốc Đông y thuốc mà có tác dụng như thần dược vậy, cậu bác sĩ đã nghi ngờ và muốn xem tên thuốc chị T đã cho con uống.
“Khi cậu em tôi cầm gói thuốc tôi đưa, nó há hốc mồm và nói, thuốc đông y không thể có tác dụng nhanh như vậy được, có thể có thuốc tây y trộn vào. Nó khuyên tôi nên mang đi xét nghiệm độc lập xem thành phần trong gói thuốc đó là những cái gì. Tôi đã đi làm xét nghiệm độc lập và gửi mẫu đến Trung tâm chống độc BV Bạch Mai, kết quả bác sĩ nói làm tôi choáng váng và không thể tin vào mắt mình, tôi đang hại con mình”. Chị T chia sẻ.
Chị T cho hay, kết quả xét nghiệm cho thấy trong gói thuốc “giải độc tiêu ban tán” mà chị T cho con dùng có chứa các thành phần của thuốc tây y đó là Phenacetin, paracetamol, Chlorphenamine và caffein.
Theo Bs. Ngô Đức Hùng, khoa cấp cứu A9, BV Bạch Mai cho biết, Phenacetin là một loại thuốc giảm đau, hạ sốt, nó là một trong những thuốc giảm sốt tổng hợp đầu tiên có mặt trên thị trường. Nó cũng được biết đến trong lịch sử là một trong những thuốc giảm đau không opioid đầu tiên không có đặc tính chống viêm. Tuy nhiên, vào tháng 11/1983 Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ đã yêu cầu thu hồi thuốc có chứa chất phenaceti do đặc tính gây ung thư và làm hư thận. Những khuyến cáo chỉ ra rằng việc dùng đều đặn và lâu dài loại thuốc này sẽ gây hoại tử nhú thận hoặc viêm thận kẽ thứ phát, dẫn đến suy thận nặng, không hồi phục. Nếu dùng liên tục mỗi ngày 1 g thuốc thì sau 3 năm, những triệu chứng đầu tiên của bệnh thận sẽ xuất hiện. Vì vậy, chỉ nên dùng phenacetin khi các thuốc giảm đau khác (aspirin, paracetamol) không có kết quả; không dùng phenacetin cho người suy thận hoặc, không dùng lâu dài.
Ngay khi nhận được thông tin xét nghiệm độc lập của chị T, nhóm phóng viên chúng tôi đã đến điều tra tại cơ sở sản xuất loại thuốc này nằm tại địa chỉ 165 Lê Đại Hành, Quận 11, TP. Hồ Chí Minh. Đây là căn nhà mặt phố 2 tầng. Cửa đóng kín rào không thể tiếp cận, bên trên vẫn treo biển Phú Sơn. Phóng viên đã chờ để tiếp cận trong nhiều ngày nhưng cơ sở vẫn đóng cửa im ỉm, trong khi thuốc thì mọi người vẫn mua được.
Cơ sở bán thuốc trộn chất cấm do gây ung thư
Thuốc đặc trị viêm mũi xoang trộn tân dược
Cũng tương tự như anh chị T, Anh H.X.H làm lái xe ở quận Gò Vấp TP. Hồ Chí Minh là bạn thân của chị T, anh H bị viêm xoang đã lâu, anh cũng đi hết nơi này đến nơi khác nhưng bệnh chị thuyên giảm rồi lại tái phát. Nghe có người mách có thuốc đông y đặc trị viêm mũi xoang của một thầy lang ở An Giang, anh H cũng nhờ người mua. Anh H cho biết, mỗi gói nhỏ giá khoảng 7.000 đồng được viên thành những viên hoàn nhỏ, nghe người gửi thuốc nói đó đều là các loại thuốc được làm từ rễ cây và các vị thuốc đông y, những vị thuốc này được tán thành bột và viên lại thành các viên hoàn để bán cho người dùng. Mỗi ngày uống khoảng 2-3 viên, nếu cảm thấy chưa ổn có thể dùng 5-6 viên. Sau uống một thời gian anh H thấy tình trạng bệnh của mình cải thiện rõ rệt. Vì thấy có tác dụng tốt nên anh H giới thiệu loại thuốc này cho bạn bè dùng.
Tuy nhiên, anh H cũng thừa nhận là khi uống vào anh ăn khoẻ, ngủ khoẻ, ăn không biết no. Nhưng vì nghĩ rằng thuốc nam tốt nên cũng không để ý gì. Anh H cũng nói chuyện với chị T về việc từ khi uống thuốc vào ăn khoẻ, ngủ ngon, chi T đã lấy mẫu thuốc Đông y gia truyền của anh H và mang đi xét nghiệm độc lập tại BV Bạch Mai. Kết quả gói thuốc đông y gia truyền trị bệnh viêm xoang viêm mũi có chứa thành phần Chlorphenamine và Pharacetamol.
Cũng theo BS. Ngô Đức Hùng, Chlorpheniramin là loại thuốc kháng histamin H1. Thuốc được chỉ định dùng trong các trường hợp viêm mũi dị ứng (theo mùa và quanh năm) và các triệu chứng dị ứng khác như: mày đay, viêm mũi vận mạch do histamin…
Khi dùng Chlorpheniramin cần chú ý tới tác dụng an thần của thuốc, biểu hiện trên mỗi cá thể có khác nhau từ ngủ gà nhẹ đến ngủ sâu, gây chóng mặt, hoa mắt, nhìn mờ và suy giảm tâm thần vận động... Do vậy, thuốc cần tránh dùng cho người đang lái xe hoặc điều khiển máy móc. Tác dụng an thần của Chlorpheniramin tăng lên khi uống rượu và khi dùng đồng thời với các thuốc an thần khác.
Người có bệnh phổi mạn tính và trẻ em dưới 2 tuổi phải rất thận trọng khi dùng thuốc có chứa chlorpheniramin, đề phòng nguy cơ biến chứng đường hô hấp, suy giảm hô hấp. Chlorpheniramin có thể làm tăng nguy cơ bí tiểu tiện do tác dụng phụ chống tiết acetylcholin của thuốc, đặc biệt ở người bị phì đại tuyến tiền liệt, tắc đường niệu, tắc môn vị tá tràng và làm trầm trọng thêm ở người bệnh nhược cơ. Thận trọng dùng cho người trên 60 tuổi.
Không được dùng thuốc trong các trường hợp: người bệnh đang có cơn hen cấp, người có triệu chứng phì đại tuyến tiền liệt, glocom góc hẹp, tắc cổ bàng quang, loét dạ dày, hẹp tắc môn vị - tá tràng, phụ nữ cho con bú, trẻ sơ sinh và trẻ đẻ thiếu tháng, người bệnh quá mẫn với thuốc...
Các bác sĩ cũng khuyến cáo, chỉ nên dùng chlorpheniramin theo từng đợt và mỗi đợt không nên kéo dài vì chlorpheniramin chỉ chữa được triệu chứng chứ không điều trị được nguyên nhân.
Với viên thuốc hoàn mà được trộn tân dược, ở trong trường hợp này là trộn Chlorphenamine và Pharacetamol thì rất khó để định được hàm lượng thuốc là bao nhiêu vì thế cũng sẽ rất nguy hiểm đến sức khoẻ.
BS. Ngô Đức Hùng chia sẻ, trong quá trình xử trí các ca cấp cứu, anh gặp rất nhiều trường hợp người bệnh mua thuốc đông y gia truyền trên mạng về uống đặc biệt là các bệnh nhân bị tiểu đường, viêm khớp, viêm mũi xong... Có những bệnh nhân bị diễn biến nặng phải đi cấp cứu như trường hợp của bệnh nhân ở Bắc Ninh bị tiều đường có dùng viên hoàn mua trên mạng. Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng hôn mê sâu, nguy kịch. Khi bác sĩ tiến hành xét nghiệp thuốc bệnh nhân dùng thì phát hiện ra chất cấm Phenformin. Đây là hoạt chất giúp hạ đường huyết nhưng gây nhiều tác dụng phụ và nguy hiểm chết người. Do đó, loại thuốc này đã bị cấm sử dụng từ năm 1978. Nhiều người đã lợi dụng thuốc này trộn vào thuốc đông y để bán ra thị trường . |