Thứ trưởng Trương Quốc Cường:

Vi phạm dược mỹ phẩm, TPCN khiến người dân mất cơ hội chữa bệnh

Các vi phạm về sử dụng nguyên liệu không rõ nguồn gốc, TPCN chứa thành phần không ghi trên nhãn và không đúng với hồ sơ công bố sản phẩm, quảng cáo TPCN như thuốc chữa bệnh… khiến người bệnh mất cơ hội chữa bệnh, Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường cho biết. 
Bộ Y tế chỉ đạo làm rõ vụ sản phụ tử vong sau sinh mổ ở Hà Tĩnh Địa phương kêu Bộ Y tế 'ôm' quá nhiều việc Bộ Y tế khẳng định việc đưa 14 vi chất vào sữa học đường phù hợp với nhu cầu dinh dưỡng của trẻ

Mới đây, Bộ Y tế đã họp tổng kết thực hiện công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả năm 2018 và phương hướng nhiệm vụ năm 2019; triển khai thực hiện Chỉ thị số 17/CT-TTg ngày 19/6/2018 của Chính phủ về đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng thuộc nhóm hàng dược phẩm, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền dân tộc.

Theo báo cáo công bố trong cuộc họp, từ ngày 15/12/2018- 15/4/2019, Bộ Y tế đã triển khai các đoàn thanh, kiểm tra về dược-mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu và đã xử phạt 26 cơ sở vi phạm hành chính với tổng số tiền trên 01 tỷ đồng.

Trong lĩnh vực thực phẩm, qua thanh kiểm tra, đã xử phạt hành chính 15 cơ sở với tổng số tiền gần 912 triệu đồng. Các lỗi vi phạm thường gặp là về quảng cáo, chất lượng không phù hợp với công bố. Ngoài phạt tiền, các lô sản phẩm vi phạm còn bị thu hồi, tiêu hủy. Các nội dung quảng cáo sai phải tháo gỡ, cải chính thông tin.

Trong năm 2018, Bộ Y tế cũng đã thành lập 3 đoàn kiểm tra liên ngành tại 18 tỉnh thành, lấy hơn 13.000 mẫu về lĩnh vực dược mỹ phẩm, dược liệu, thực phẩm chức năng, vị thuốc y học cổ truyền (YHCT) để kiểm tra. Kết quả cho thấy, có 332 mẫu không đạt chất lượng. Bộ đã thu hồi 605 phiếu công bố mỹ phẩm.

Cũng trong năm 2018, các địa phương tổ chức 75 đoàn thanh tra về dược mỹ phẩm, kiểm tra gần 7200 cơ sở, phát hiện gần 1.090 cơ sở vi phạm và xử lý 719 cơ sở. Về lĩnh vực ATTP đã tiến hành 3.318 đoàn thanh tra, kiểm tra tại 94.082 cơ sở, phát hiện gần 8.000 cơ sở vi phạm, xử lý 1.408 cơ sở. Cùng với đó, các đoàn kiểm tra đã xử phạt hành chính 2.127 cơ sở với tổng số tiền gần 11 tỷ đồng…

Tại cuộc họp, đại diện các đơn vị của Bộ Y tế cũng chỉ ra những khó khăn trong công tác đấu tranh phòng chống gian lận thương mại, hàng giả, hàng kém chất lượng như:

Các hành vi vi phạm trong nhóm mặt hàng thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu, vị thuốc y học cổ truyền ngày càng tinh vi, phức tạp; lực lượng thanh tra y tế quá mỏng so với khối lượng công việc; Chính quyền địa phương chưa phối hợp kịp thời, công tác phối hợp liên ngành lỏng lẻo; Việc xử lý vi phạm tại các địa phương mới dừng ở mức nhắc nhở, chưa phạt hành chính.

bo y te xu phat loat vi pham duoc my pham thuc pham chuc nang
TS.Trương Quốc Cường, Thứ trưởng Bộ Y tế, Trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo (BCĐ) 389 Bộ Y tế phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: Theo cổng thông tin điện tử Bộ Y tế

Phát biểu tại cuộc họp, TS. Trương Quốc Cường, Thứ trưởng Bộ Y tế khẳng định, các vi phạm về sử dụng nguyên liệu không rõ nguồn gốc, thực phẩm chức năng chứa các thành phần không được công bố trên nhãn và không đúng với hồ sơ công bố sản phẩm, quảng cáo thực phẩm chức năng như thuốc chữa bệnh… khiến người bệnh mất cơ hội chữa bệnh. Việc pha trộn tân dược trái phép vào sản phẩm y học cổ truyền tiềm ẩn nhiều rủi ro và gây nguy hại đến sức khỏe người sử dụng; đã có một số trường hợp gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ và tính mạng, thậm chí đã gây tử vong cho người sử dụng…

Thứ trưởng Trương Quốc Cường cho biết, thời gian tới Ngành Y tế sẽ tập trung thanh tra việc thực hiện quy định của pháp luật về đăng ký, sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu, quản lý chất lượng thuốc, mỹ phẩm tại một số cơ sở liên quan trên địa bàn TP. Hà Nội, TP HCM. Bên cạnh đó, Bộ Y tế sẽ tập trung thanh tra việc thực hiện quy định về sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh thuốc, nguyên liệu làm thuốc phải kiểm soát đặc biệt đối với các cơ sở có đơn hàng nhập khẩu từ ngày 01/01/2017. Thanh tra đột xuất việc thực hiện các quy định của pháp luật trong hoạt động sản xuất, kinh doanh đối với các cơ sở có dấu hiệu vi phạm pháp luật về lĩnh vực dược, mỹ phẩm, thuốc y học cổ truyền (pha trộn tân dược).

Đối với thực phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu y học cổ truyền, sẽ tập trung hậu kiểm về quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe trên Internet và môi trường mạng. Đồng thời tăng cường phối hợp với các lực lượng chức năng liên quan thanh kiểm tra Dược liệu “lậu” qua đường tiểu ngạch ở khu vực biên giới.

Huyền My
Phiên bản di động