"Thủ phủ các loài hoa" Mê Linh rộn ràng vào Tết
Dấu ấn của Huyện uỷ Mê Linh trong năm 2023 Huyện Mê Linh hoàn thành 16/16 chỉ tiêu kế hoạch năm 2023 |
Rực rỡ sắc màu tại "thủ phủ hoa hồng"
Nhiều năm qua, huyện Mê Linh đã phát triển mạnh việc trồng và kinh doanh các loại hoa. Từ huyện cửa ngõ phía Bắc Thủ đô này, hoa được xuất đi khắp nơi và đây cũng là đầu mối du nhập nhiều loại hoa, giống hoa quý, chất lượng.
Sẵn sàng đón Tết Giáp Thìn, nông dân tại huyện Mê Linh đang nỗ lực chăm sóc với hy vọng một vụ hoa được mùa, được giá.
Nhiều năm qua, huyện Mê Linh càng ngày càng khẳng định vị thế là thủ phủ của các loài hoa với nhiều mô hình sản xuất lớn, chất lượng |
Theo Phó Trưởng Phòng Kinh tế huyện Mê Linh Nguyễn Tiến Hùng, hiện nay, trên địa bàn huyện Mê Linh có khoảng 2.000ha trồng hoa, tập trung tại các xã: Mê Linh, Đại Thịnh, Văn Khê, Kim Hoa, Tự Lập, Thanh Lâm,.... Chủng loại hoa rất phong phú, chủ yếu vẫn là: hồng, cúc, ly, lan,... Ngoài ra, bà con một số địa phương như Kim Hoa, Văn Khê,… còn trồng hoa đào và quất cảnh với diện tích khoảng 150ha phục vụ nhu cầu thị trường trong dịp Tết Nguyên đán.
Những năm gần đây, nhiều nông dân huyện Mê Linh chuyển đổi từ trồng hoa truyền thống (cắt cành) sang trồng các loại hoa thế, hoa bon sai, hoa cảnh, hoa chậu, đáp ứng nhu cầu của thị trường, cho giá trị kinh tế cao.
Anh Nguyễn Thế Anh (nhà vườn Hồng Anh, xã Mê Linh) phấn khởi cho hay, trước đây, gia đình anh cũng như nhiều hộ thường trồng hoa hồng cắt cành. Những năm gần đây, để đáp ứng nhu cầu của thị trường, anh cùng nhiều hộ khác đã chuyển sang trồng hoa hồng thế, hồng bon sai, hồng cảnh, hồng chậu, bởi dáng cây đẹp, phù hợp trưng bày trong nhà, sân vườn, tiểu cảnh, công trình. Đặc biệt, hoa tươi rất lâu, có thể lưu trên cây cả tháng vẫn rất bền màu.
Anh Nguyễn Thế Anh (nhà vườn Hồng Anh, xã Mê Linh) tiên phong trong việc phát triển các sản phẩm hoa hồng giá trị cao như hoa hồng thế, hồng bon sai, hồng cảnh, hồng chậu. |
"Chuẩn bị cho Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, nhà vườn Hồng Anh cung ứng khoảng 800 chậu hồng với nhiều chủng loại, đa dạng về màu sắc với mức giá từ vài trăm nghìn đến vài triệu đồng/cây, thậm chí có những cây hồng cổ có giá vài chục triệu đồng, dự kiến cho doanh thu hơn một tỷ đồng" - Thế Anh chia sẻ.
Chị Nguyễn Thị Tuyết (xã Đại Thịnh) cho biết thêm: Năm nay, gia đình chị trồng 3,5 mẫu cúc, trong đó khoảng một mẫu dự kiến sẽ cho thu hoạch đúng vào dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn. Nếu giá cả ổn định, vụ Tết năm nay gia đình anh chị sẽ có thu nhập khoảng 300 triệu đồng.
Với kinh nghiệm 20 năm trồng hoa, chị Tuyết cho biết, để có được ruộng hoa đẹp nở đúng dịp Tết, người trồng phải kỹ lưỡng từng công đoạn, từ việc ươm cây, vun tưới, bón phân, cắm cọc, tỉa nụ, phòng bệnh... Không chỉ vậy, còn phải thường xuyên theo dõi thời tiết để có biện pháp kỹ thuật che chắn, chong đèn tạo ánh sáng điều tiết cho cây ra hoa đúng dịp. Ngoài ra, cúc phải bảo đảm đủ nước thì cây mới sinh trưởng, phát triển tốt. Một trong những kỹ thuật quan trọng là phải sử dụng đèn điện chiếu sáng vào buổi tối để kích thích cây non phát triển chiều cao, không ra nụ sớm.
Hoa ly của Mê Linh đang chiếm được chỗ đứng trên thị trường. Trong ảnh là chị Đỗ Thị Hiền, thôn Phú Mỹ, xã Tự Lập bên vườn hoa ly của gia đình. |
Năm nay, gia đình chị Đỗ Thị Hiền (thôn Phú Mỹ, xã Tự Lập) xuống giống hơn một triệu củ giống hoa ly trên diện tích 50 mẫu, cung cấp ra thị trường từ dịp 20/11 đến hết tháng 3/2024. Trong đó, số diện tích hoa ly thu hoạch vào dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn chiếm 20 mẫu, tương đương khoảng 500 nghìn cành.
Chị Đỗ Thị Hiền chia sẻ, thời tiết năm nay ấm hơn so với các năm trước, do vậy gia đình sử dụng lưới đen để giảm ánh sáng và nhiệt độ môi trường, nhằm điều tiết thời gian phát triển của cây. Trong những ngày thời tiết âm u, nhiều sương, gia đình tiến hành gỡ đầu nụ và mở lưới đen để lưu thông không khí trong vườn, phòng bệnh cháy sinh lý trên cây ly. Ngoài ra, gia đình cũng có chế độ chăm sóc, điều chỉnh nước tưới, dinh dưỡng phù hợp để cây nở hoa đúng dịp Tết.
Đưa sức mạnh của công nghệ vào nông nghiệp
Bên cạnh các phương thức canh tác truyền thống, nông dân tại huyện Mê Linh càng ngày càng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong sản xuất, từ đó nâng cao chất lượng sản phẩm và hiệu quả kinh tế.
Ví dụ điển hình là trang trại Mê Linh F-Farm của gia đình ông Nguyễn Tiến Dũng (thôn Thường Lệ, xã Đại Thịnh).
Trang trại Mê Linh F-Farm cung ứng ra thị trường khoảng 60.000 cây lan Hồ Điệp các loại, doanh thu đạt khoảng 1 tỷ đồng |
Theo ông Nguyễn Tiến Dũng, trang trại Mê Linh F-Farm hiện đã làm chủ quy trình nhân giống, chăm sóc, tạo thế cho lan; với hệ thống nhà màng khép kín cùng máy móc hiện đại giúp kiểm soát tối ưu các yếu tố nhiệt độ, ánh sáng, nguồn nước đảm bảo phù hợp với sự sinh trưởng của lan ở từng giai đoạn. Từ đó, làm giảm sự lệ thuộc vào thời tiết giúp trang trại chủ động nguồn hoa cung ứng cho thị trường Tết, mang lại doanh thu hàng chục tỷ đồng mỗi năm.
Ông Nguyễn Tiến Dũng chia sẻ: Lan Hồ Điệp có thể chơi được lâu (trong khoảng từ 1,5-3 tháng) do vậy, ngay từ đầu tháng 12 âm lịch, nhiều khách hàng đã đặt mua hoa để chưng trong ngày Tết. Thị trường tiêu thụ của Mê Linh F-Farm gồm khắp các tỉnh, thành khu vực phía Bắc với giá bán dao động 170 - 180 nghìn đồng/cây tùy màu sắc, kích cỡ. Dự kiến, vụ Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm nay, trang trại Mê Linh F-Farm cung ứng ra thị trường khoảng 60.000 cây lan Hồ Điệp các loại, doanh thu đạt khoảng 1 tỷ đồng.
Để bảo đảm chất lượng, số lượng hoa cung ứng ra thị trường dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Mê Linh Nguyễn Thị Chinh khuyến cáo, người trồng hoa, các nhà vườn cần thường xuyên theo dõi diễn biến của thời tiết để có biện pháp chăm sóc phù hợp; thường xuyên kiểm tra, kịp thời phát hiện, xử lý một số bệnh, sinh vật gây hại thường gặp dịp cuối năm, như: Ruồi vàng, bọ trĩ, nhện đỏ... bằng phương pháp thủ công và các loại thuốc đặc trị để bảo đảm chất lượng hoa, cây cảnh, mang lại giá trị, thu nhập cao.
Nông dân huyện Mê Linh đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong sản xuất nông nghiệp |
Để gia tăng hiệu quả kinh tế từ hoa, cây cảnh, UBND huyện Mê Linh giao Phòng Kinh tế, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp tiếp tục phối hợp với UBND các xã tích cực tập huấn, chuyển giao khoa học, kỹ thuật trong sản xuất hoa, cây cảnh, nhằm nâng cao nhận thức và ứng dụng khoa học cho người dân.
Phó Chủ tịch UBND huyện Mê Linh Lê Văn Khương cho biết thêm, chính quyền thường xuyên quan tâm hỗ trợ các hộ, nhà vườn, hợp tác xã vay vốn ưu đãi để đầu tư mở rộng quy mô sản xuất. UBND Huyện cũng phối hợp với các sở, ngành của Thành phố tăng cường hỗ trợ đầu tư, xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ.
Bên cạnh đó, huyện Mê Linh quan tâm rà soát quy hoạch xây dựng các vùng trồng hoa, cây cảnh tập trung; cải thiện môi trường đầu tư thu hút doanh nghiệp đầu tư vào những mô hình trồng hoa, cây cảnh có ứng dụng công nghệ cao nhằm góp phần nâng cao giá trị cây hoa, nâng tỷ trọng đóng góp vào tăng trưởng kinh tế của huyện.
Báo cáo của UBND huyện Mê Linh cho thấy, nhìn chung năm 2023 sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản trên địa bàn thuận lợi; công tác chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh trên cây trồng được thực hiện tốt; chăn nuôi gia súc, gia cầm phát triển ổn định, không có dịch bệnh lớn xảy ra. Cả năm 2023, giá trị sản xuất ngành nông, lâm nghiệp và thuỷ sản ước đạt 2.011 tỷ đồng, tăng 2,5% so với cùng kỳ. |