Thủ đô tiên phong trong phát triến kinh tế số, kinh tế xanh

Hà Nội tiên phong trong phát triến kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế tri thức, trong đầu tư nghiên cứu và phát triển.
Cán bộ, Nhân dân Mê Linh thi đua phát triển kinh tế

Nhiều tín hiệu tích cực - vẫn còn nỗi lo

Theo đánh giá của UBND thành phố Hà Nội, kinh tế Thủ đô ghi nhận phục hồi tích cực sau giai đoạn bị ảnh hưởng nặng nề bởi COVID-19. Tổng sản phẩm trên địa bàn Hà Nội (GRDP) bình quân giai đoạn 2021-2024 tăng 6,21%, cao hơn khoảng 1,1 lần mức tăng của cả nước (5,66%). Mục tiêu năm 2025, GRDP của Hà Nội tăng 8%, bình quân giai đoạn 2021-2025 GRDP tăng 6,57%, cao hơn cả nước (khoảng 6%).

Thủ đô tiên phong trong phát triến kinh tế số, kinh tế xanh
Kinh tế Thủ đô ghi nhận phục hồi tích cực

Cơ cấu ngành kinh tế chuyển dịch tích cực, tăng tỷ trọng ngành dịch vụ và giảm tỷ trọng ngành nông nghiệp. Năm 2024, dịch vụ chiếm 65,6%, nông nghiệp còn 1,96% và công nghiệp - xây dựng 22,79%. Thu nhập bình quân đầu người tính theo GRDP năm 2024 đạt 163,5 triệu đồng (6.763 USD) - gấp 1,26 lần năm 2020. Kế hoạch năm 2025 đạt 175,0 triệu đồng (tăng 16,5 triệu đồng so năm 2024), cao hơn 1,5 lần của cả nước.

Thu ngân sách được đảm bảo và vượt dự toán hàng năm. Chi ngân sách được điều hành chủ động, linh hoạt, đảm bảo cân đối ngân sách các cấp; kịp thời bố trí kinh phí cho các nhiệm vụ quan trọng, cấp bách. Tái cơ cấu kinh tế được đẩy mạnh; dịch vụ tăng nhanh cả trong cơ cấu GRDP và cơ cấu lao động xã hội; phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo được chú trọng…

Thủ đô tiên phong trong phát triến kinh tế số, kinh tế xanh
Dây chuyển sản xuất tại Nhà máy Bia Hà Nội - Mê Linh.

Mạng lưới giao thông được Hà Nội tổ chức lại góp phần nâng cao năng lực vận tải hành khách công cộng. Các dự án có sử dụng đất chậm tiến độ được tích cực rà soát, xử lý dứt điểm. Môi trường đầu tư, kinh doanh được quan tâm cải thiện. Chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô được chú trọng nâng cao. Công tác đối ngoại tiếp tục được đẩy mạnh…

Bên cạnh kết quả đạt được, một số tồn tại, hạn chế cũng được chỉ rõ, như các ngành kinh tế duy trì tăng trưởng song mức tăng thấp (GRDP giai đoạn 2021-2024 tăng 6,21%) và thấp hơn khá nhiều so với mục tiêu 5 năm đề ra (7,5-8%). Dự kiến, bình quân giai đoạn 2021-2025 GRDP tăng 6,57% - không đạt kế hoạch đề ra.

Thu hút đầu tư nước ngoài chưa tương xứng với tiềm năng của Thủ đô. TP chưa có nhiều dự án đầu tư FDI trong các ngành có hàm lượng khoa học, kỹ thuật và công nghệ cao. Mức độ chuyển giao công nghệ còn chậm.

Kinh tế tri thức và kinh tế đô thị phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của Thủ đô; chưa rõ nét các mô hình kinh tế mới; việc khai thác các nguồn lực, đặc biệt là đất đai và nhân lực chất lượng cao, khoa học, công nghệ và các tập đoàn kinh tế lớn chưa hiệu quả; nhiều dự án lớn có từ trước thời điểm mở rộng địa giới hành chính Thủ đô chậm được triển khai, còn vướng mắc và khó giải quyết.

Giải bài toán kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn

Thực hiện chỉ đạo của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ, Hà Nội quyết tâm đạt mục tiêu tăng trưởng GRDP đạt 8% trở lên trong năm 2025 và phấn đấu đạt mức tăng trưởng hai con số trong giai đoạn 2026-2030. Theo Chủ tịch UBND TP Trần Sỹ Thanh: Đây là mục tiêu đầy thách thức nhưng hoàn toàn khả thi nếu chúng ta tiếp tục đổi mới tư duy và hành động quyết liệt với nỗ lực không ngừng.

Chủ tịch UBND TP Trần Sỹ Thanh cho biết, trong giai đoạn tới, Hà Nội xác định tăng trưởng dựa trên chất lượng, hiệu quả và tính bền vững, thay vì chỉ dựa vào quy mô; chuyển đổi từ mô hình tăng trưởng truyền thống sang mô hình tăng trưởng dựa vào công nghệ, đổi mới sáng tạo và hội nhập quốc tế sâu rộng.

Thủ đô tiên phong trong phát triến kinh tế số, kinh tế xanh
Hà Nội thúc đẩy kinh tế số, kinh tế xanh, phát triển bền vững

Với lợi thế từ các chính sách đặc thù và các quy hoạch mới được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Hà Nội sẽ tiên phong trong các xu hướng kinh tế hiện đại như: Kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế số, kinh tế đô thị, kinh tế chia sẻ, kinh tế sáng tạo, trí tuệ nhân tạo…

Từ quan điểm trên, Chủ tịch UBND TP Trần Sỹ Thanh cho biết Hà Nội sẽ tập trung đẩy mạnh chuyển đổi số toàn diện; phấn đấu hoàn thiện hạ tầng số, xây dựng cơ sở dữ liệu lớn (big data) để phục vụ quản lý và phát triển kinh tế, đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng công nghệ số nâng cao năng lực cạnh tranh.

Thủ đô tiên phong trong phát triến kinh tế số, kinh tế xanh
Mô hình trang trại chăn nuôi gia cầm quy mô lớn, sản xuất theo chuỗi liên kết, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ cao, tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương.

Tăng cường đổi mới sáng tạo và nghiên cứu phát triển (R&D); đầu tư mạnh vào giáo dục, khoa học công nghệ, kết nối các viện nghiên cứu với doanh nghiệp để tạo ra các sản phẩm mang thương hiệu Hà Nội vươn ra thế giới;

Thúc đẩy hội nhập quốc tế; Tận dụng các hiệp định thương mại tự do (FTA), mở rộng thị trường xuất khẩu, thu hút đầu tư nước ngoài vào các lĩnh vực công nghệ cao, công nghiệp xanh và dịch vụ chất lượng cao, tận dụng tối đa các cơ chế đặc thù từ Luật Thủ đô năm 2024.

TP Hà Nội cũng sẽ đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; chú trọng đào tạo kỹ năng số, AI, ngoại ngữ và tư duy sáng tạo cho người lao động, đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế hiện đại. Đồng thời tiếp tục cải cách thể chế và cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hướng tới mục tiêu xây dựng "chính quyền phục vụ - doanh nghiệp cống hiến - xã hội niềm tin - người dân hạnh phúc".

Thúc đẩy phát triển của các DNNN thuộc UBND Thành phố

UBND TP. Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch số 100/KH-UBND về triển khai thực hiện Chỉ thị số 09/CT-TTg ngày 21/3/2025 của Thủ tướng Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp của doanh nghiệp nhà nước góp phần tăng trưởng kinh tế hai con số, phát triển đất nước nhanh và bền vững.

Theo đó, UBND Thành phố xây dựng Kế hoạch nhằm xác định rõ nhiệm vụ và sứ mệnh của doanh nghiệp nhà nước (DNNN) là thúc đẩy cho nền kinh tế Thủ đô nói riêng, cả nước nói chung phát triển nhanh, mạnh mẽ hơn nữa nhưng phải bền vững, góp phần thực hiện 02 mục tiêu chiến lược 100 năm là phấn đấu đến năm 2030 kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng, Việt Nam trở thành nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại và tới năm 2045 kỷ niệm 100 năm thành lập nước là nước phát triển, thu nhập cao.

Đồng thời, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, thúc đẩy đầu tư phát triển của các DNNN thuộc UBND Thành phố, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội năm 2025 của Thủ đô và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế hai con số, phát triển đất nước nhanh và bền vững trong những năm tiếp theo.

Vũ Cường
Phiên bản di động