Thông điệp đẹp của thể thao Việt Nam

4 môn thể thao được Việt Nam bổ sung vào danh sách thi đấu trong khuôn khổ SEA Games 31... đều dành cho các đoàn khác chứ không phải Việt Nam...
Thông điệp đẹp của thể thao Việt Nam
Môn jujitsu có nhiều cơ hội phát triển tại Việt Nam khi xuất hiện trong chương trình thi đấu của SEA Games 31

Cả 4 môn được bổ sung vào danh sách thi đấu trong khuôn khổ SEA Games 31 - năm 2021 tại Việt Nam (gồm triathlon - ba môn phối hợp bơi - đạp xe - chạy; võ jujitsu; thể thao điện tử; bowling) đều được đánh giá là sẽ mang về nhiều Huy chương vàng (HCV) cho các đoàn khác chứ không phải Việt Nam.

Sự lựa chọn khó khăn

Sau khi công bố danh sách 36/40 môn thi đấu tại SEA Games 31, nước chủ nhà Việt Nam đã bỏ ngỏ “tên tuổi” 4 môn còn lại. Chính vì thế, đã xuất hiện cuộc đua “định danh” 4 môn này. Đã có hơn 20 môn được các quốc gia Đông Nam Á đề xuất bổ sung, trong số này có cả những môn mà Việt Nam vừa giành HCV tại SEA Games 30 và hoàn toàn có lý do để đưa vào chương trình thi đấu của SEA Games 31, đơn cử như võ gậy - môn thi đấu mà Việt Nam đã giành 4 HCV tại SEA Games 30.

Cuối cùng, những môn không phải thế mạnh của thể thao Việt Nam đã được đưa vào danh sách 4 môn cuối cùng trong danh sách các môn thi đấu tại SEA Games 31, gồm triathlon, võ jujitsu, thể thao điện tử, bowling. Đáng chú ý, tại SEA Games 30, Đoàn thể thao Việt Nam đã góp mặt ở 4 môn này nhưng đều không giành được HCV.

Trong số 4 môn nói trên, triathlon nằm trong chương trình thi đấu của Olympic nhưng mới phát triển ở Việt Nam. Tại SEA Games 30, đội tuyển Triathlon tham dự bằng nguồn kinh phí xã hội hóa chỉ giành 1 HCĐ, được đánh giá là phù hợp với thực lực của đội tuyển. Hay như đội tuyển jujitsu cũng chỉ có thể giành 1 HCB.

Trong khi đó, tại Đông Nam Á, triathlon là môn thế mạnh của thể thao Philippines. Tại SEA Games 30, đội triathlon Philippines đã giành 4/6 HCV. Đến SEA Games 31, sự áp đảo của các vận động viên Philippines ở môn này có lẽ cũng không thay đổi. Còn jujitsu là mũi nhọn của thể thao Thái Lan, quốc gia sẽ cạnh tranh vị trí số 1 toàn đoàn với Việt Nam tại SEA Games 31. Trong khi đó, môn bowling là thế mạnh lâu nay của Malaysia...

Câu chuyện đường dài

Việc có thêm 4 môn trong chương trình thi đấu SEA Games 31 đã nâng tổng số môn thể thao của Đại hội lên con số 40, với 520 nội dung thi đấu. Theo tính toán, sẽ có 22 bộ huy chương ở 4 môn mới nói trên và nhiều khả năng thể thao Việt Nam chỉ giành được từ 2 đến 4 HCV trong số đó.

Giới chuyên môn chung nhận định rằng, ở nhóm 4 môn trên, các vận động viên Việt Nam rất khó đoạt HCV tại SEA Games 31. Đơn cử như ở môn triathlon với 4 bộ huy chương cá nhân, tất cả các nội dung thi đấu đều là thế mạnh của đoàn Philippines. Theo ông Dương Đức Thủy, phụ trách bộ môn điền kinh (Tổng cục Thể dục thể thao), lãnh đội triathlon Việt Nam tại SEA Games 30, Đoàn thể thao Việt Nam khó có hy vọng giành ngôi vô địch tại các nội dung thi đấu môn này.

Phân tích cụ thể nói trên cho thấy rõ thông điệp "chơi đẹp" của thể thao Việt Nam khi đăng cai SEA Games 31. Đó là điều đáng được tôn trọng bởi từ nhiều năm qua, SEA Games vẫn bị mang tiếng là “cuộc chơi riêng của những nước chủ nhà”. Ở đó, nước chủ nhà thường gạt bỏ những môn hoặc nội dung thế mạnh của các nước khác, đưa vào những môn hoặc nội dung thi đấu thế mạnh của mình để có thể dễ dàng giành ngôi Nhất toàn đoàn. Còn lần này, rõ ràng là thể thao Việt Nam đã thể hiện cách tiếp cận khách quan, công bằng dù biết mình sẽ thất thế trong cuộc đua giành HCV ở 4 môn mới được bổ sung - điều có thể ảnh hưởng đến cuộc đua đến ngôi số 1 toàn đoàn.

Nhìn tổng thể, việc đưa các môn vốn không phải là thế mạnh vào chương trình thi đấu SEA Games 31 mang ý nghĩa đường dài, góp phần nâng cao vị thế của thể thao Việt Nam. Như trường hợp môn jujitsu có lịch sử phát triển khoảng 10 năm qua ở Việt Nam, dù không đem lại thành tích cao ngay lập tức nhưng việc môn này “có tên” tại SEA Games 31 góp phần thúc đẩy phong trào tập luyện jujitsu.

Tại Việt Nam, môn triathlon mới phát triển được khoảng 5 năm, đang chứng tỏ tiềm năng. Việc xuất hiện tại SEA Games 31 đương nhiên sẽ giúp triathlon được biết tới nhiều hơn. Đó là chưa kể thể thao điện tử đang chứng tỏ tiềm năng phát triển và cần thêm cú hích từ SEA Games 31 để có vị thế tốt.

Thể thao Việt Nam không tận dụng ưu thế chủ nhà để áp đặt danh sách các môn, nội dung thi đấu thế mạnh. Điều đó đã được chứng minh qua việc chọn 4 môn cuối cùng góp mặt tại SEA Games 31. Tạo ra sân chơi khu vực Đông Nam Á minh bạch, thúc đẩy phong trào luyện tập thể thao trong nước, đó là mục tiêu quan trọng của thể thao Việt Nam trong lần tổ chức SEA Games 31.

Vượt qua ảnh hưởng của COVID-19, thể thao Việt Nam có một năm 2020 đầy ắp hoạt động Vượt qua ảnh hưởng của COVID-19, thể thao Việt Nam có một năm 2020 đầy ắp hoạt động

Thực hiện mọi biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trong công tác huấn luyện, đào tạo và triển khai các giải đấu, thể thao Việt ...

Nguồn: HàNộiMới
www.hanoimoi.com.vn
Phiên bản di động