Thiếu trầm trọng nguồn nhân lực chất lượng cao ngành logistics

Trong vài năm trở lại đây, logistics trở thành ngành hot của giới trẻ bởi nhu cầu tuyển dụng cao. Vậy nhưng, chỉ có khoảng 10% nhân sự có kỹ năng đáp ứng được công việc, số còn lại phải đào tạo qua công việc hàng ngày tại doanh nghiệp.
Điểm chuẩn ngành công nghệ, logistics, thương mại điện tử cao Đề xuất giải pháp tạo sức bật cho Đà Nẵng phát triển logistics tuyến hành lang Đông - Tây T&T Group và đối tác Singapore nghiên cứu đầu tư dự án Logistics trên 70 ha tại Long An

Nhu cầu tuyển dụng và đào tạo “cực lớn””

Logistics và quản lý chuỗi cung ứng là ngành nghiên cứu, phát triển và quản trị các dịch vụ vận chuyển trong quá trình sản xuất kinh doanh. Ngành logistics và quản lý chuỗi cung ứng có mặt tại Việt Nam trong khoảng 30 năm trở lại đây với tốc độ phát triển vô cùng ấn tượng, lên đến 35 – 40%. Số lượng của Bộ Công Thương cho thấy, hiện logistics Việt Nam đang xếp thứ 60 trên thế giới, với tỷ trọng đóng góp vào GDP đạt 5-6%.

PGS.TS Hồ Thị Thu Hòa (Viện trưởng Viện Nghiên cứu và phát triển Logistic Việt Nam), người gắn bó nhiều năm trong ngành logistics cho hay, Việt Nam có khoảng 4.000 công ty có dịch vụ kết nối quốc tế. Đặc biệt, từ sau khi dịch Covid -19 xảy ra, doanh nghiệp càng có nhu cầu tuyển dụng nhân sự chất lượng cao trong lĩnh vực quản lý chuỗi cung ứng, vận tải hàng hóa.

TS. Hồ Thị Thu Hòa cho hay, hiện hệ đào tạo bậc Đại học có 45 trường có ngành logistics; 54 trường Cao Đẳng và 11 trường Trung cấp có chương trình đào tạo logistics. Ngành này chủ yếu được đào tạo tại các trường khối kinh tế như Đại học Giao thông vận tải TP. Hồ Chí Minh, Đại học Ngoại thương, Đại học Quốc tế – ĐHQG TP.HCM, Đại học RMIT, Đại học Kinh tế TP.HCM, Đại học Tài chính – Marketing, Đại học Kinh tế Quốc dân, Đại học Thương Mại…

Thiếu trầm trọng nguồn nhân lực chất lượng cao ngành logistics
Ảnh minh họa

Tại một cuộc hội thảo mới đây, PGS.TS. Trịnh Thị Thu Hương, Phó Chủ tịch Hiệp hội Logistics Việt Nam, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế và kinh doanh quốc tế (Đại học Ngoại Thương) chia sẻ, logistics song hành phát triển cùng với thương mại điện tử trong 2 năm qua. Bởi vậy, số lượng sinh viên đăng ký tuyển sinh vào ngành này trong mấy năm gần đây tăng vọt, cho thấy nhu cầu đào tạo “cực lớn””. Điều này minh chứng khi điểm chuẩn ngành logistics các năm trở lại đây cao “chót vót”. Ví dụ, ngành này ở Đại học Ngoại Thương năm 2022 có điểm chuẩn là 28,5 điểm; Đại học Thương Mại là 27 điểm; Đại học Kinh tế Quốc dân là 28,2 điểm.

Khan hiếm nhân lực chất lượng cao

Điểm tuyển sinh đầu vào các trường đại học cao là vậy nhưng “chất lượng” “đầu ra” lại khiến các doanh nghiệp “đau đầu”. Chị Nguyễn Châu Thanh, quản lý tại Công ty Cổ phần giao nhận VNT đã từng trải qua cảm giác “tìm mãi không được người”. Theo chị Thanh, các bạn trẻ ngành logistics được đào tạo trong trường hiện vẫn “nghiêng” về lý thuyết nhiều. Đánh giá về các kỹ năng, chị Thanh cho rằng, khả năng tiếng Anh lưu loát, thuyết trình của các bạn trẻ bây giờ thì hơn hẳn thế hệ 7X, 8X trước đây, nhưng các kỹ năng về chuyên môn chính như quản lý vận đơn, xuất chứng từ, CO, khai báo hải quan…thì lại rất kém và đa số khi tuyển dụng, công ty chị đều phải đào tạo lại 100%.

Thiếu trầm trọng nguồn nhân lực chất lượng cao ngành logistics
Một buổi đào tạo nhân sự logistics trẻ tại Công ty VNT

Ông Trương Tấn Lộc, đại diện Tân Cảng Sài Gòn khẳng định, nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực Logistics tại Việt Nam đang thiếu trầm trọng, chỉ 10% đáp ứng được nhu cầu, còn lại đều phải đào tạo tại các doanh nghiệp.

PGS.TS. Trịnh Thị Thu Hương cho biết, để nâng cao kỹ năng “thực chiến” của sinh viên, thông thường, một số trường hiện nay có liên kết với các doanh nghiệp. Việc để các em trực tiếp tham gia vào các công đoạn của quy trình vận hành, giao nhận hàng hóa, vận hành kho, quản lý kho, điều phối vận tải… sẽ giúp sinh viên có thêm kinh nghiệm. Chị cũng nhận thấy, các doanh nghiệp logistics khi tuyển dụng thường chú trọng và đánh giá cao nhân sự có kỹ năng sáng tạo, kỹ năng chuyển đổi số, tư tuy phản biện, kỹ năng ngoại ngữ, kỹ năng thiết lập mối quan hệ, kỹ năng làm việc độc lập, làm việc nhóm…Thế hệ GenZ thích giao tiếp xã hội, thích mới mẻ và đa nhiệm vụ sẽ nguồn nhân sự tiềm năng.

“Tuy vậy, ngành này có sự đào thải cao, nên dù làm ở đâu, kỹ năng học hỏi, tích cực trau dồi nghiệp vụ vẫn luôn là yếu tố để các bạn trẻ “ghi điểm’’ và tồn tại ở các doanh nghiệp logistics”- PGS.TS. Trịnh Thị Thu Hương nhấn mạnh.

T.Sơn
Phiên bản di động