Thi vào lớp 10: Một số sai lầm cần tránh khi làm bài Toán thực tế
Thông tin mới nhất về tuyển sinh lớp 10 tại Hà Nội Bị tố "ép" học sinh yếu, kém bỏ thi vào lớp 10, nhà trường nói gì? Phụ huynh Hà Nội phải làm đơn xin "tự nguyện không cho con thi vào lớp 10" |
4 dạng thức thường gặp
Dạng bài toán thực tế chiếm phần lớn trong đề thi môn Toán vào lớp 10 vì thế, rất cần học sinh nắm chắc kiến thức, tránh những sai lầm thường gặp khi làm bài.
Theo cô giáo Thạch Thị Nhân - giáo viên môn Toán tại Hệ thống Giáo dục HOCMAI: Cấu trúc đề thi môn Toán thường bao gồm 8 câu, trong đó có 2 câu thuộc phần Đại số, 1 câu thuộc phần Hình học, 5 câu còn lại thuộc phần Toán thực tế.
Trong đó, dạng toán thực tế thường gặp thứ nhất là hàm số bậc nhất y=ax+b. Ở dạng toán này, đề bài thường hỏi theo 2 kiểu. Kiểu thứ nhất, đề bài sẽ cho sẵn hệ số a, b. Đây là dạng bài đơn giản, các em chỉ cần thay hệ số a, b vào để giải bài toán.
Kiểu thứ hai yêu cầu xác định hệ số a,b. Thông thường, đề bài sẽ cho sẵn 2 đồ thị hàm số, và đồ thị hàm số sẽ đi qua 2 điểm. Muốn xác định hệ số a,b, các em chỉ cần thay lần lượt 2 điểm đó vào hàm số.
Dạng toán thực tế thứ hai liên quan tới các bài toán tính tiền, tỉ lệ phần trăm hoặc lãi suất ngân hàng. Ở dạng bài này, các em cần nhớ được các công thức tăng giá, giảm giá. Sau đó, chỉ cần đọc và phân tích thật kĩ câu hỏi là sẽ dễ dàng giải quyết được vấn đề.
Dạng toán thực tế thứ ba là các bài toán liên quan đến tới lập phương trình hoặc lập hệ phương trình. Nếu bài hỏi 1 yếu tố thì đưa về lập phương trình, bài hỏi 2 yếu tố thì đưa về dạng lập hệ phương trình. Bài toán này thường kết hợp với các chủ đề như tính tiền, tỉ lệ phần trăm,... Các em phải biết kết hợp với nhau để làm bài thật tốt.
Ngoài ra, thêm một dạng nữa là các bài toán thực tế hình học, bao gồm các nội dung liên quan đến hình không gian, diện tích hình tròn, chu vi hình tròn, diện tích hình quạt, độ dài cung. Phần này khá đơn giản, các em chỉ cần nắm được công thức của hình không gian. Bên cạnh đó, các em cũng cần nắm chắc được khái niệm về thể tích, diện tích xung quanh để làm được bài.
Tránh mất điểm đáng tiếc
Cô giáo Thạch Thị Nhân cũng chỉ ra một số sai lầm mà học sinh thường gặp khi làm bài thực tế môn Toán. Phổ biến nhất là quên không đổi đơn vị, kết quả không làm tròn theo yêu cầu của đề...
Vì thế, học sinh cầng chú ý đọc kĩ đề bài và ngay bây giờ hãy tự học tập và rèn luyện thật nhiều. Cách tốt nhất hiện giờ là hãy tập trung cho việc luyện đề. Trước hết, hãy tự giải đề thi trong 2 năm gần đây nhất. Sau đó, hãy tìm thêm nhiều đề tham khảo để rèn luyện thêm.
Qua quá trình luyện đề, học sinh sẽ tổng kết lại được những dạng bài thường gặp, bên cạnh đó, các em sẽ tích lũy thêm kinh nghiệm cho bản thân, tìm ra và tránh được những lỗi sai thường gặp.
"Đây là thời điểm gấp rút, đòi hỏi các em phải có kế hoạch và lộ trình ôn luyện phù hợp, do đó, hãy chủ động tìm ra phương pháp và hình thức học tập phù hợp. Có như vậy, các em mới tự tin ghi nhớ kiến thức và dễ dàng vượt qua kì thi", cô Nhân chia sẻ.
Theo nữ giáo viên, những phần kiến thức còn thiếu và yếu, học sinh hãy dành thời gian ôn luyện nhiều hơn.
Trong quá trình luyện đề, học sinh hãy đặt mình vào áp lực phòng thi, không sử dụng tài liệu và làm bài trong vòng 120 phút. Có thể nhờ thầy cô chấm điểm để sửa lỗi, từ đó hoàn thiện hơn các kĩ năng làm bài khi đi thi.
Bên cạnh đó, học sinh cần chú ý tới sức khỏe, không ôn luyện quá sức, nghỉ ngơi và ăn uống đầy đủ để đảm bảo có được sức khỏe tốt nhất cho kì thi.