Thay đổi tư duy, tầm nhìn, đưa Hà Nội thành trung tâm văn hóa lớn của cả nước
Chủ trì hội nghị có các đồng chí: Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn ĐBQH TP Hà Nội; Nguyễn Thị Tuyến, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy; Chu Ngọc Anh, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND TP; Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP; Nguyễn Văn Phong, Phó Bí thư Thành ủy.
Tham dự buổi làm việc có Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thủy; Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Bùi Huyền Mai; Phó Chủ tịch UBND thành phố Chử Xuân Dũng
Văn hóa Hà Nội đã được quan tâm, đầu tư nhiều nội dung
Báo cáo với Thường trực Thành ủy, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Trần Thế Cương cho biết: năm 2020 và 2 tháng đầu năm 2021, Sở đã bám sát sự chỉ đạo của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Thành ủy, HĐND, UBND thành phố, Đảng ủy Khối các cơ quan thành phố Hà Nội để xây dựng kế hoạch, triển khai thực hiện các chương trình công tác có trọng tâm, trọng điểm.
Trong đó, Sở đã tham mưu, báo cáo UBND thành phố về việc sửa đổi Quy chế quản lý bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh trên địa bàn thành phố phù hợp với tình hình thực tế; Rà soát, hoàn thiện đề án sắp xếp lại các đơn vị nghệ thuật theo hướng tinh gọn hiệu quả; Đã tham gia thực hiện tu bổ, tôn tạo 179 di tích với tổng kinh phí hơn 1.546 tỷ đồng, trong đó có gần 468 tỷ đồng kinh phí xã hội hóa.
Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Trần Thế Cương phát biểu tại buổi làm việc |
Các chỉ số về phong trào thể dục, thể thao quần chúng năm 2020 trên địa bàn thành phố đều hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Tỷ lệ dân số tập luyện thể thao thường xuyên đạt 42%, số gia đình thể thao đạt 30%. Thể thao Hà Nội mặc dù bị thay đổi, dừng nhiều kế hoạch tập huấn trong nước, quốc tế do dịch Covid-19, nhưng vẫn duy trì vị trí dẫn đầu toàn quốc, đạt 2.134 huy chương trong nước và 19 huy chương quốc tế.
Tuy nhiên, lĩnh vực văn hóa của Hà Nội vẫn chưa tương xứng, chưa đáp ứng được hết mong mỏi: “Hà Nội là trung tâm văn hóa lớn của cả nước”.
Thời gian tới, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội xác định 5 nhóm nhiệm vụ trọng tâm tập trung thực hiện. Đáng chú ý, Sở sẽ hoàn thiện dự án trưng bày Bảo tàng Hà Nội; Xây dựng cơ sở dữ liệu văn hóa Thăng Long - Hà Nội trên nền tảng công nghệ 4.0; Tham mưu Thành ủy xây dựng và tổ chức thực hiện Chương trình số 06-CTr/TU của Thành ủy; Tham mưu UBND thành phố các chương trình, kế hoạch thực hiện cam kết với Tổ chức giáo dục, khoa học và văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO), của thành phố Hà Nội khi tham gia mạng lưới các thành phố sáng tạo; Triển khai chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Thủ đô.
Ngành Văn hóa và Thể thao Hà Nội cũng đặt mục tiêu hoàn thành công tác chuẩn bị cơ sở vật chất, tổ chức thi đấu tại SEA Games 31 và ASEAN Para Games 11; Phấn đấu đóng góp 30% lực lượng và 30% huy chương cho thể thao Việt Nam tại Đại hội.
Quang cảnh buổi làm việc |
Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thủy đề nghị TP Hà Nội rà soát tăng cường quản lý các di tích, danh lam, thắng cảnh trên địa bàn, nâng giá trị hệ thống các danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử của Hà Nội, từ đó nâng cao giá trị di sản Hà Nội, phát triển ngành du lịch sau khi dịch bệnh được kiểm soát.
Bà Thủy cũng đề nghị Hà Nội quan tâm khẩn trương hoàn thiện báo cáo về Dự án điện Kính Thiên, đánh giá sâu sắc về sự cần thiết, kết quả thực hiện nhiệm vụ này và các giải pháp cụ thể để Bộ báo cáo Thủ tướng, UNESCO sớm triển khai trong thời gian tới.
Thành phố tăng cường chỉ đạo các tiêu chí về văn hóa gắn với xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh; Cập nhật bổ sung các tiêu chí mới phù hợp, thực chất, hiệu quả, tránh tình trạng nhiều danh hiệu văn hóa không tương xứng với mong muốn của người dân. TP cũng cần quan tâm tạo chuyển biến trong văn hóa giao thông; Nâng cao quản lý thiết chế thể thao trên địa bàn, không để lãng phí, đặc biệt hiệu quả hoạt động của Bảo tàng Hà Nội, đưa Bảo tàng Hà Nội trở thành thiết chế trung tâm của thành phố.
Đồng thời, Hà Nội quan tâm chỉ đạo phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn, rà soát lại quy hoạch quảng cáo ngoài trời phù hợp với quy hoạch đô thị…
Đổi mới tư duy quản lý văn hóa
Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ phát biểu kết luận buổi làm việc |
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ nhấn mạnh, Đảng ta đã xác định phát triển văn hóa là trung tâm, là nền tảng tinh thần của xã hội. Đối với Hà Nội - TP ngàn năm văn hiến, thành phố anh hùng, hòa bình, sáng tạo… thì yếu tố văn hóa càng đóng vai trò quan trọng.
Văn kiện Đại hội XVII Đảng bộ TP Hà Nội đã xác định văn hóa là nguồn lực nội sinh quan trọng để xây dựng Thủ đô phát triển bền vững. Chính vì thế, buổi làm việc giữa Thường trực Thành ủy với Sở Văn hóa và Thể thao nhằm giúp lãnh đạo TP có thêm luận cứ thực tiễn để xây dựng, ban hành Chương trình số 06 của Thành ủy về phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực… một cách thực chất, hiệu quả. Đồng thời để ngành Văn hóa và Thể thao Thủ đô xác định rõ vai trò của mình trong quá trình phát triển.
Cơ bản đồng tình với các đánh giá về kết quả của ngành văn hóa trong năm qua, Bí thư Thành ủy cũng yêu cầu ngành cần tập trung phân tích kỹ hơn những hạn chế yếu kém, nhất là công tác quản lý Nhà nước với ngành văn hóa, du lịch; Hệ thống thiết chế văn hóa trên địa bàn thành phố… Từ đó, phân tích rõ các nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan, tập trung tháo gỡ để tạo nên những chuyển biến mới trong năm 2021.
Sở Văn hóa và Thể thao cần bám sát các quan điểm, mục tiêu trong Nghị quyết của Đảng, Thành ủy để có quyết sách thực hiện tốt các nhiệm vụ; Quan tâm tới các thể chế, chính sách, quy chế hoạt động; Trước mắt, phân công ngay 1 phó giám đốc phụ trách thể thao để chỉ đạo điều hành công tác chuẩn bị cho SEA Games 31.
Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ cho biết thành phố đã yêu cầu rà soát các quỹ đất cho công viên, cây xanh… để cải tạo, bố trí dụng cụ thể dục thể thao cho người dân. Cùng với đó, TP sẽ hỗ trợ xây dựng hơn 280 nhà văn hóa thôn, mỗi nhà 3 tỷ đồng. Do vậy, các quận, huyện đơn vị cần tập trung huy động nguồn lực, phối hợp cùng thành phố hoàn thành các nhiệm vụ, mục tiêu trên; Tăng cường huy động xã hội hóa trong cải tạo vận hành các di tích văn hóa lịch sử trên địa bàn, đặc biệt là các di tích lịch sử cách mạng.
Bí thư Thành ủy cũng yêu cầu ngành văn hóa có chương trình chuyển đổi số trong các lĩnh vực của ngành để nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước trong các hoạt động văn hóa, thể thao; Tạo chuyển biến tích cực; Phát huy tiềm năng, thế mạnh của ngành văn hóa Thủ đô...