Tháo gỡ vướng mắc về chính sách để phát triển thiết chế văn hóa

Sáng 12/5, tại tỉnh Quảng Ninh, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục chủ trì, phối hợp với Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, tỉnh Quảng Ninh tổ chức Hội thảo Văn hóa năm 2024 với chủ đề “Chính sách và nguồn lực cho phát triển thiết chế văn hóa, thể thao”.
Sắp tổ chức hội thảo về phát triển thiết chế văn hóa, thể thao Quận Nam Từ Liêm: Phát huy hiệu quả các thiết chế văn hóa Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo nâng cao hiệu quả các thiết chế văn hóa

Đầu tư cho thiết chế văn hóa, thể thao còn hạn chế

Dự hội thảo có các Ủy viên Bộ Chính trị: Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận T.Ư Nguyễn Xuân Thắng; các Ủy viên BCH T.Ư Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký.

Ngoài ra, hội thảo còn có gần 300 đại biểu Ủy viên BCH T.Ư Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các đại biểu Quốc hội, đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành, cơ quan quản lý thiết chế văn hóa, thể thao ở trung ương và thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở... tham dự.

Khai mạc hội thảo, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh nhấn mạnh, hội thảo sẽ tập trung rà soát, phân tích, đánh giá tình hình triển khai thực hiện các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao, công tác quy hoạch, đầu tư xây dựng, quản lý và sử dụng thiết chế văn hóa, thể thao, việc bố trí, huy động các nguồn lực cho phát triển thiết chế văn hóa, thể thao, nghiên cứu các kinh nghiệm quốc tế.

Tháo gỡ vướng mắc về chính sách để phát triển thiết chế văn hóa

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh phát biểu khai mạc hội thảo

Phát biểu đề dẫn hội thảo, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng nhận định trải qua gần 40 năm đổi mới, hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao đã phát triển tương đối toàn diện và đồng bộ, rộng khắp từ trung ương tới cơ sở, từ các đô thị cho đến những vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa và vùng biên giới hải đảo.

Hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao được quan tâm đầu tư xây dựng ngày càng khang trang trên cả nước, tiếp tục được nâng cấp hiện đại hơn, một số cơ sở tiệm cận với các tiêu chuẩn quốc tế. Tuy nhiên, bên cạnh đó, hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao hiện còn nhiều bất cập. Kinh phí đầu tư hạn chế, chỉ "nhỏ giọt, ăn đong", trang thiết bị lạc hậu, quỹ đất ít ỏi. Một số thiết chế văn hóa, thể thao dù đã được đầu tư rất tốn kém nhưng lại hoạt động kém hiệu quả, gây lãng phí lớn...

Tháo gỡ vướng mắc về chính sách để phát triển thiết chế văn hóa
Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng phát biểu

Tập trung giải quyết 5 nhóm vấn đề

Tại Hội thảo, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng nêu một số vấn đề cần làm rõ gồm:

Thứ nhất, nhận thức, quan điểm về thiết chế văn hóa, thể thao;

Thứ hai, phát triển thiết chế văn hóa, thể thao từ góc độ chính sách và nguồn lực;

Thứ ba, đề xuất một số giải pháp về chính sách và nguồn lực cho phát triển thiết chế văn hóa, thể thao.

Theo Bộ trưởng, về nhận thức, quan điểm, Nghị quyết số 33-NQ/TW xác định rõ nhiệm vụ "Xây dựng, hoàn thiện đi đôi với nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các thiết chế văn hóa. Tạo điều kiện để nhân dân chủ động tổ chức các hoạt động văn hóa cộng đồng".

Để đảm bảo nguồn lực cho lĩnh vực văn hóa, Nghị quyết số 33-NQ/TW cũng nêu rõ giải pháp "Xây dựng cơ chế, chính sách ưu đãi về đất, tín dụng, thuế và phí đối với các cơ sở đào tạo và thiết chế văn hóa do khu vực tư nhân đầu tư, đặc biệt là ở vùng còn khó khăn".

Tại Hội thảo, sau khi các đại biểu gồm các nhà khoa học, chuyên gia văn hóa, đại diện các địa phương đã tham gia thảo luận, góp ý về tháo gỡ bất cập về đầu tư, chính sách, sử dụng thiết chế văn hóa...., Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã phát biểu bế mạc Hội thảo.

Tháo gỡ vướng mắc về chính sách để phát triển thiết chế văn hóa
Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh 5 vấn đề cần tập trung 5 nhóm vấn đề cần giải quyết để phát triển thiết chế văn hóa, thể thao.

Theo ông Trần Thanh Mẫn, Hội thảo đã nhận định, thảo luận và thống nhất các giải pháp nhằm hoàn thiện thể chế, chính sách và bảo đảm nguồn lực cho phát triển thiết chế văn hóa, thể thao, tập trung 5 nhóm vấn đề:

Một là về hoàn thiện thể chế, chính sách: Xây dựng mục tiêu và lộ trình thích hợp để hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật quy định về thiết chế văn hóa, thể thao đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất, khả thi; Rà soát các văn bản pháp luật, bổ sung, sửa đổi các quy định pháp luật có liên quan để làm rõ khái niệm và nội hàm "thiết chế văn hóa, thể thao", "cơ sở văn hóa, thể thao" làm cơ sở để xây dựng và áp dụng các chính sách đầu tư, quản lý, khai thác, vận hành và thuận tiện trong việc xây dựng, tích hợp quy hoạch mạng lưới thiết chế văn hóa, thể thao trong cả nước; Nghiên cứu hoàn thiện chính sách đầu tư phát triển và vận hành hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao, bao gồm chính sách đầu tư công, chính sách đầu tư theo phương thức đối tác công - tư và chính sách xã hội hóa; chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư, nhất là về đất đai, thuế, vốn tín dụng trong việc xây dựng các cơ sở văn hóa, thể dục thể thao để khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển.

Hai là về quy hoạch thiết chế văn hóa, thể thao: Hoàn thiện quy hoạch theo hướng đồng bộ, hiện đại, bản sắc, hiệu quả, bảo đảm công bằng và đáp ứng nhu cầu của Nhân dân; bố trí quỹ đất cho các thiết chế văn hóa, thể thao tại vị trí thuận lợi, phù hợp với điều kiện thực tế; quan tâm xây dựng, phát triển thiết chế văn hóa, thể thao cho thanh niên, trẻ em, người lao động, người khuyết tật, người cao tuổi; Bổ sung các chỉ tiêu cụ thể về phát triển thiết chế văn hóa, thể thao vào nội dung quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; Tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chỉ tiêu trong chiến lược, quy hoạch, đề án liên quan đến thiết chế văn hóa, thể thao.

Ba là tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn: Đổi mới nội dung, phương thức tổ chức, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động; Xây dựng và nhân rộng mô hình tổ chức hoạt động tiêu biểu, phù hợp với vùng miền, đối tượng, lứa tuổi; Xây dựng chính sách ưu tiên ở vùng miền núi, hải đảo, biên giới, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số; Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, giám sát đối với tài sản công nói chung và tài sản công ở các thiết chế văn hóa, thể thao nói riêng.

Bốn là ưu tiên bố trí kinh phí có trọng tâm, trọng điểm, theo lộ trình, mục tiêu cụ thể:Tăng dần mức chi ngân sách nhà nước cho phát triển văn hóa nói chung, phát triển thiết chế văn hóa, thể thao nói riêng; Thúc đẩy hoạt động liên kết trong việc sử dụng cơ sở vật chất đã được Nhà nước đầu tư; Coi trọng và thực hiện xã hội hóa với phương châm "Nhà nước và nhân dân cùng làm"; huy động nguồn lực tham gia xây dựng thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở.

Năm là tiếp tục rà soát, hoàn thiện các quy định về tiêu chí, điều kiện sắp xếp: Tổ chức lại bộ máy, bảo đảm tinh gọn, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động; Nghiên cứu, sửa đổi chế độ đãi ngộ đối với đội ngũ văn nghệ sĩ, diễn viên tham gia hoạt động các loại hình nghệ thuật truyền thống; Thực hiện quy hoạch, tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng công chức, viên chức đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; Đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực; khuyến khích đào tạo, phát triển nguồn nhân lực trẻ chất lượng cao.

Sau hội thảo, Ban Tổ chức sẽ xây dựng báo cáo tổng kết đầy đủ về nội dung Hội thảo và các kiến nghị gửi tới Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ, các bộ ngành có liên quan.

Thái Sơn
Phiên bản di động