Thanh tra Chính phủ phát hiện vi phạm kinh tế trên 198 nghìn tỷ đồng
Thanh tra lĩnh vực năng lượng, phát hiện vi phạm kinh tế hơn 15 nghìn tỷ đồng Chính phủ đề xuất kéo dài chương trình phục hồi kinh tế đến hết năm 2025 |
Thanh tra Chính phủ vừa có báo cáo kết quả giải quyết và trả lời kiến nghị cử tri sau kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV.
Theo đó, trong báo cáo, cử tri có phản ánh tình trạng vi phạm pháp luật trong lĩnh vực y tế, tài chính, chứng khoán, bất động sản..., đề nghị các cơ quan chức năng có thẩm quyền tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện tranh để tình trạng vi phạm pháp luật trong thời gian vừa qua.
Trả lời về nội dung này, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong cho biết, thời quan qua, cơ quan thanh tra đã chú trọng nâng cao chất lượng và đẩy nhanh tiến độ các cuộc thanh tra, nhất là các cuộc thanh tra đột xuất.
Qua thanh tra đã chấn chỉnh, khắc phục những bất cập, sơ hở trong quản lý, chỉ đạo điều hành và trong việc ban hành chính sách pháp luật; phát hiện, kiến nghị xử lý nghiêm đối với các hành vi vi phạm pháp luật, đảm bảo khách quan, chính xác và đúng pháp luật.
Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong. |
Tổng Thanh tra Chính phủ cho biết, trong 9 tháng năm 2023, toàn ngành đã triển khai 7.169 cuộc thanh tra hành chính và 146.890 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành.
Qua thanh tra đã phát hiện vi phạm về kinh tế 198.665 tỷ đồng, 495ha đất. Trong đó, kiến nghị thu hồi 155.548 tỷ đồng và 56ha đất; xuất toán, loại khỏi giá trị quyết toán do chưa thực hiện đúng quy định và đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét xử lý 43.117 tỷ đồng, 439 ha đất.
Cơ quan thanh tra đã ban hành 94.717 quyết định xử phạt vi phạm hành chính tổ chức, cá nhân với số tiền 4.460 tỷ đồng; kiến nghị xem xét, xử lý hành chính 1.293 tập thể và 4.732 cá nhân; chuyển cơ quan điều tra tiếp tục xem xét, xử lý 279 vụ, 363 đối tượng.
Trong thời gian qua, toàn ngành thanh tra cũng đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện 8.075 kết luận và quyết định xử lý về thanh tra. Trong đó có 3.445 kết luận thanh tra đã hoàn thành 100% các nội dung phải thực hiện (chiếm 42,7% tổng số kết luận thanh tra được đôn đốc, kiểm tra).
Qua đó, các cơ quan chức năng đã thu hồi 4.418 tỷ đồng và 9ha đất; xử lý hành chính 1.529 tổ chức, 5.182 cá nhân; chuyển cơ quan điều tra 207 vụ, 158 đối tượng; khởi tố 9 vụ, 15 đối tượng; ban hành mới, sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ 221 văn bản về cơ chế, chính sách, phát luật theo kiến nghị tại các kết luận thanh tra (đạt tỷ lệ 58,2%).
Trong thời gian tới, Thanh tra Chính phủ sẽ tiếp tục tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, tập trung vào các dự án đầu tư lớn của các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước; quản lý sử dụng đất đai; đầu tư theo hình thức BT, BOT; cổ phần hoá, thoái vốn, tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước; quản lý vốn, tài sản Nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp; các dự án mua sắm lớn từ ngân sách Nhà nước...
Bên cạnh đó, Thanh tra Chính phủ cũng sẽ khẩn trương kết luận thanh tra, xử lý nghiêm sai phạm đối với các dự án gây thất thoát, thua lỗ kéo dài, dư luận xã hội quan tâm; tăng cường kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các kết luận thanh tra, kiểm toán, nhất là những kiến nghị về hoàn thiện cơ chế chính sách, thu hồi đất đai, tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm.
Ngoài ra, Thanh tra Chính phủ sẽ rà soát, xác định rõ những cơ chế, chính sách về quản lý kinh tế - xã hội còn thiếu chặt chẽ, sơ hở, chồng chéo, dễ bị lợi dụng, dễ làm nảy sinh tham nhũng; những khâu, những lĩnh vực quản lý còn bị buông lỏng, dễ lợi dụng để tham nhũng.
Đặc biệt là cơ chế, chính sách và công tác quản lý trên những lĩnh vực mà thực tế thời gian qua xảy ra nhiều sai phạm, tham nhũng lớn như đất đai, quy hoạch, đầu tư, xây dựng, quản lý vốn và tài sản Nhà nước trong doanh nghiệp...đ ể từ đó khẩn trương có giải pháp khắc phục, bảo đảm hiệu lực, hiệu quả.