Thanh tra Chính phủ kết luận sai phạm tại Dự án BOT cầu Việt Trì
Theo nội dung kết luận thanh tra. Hồ sơ yêu cầu dự án BOT Đầu tư xây dựng cầu Việt Trì, tỉnh Phú Thọ do Ban Quản lý dự án Thăng Long lập, Bộ GTVT thẩm định và phê duyệt, chỉ đưa ra yêu cầu nhà đầu tư tham gia “có báo cáo tài chính năm 2012 và báo cáo tài chính tại thời điểm gần nhất được kiểm toán” là không đúng quy định tại Khoản 2 Điều 10 Thông tư 166/2011/TT-BTC.
Theo quy định, các nhà đầu tư khi dự thầu phải có hồ sơ chứng minh về năng lực tài chính, trong đó “vốn chủ sở hữu được xác định trên cơ sở báo cáo tài chính năm gần nhất đã được kiểm toán độc lập kiểm toán”. Yêu cầu “lệch lạc” trên đã dẫn đến việc đánh giá tiêu chí về vốn chủ sở hữu và năng lực tài chính của liên danh Cienco1 - Thái Sơn - Yên Khánh thiếu chính xác.
Dự án xây dựng cầu Việt Trì, tỉnh Phú Tho được xây dựng theo hình thức BOT với tổng đầu từ 1900 tỷ |
Tại thời điểm nộp hồ sơ đề xuất, Cienco1 là doanh nghiệp 100% vốn nhà nước chưa được Bộ GTVT chấp thuận tham dự thầu lựa chọn nhà đầu tư Dự án, vi phạm quy định tại Khoản 3, Điều 4 Nghị định số 71/2013/NĐ-CP của Chính phủ. Nguồn vốn chủ sở hữu của Cienco1 không đạt yêu cầu phải lớn hơn 20% vốn điều lệ theo quy định tại Điều 5 Nghị định số 108/2009/NĐ-CP. Công ty CP Phát triển đầu tư Thái Sơn Bộ Quốc phòng - thành viên liên danh cũng không đủ năng lực về tài chính và kinh nghiệm…
Theo đề xuất của nhà đầu tư, “mức thu phí từ năm 2016 bằng 3,5 lần mức thu phí đường bộ đầu tư bằng vốn ngân sách nhà nước quy định”. Điều này vi phạm quy định tại Khoản 1, Mục IV.1, Phần 2 Thông tư 90/2004/TT-BTC của Bộ Tài chính, nhưng vẫn được Ban Quản lý dự án Thăng Long đánh giá “đạt” và được Bộ GTVT chấp thuận.
Biên bản đàm phán hợp đồng ngày 22/11/2013 được ký kết giữa Bộ GTVT và liên danh nhà đầu tư Cienco1 - Thái Sơn - Yên Khánh quy định về tiến độ góp vốn: “nhà đầu tư góp 20% giá trị vốn chủ sở hữu trong 2 tháng đầu tiên; 40% giá trị vốn chủ sở hữu trong vòng 6 tháng kể từ ngày ký tắt hợp đồng; đồng thời đáp ứng chi phí phục vụ công tác giải phóng mặt bằng trong trường hợp chưa ký được hợp đồng tín dụng”. Tuy nhiên, TTCP cho biết, sau 90 ngày kể từ khi thành lập liên danh (ngày 22/11/2013 - 20/2/2014), nhà đầu tư mới chỉ góp được tổng số 39,9 tỷ đồng (đạt 15% theo yêu cầu quy định).
Trong đó, Yên Khánh góp 14,65 tỷ đồng; Thái Sơn góp 14,65 tỷ đồng, Cienco1 góp 10,6 tỷ đồng. Đến ngày 21/7/2016, tổng vốn góp của liên danh nhà đầu tư là hơn 212 tỷ đồng, đạt 80,28% theo yêu cầu, và kể từ đó, các nhà đầu tư không thực hiện góp vốn như đã đăng ký tại Phụ lục 2, Hợp đồng BOT ký tắt số 12799/ĐC.BOT-BGTVT ngày 27/11/2013 và Hợp đồng BOT số 45/BOT-BGTVT ngày 29/8/2014.
Trước đó, năm 2016, Kiểm toán Nhà nước cũng chỉ ra các vi phạm tại Dự án Đầu tư xây dựng cầu Việt Trì trong việc lựa chọn nhà thầu, nghiệm thu, thanh toán khối lượng thi công xây lắp. Do đó, Kiểm toán Nhà nước “không chấp nhận quyết toán tại các gói thầu XL01-1, XL01-2 và XL.01-3 với tổng số tiền 74,7 tỷ đồng”.
Thanh tra chính phủ đã chỉ ra hàng loạt sai phạm trong dự án BOT cầu Việt Trì |
Tại dự án này, một ngân hàng đã dựa vào hồ sơ do Công ty CP Phát triển đầu tư Thái Sơn Bộ Quốc phòng cung cấp để đánh giá năng lực tài chính là đạt. Điều này không đúng với thực tế năng lực tài chính của nhà đầu tư này do các số liệu trên báo cáo tài chính sai lệch so với thực tế nhiều lần, điều chuyển cân đối qua lại giữa các chỉ số về tài sản và nguồn vốn không chính xác. Hậu quả là Dự án đã không trả nợ đúng cam kết, không bố trí đủ vốn để trả nợ, thiếu tài sản đảm bảo an toàn vốn vay.
Còn Công ty TNHH Sản xuất thương mại dịch vụ Yên Khánh đem giá trị quyền sử dụng lô đất 3.531 m2 tại số 7 - 9 Tôn Đức Thắng, phường Bến Nghé, Quận 1, TP.HCM để làm tài sản đảm bảo của bên thứ 3 và đi vay cho nhiều dự án, trong đó có Dự án BOT Đầu tư xây dựng cầu Việt Trì là không đúng quy định. TTCP khẳng định, lô đất trên là đất quốc phòng, không được phép thế chấp quyền sử dụng đất theo quy định tại Khoản 3 Điều 9 Thông tư số 35/2009/TT-BQP của Bộ Quốc phòng. Ngày 23/11/2018, Cơ quan điều tra hình sự Bộ Quốc phòng đã khởi tố vụ án, bắt tạm giam một số bị can có hành vi vi phạm về quản lý đất đai tại khu đất này.
Theo Quyết định phê duyệt số 2932/QĐ-BGTVT ngày 25/9/2013 của Bộ Giao thông vận tải (GTVT), Dự án Đầu tư xây dựng cầu Việt Trì có tổng mức đầu tư hơn 1.900 tỷ đồng được đầu tư bằng nguồn vốn do nhà đầu tư tự huy động từ vốn chủ sở hữu và vốn vay; dự kiến thời gian xây dựng từ năm 2013 - 2015; thời gian thu phí hoàn vốn khoảng 20 năm 8 tháng. Tháng 8/2014, Bộ GTVT đã ký hợp đồng BOT với nhà đầu tư được lựa chọn là Liên danh Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 1 (Cienco1) - Công ty CP Phát triển đầu tư Thái Sơn Bộ Quốc phòng (Thái Sơn) - Công ty TNHH Sản xuất thương mại dịch vụ Yên Khánh (Yên Khánh) với tổng vốn đầu tư 1.745 tỷ đồng. Dự án được khởi công ngày 30/11/2013, hoàn thành thông xe kỹ thuật ngày 19/5/2015, được Bộ GTVT chấp thuận cho thu phí từ ngày 7/12/2015.
Tuổi trẻ và Pháp luật sẽ tiếp tục thông tin.