Thành phố Phúc Yên: Dấu ấn sự tăng trưởng kinh tế - xã hội sau 20 năm tái lập

Sau 20 năm, cùng với sự tăng trưởng về kinh tế, thành phố Phúc Yên luôn quan tâm đến phát triển văn hóa, giáo dục, y tế, xây dựng nếp sống văn minh đô thị.
TP. Phúc Yên ưu tiên bố trí vốn cho các dự án thúc đẩy phát triển KT-XH và thu hút đầu tư 200 thí sinh tham gia Hội thi điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật viên giỏi Vĩnh Phúc có thêm một Khu thiết chế văn hóa - thể thao

Với sự năng động, sáng tạo của các cấp lãnh đạo và sự đoàn kết, đồng lòng vượt khó của nhân dân thành phố, Phúc Yên đã dần phát huy lợi thế, khai thác hiệu quả các tiềm năng, tranh thủ các nguồn lực, đạt được nhiều thành tựu, dấu ấn trong phát triển kinh tế - xã hội. Phúc Yên quyết tâm phấn đấu trở thành đô thị loại II, trung tâm kinh tế trọng điểm của tỉnh.

Thành phố Phúc Yên: Dấu ấn trong phát triển kinh tế - xã hội sau 20 năm
Đồng chí Phan Tiến Dũng, Chủ tịch UBND thành phố Phúc Yên Dấu ấn trong phát triển kinh tế - xã hội sau 20 năm

Chính thức thành lập ngày 31/10/1905 theo Nghị định của Toàn quyền Đông Dương và là tỉnh lỵ của tỉnh Phúc Yên, phạm vi của thị xã Phúc Yên lúc bấy giờ gồm 3 làng: Đạm Xuyên, Tháp Miếu và Tiền Châu. Đầu năm 1949, trên chỉ thị giải thể thị xã Phúc Yên, thành lập khu phố Phúc Yên - đơn vị hành chính ngang cấp xã, sau đó được tái lập thành thị xã từ ngày 1-2-1955. Ngày 26-6-1976, Phúc Yên chuyển thành thị trấn thuộc huyện Yên Lãng, tỉnh Vĩnh Phú.

Khi huyện Yên Lãng sáp nhập với huyện Bình Xuyên thành huyện Mê Linh, thì Phúc Yên là huyện lỵ của huyện Mê Linh. Năm 1978, Phúc Yên cùng huyện Mê Linh sáp nhập về thành phố Hà Nội. Năm 1991, Phúc Yên cùng huyện Mê Linh chuyển về tỉnh Vĩnh Phú và năm 1997 chuyển về tỉnh Vĩnh Phúc. Qua nhiều lần chia tách, sáp nhập địa giới hành chính, ngày 9/12/2003, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 153 tái lập thị xã Phúc Yên. Với vị trí địa lý liền kề Thủ đô Hà Nội, giáp sân bay quốc tế Nội Bài, có thị trường rộng lớn để cung cấp và tiêu thụ hàng hoá; có hệ thống giao thông thuận tiện, Phúc Yên có điều kiện thuận lợi để thu hút các nguồn lực đầu tư phát triển.

Ông Phan Tiến Dũng - Chủ tịch UBND thành phố Phúc Yên cho hay, cách đây 20 năm, khi mới tái lập, Phúc Yên còn là một miền quê với cơ sở hạ tầng yếu kém, kinh tế giai đoạn đó vẫn rất nghèo nàn, đời sống người dân gặp không ít khó khăn. Phúc Yên hôm nay mang trong mình sắc thái của một “miền đất hứa” giàu tiềm năng với hệ thống hạ tầng KT - XH đồng bộ, hiện đại. Phúc Yên giờ đây đã “khoác” lên mình một màu áo mới với những tuyến đường nội thị khang trang, sạch đẹp, hàng quán chen chúc; trở thành địa chỉ hấp dẫn thu hút đầu tư của nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước, trong đó có những tập đoàn kinh tế nổi tiếng hàng đầu thế giới như Toyota, Honda,...

Nhiều khu đô thị mới, khu du lịch - nghỉ dưỡng, trung tâm thương mại được hình thành như Khu đô thị Đồng Sơn, khu đô thị Xuân Hòa, khu đô thị Hùng Vương - Tiền Châu, khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng tiêu chuẩn 5 sao Flamingo Đại Lải, Paradise resort , khu nghỉ dưỡng sinh thái Thanh Xuân... Nếu như giai đoạn 2004 - 2005, tổng giá trị sản xuất trên địa bàn thị xã chỉ đạt gần 10.000 tỷ đồng thì đến năm 2023, tổng giá trị sản xuất đạt trên 68.000 tỷ đồng. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch mạnh theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ, giảm tỷ trọng nông nghiệp, trong đó, công nghiệp - xây dựng chiếm 95%, dịch vụ 4,5%, nông nghiệp chiếm 0,5%.

Toàn cảnh thành phố Phúc Yên
Toàn cảnh thành phố Phúc Yên

Tổng thu ngân sách trên địa bàn thị xã năm 2004 chỉ đạt 935,2 tỷ đồng, thì nhiều năm trở lại đây, thu ngân sách của Phúc Yên luôn vượt mốc 20 nghìn tỷ đồng/năm, giá trị sản xuất công nghiệp hằng năm của thành phố chiếm trên 80% tổng giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh, đóng góp quan trọng vào số thu ngân sách của tỉnh.

Theo ông Dũng, sau 20 năm, cùng với sự tăng trưởng về kinh tế, Phúc Yên luôn quan tâm đến phát triển văn hóa, giáo dục, y tế, xây dựng nếp sống văn minh đô thị, thực hiện các chế độ chính sách, ổn định trật tự xã hội, an ninh quốc phòng đảm bảo tiến bộ, dân chủ và công bằng xã hội, nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân.

Sự nghiệp giáo dục và đào tạo được chăm lo. Chất lượng các mặt giáo dục không ngừng được chuyển biến. Trên địa bàn có đầy đủ các loại hình trường lớp từ mầm non đến đại học. Trong những năm qua, Thành phố đã tích cực chỉ đạo, triển khai các giải pháp thực hiện nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo. Tính theo tiêu chuẩn mới, hiện nay Phúc Yên có 16/38 trường đạt chuẩn quốc gia, trong đó có 06 trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 2.

An sinh xã hội luôn đảm bảo. Thành phố Phúc Yên luôn quan tâm giải quyết việc làm, giảm nghèo, thực hiện đầy đủ, kịp thời chế độ chính sách người có công và các đối tượng bảo trợ xã hội. Bằng những việc làm cụ thể, thiết thực, tỷ lệ hộ nghèo của thành phố hiện nay giảm còn 0,37%; đời sống nhân dân ngày càng được cải thiện, nâng cao, góp phần thúc đẩy KT-XH địa phương phát triển ngày càng bền vững.

Công tác quân sự - quốc phòng được quan tâm chỉ đạo. Hàng năm, thành phố hoàn thành 100% chỉ tiêu giao, nhận quân, đảm bảo chất lượng. Nền quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân được củng cố, tăng cường; khu vực phòng thủ của thành phố ngày càng vững chắc, lực lượng vũ trang địa phương được kiện toàn, nâng cao khả năng sẵn sàng chiến đấu. Phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc được duy trì, đã huy động sức mạnh của hệ thống chính trị và toàn dân tham gia đảm bảo an ninh trật tự, trật tự an toàn xã hội, tạo môi trường thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội.

Công ty Honda Việt Nam
Công ty Honda Việt Nam

Đồng thời, thành phố Phúc Yên cũng xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh và thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động tạo sự đồng thuận trong xã hội; Tăng cường công tác chỉ đạo, lãnh đạo của Đảng để xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên thực sự trong sạch, vững mạnh, tạo sự chuyển biến mạnh hơn trong công tác xây dựng Đảng; nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của toàn Đảng bộ, nhất là tổ chức cơ sở Đảng và đội ngủ đảng viên.

Ngoài ra, thành phố cũng nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước của chính quyền các cấp; phát huy dân chủ và sức mạnh đoàn kết toàn dân và của cả hệ thống chính trị để thực hiện thành công các nhiệm vụ đầu tư xây dựng và phát triển đô thị Vĩnh Phúc; Thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động, tạo sự đồng thuận trong xã hội để mọi người dân ủng hộ trong đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng khung thành phố Phúc Yên.

Lê Sơn
Phiên bản di động