Thanh Hóa yêu cầu các nhà máy xây dựng phương án vừa sản xuất vừa chống dịch.
Mới đây, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên, Phó trưởng ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 đã có buổi làm việc với UBND tỉnh Thanh Hoá về công tác phòng chống dịch.
Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên, Phó trưởng ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 đã có buổi làm việc với UBND tỉnh Thanh Hoá về công tác phòng chống dịch. ( Ảnh Minh Họa ) |
Do tỉnh Thanh Hóa đông dân, có 5 khu công nghiệp, 1 khu kinh tế với gần 18 nghìn doanh nghiệp và khoảng 340 nghìn lao động. Vì vậy, theo Thứ Trưởng công tác phòng chống dịch trong khu công nghiệp phải hết sức lưu tâm. Tỉnh cần tổ chức tập huấn cho các đơn vị thực hiện quyết định QĐ/2787 của Bộ Y tế về hướng dẫn phòng chống dịch trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp trong nhà máy.
Ban quản lý Khu công nghiệp tổ chức tập huấn cùng sự phối hợp với Sở Công thương, y tế và UBND huyện kiểm tra từng doanh nghiệp xem có thành lập Ban chỉ đạo không và chủ doanh nghiệp phải làm Trưởng ban chỉ đạo; Yêu cầu chủ doanh nghiệp phải ký cam kết phòng chống dịch với Ban quản lý Khu công nghiệp hoặc với UBND huyện. Yêu cầu công nhân ký cam kết phòng chống dịch.
Tỉnh phải tính đến tình huống có ca mắc trong doanh nghiệp. Do đó, tỉnh yêu cầu nhà máy phải xây dựng phương án vừa chống dịch vừa sản xuất. Theo phương châm 50% đi làm, 50% ở nhà. Với những người đi làm thì thực hiện xét nghiệm nhanh và khi vào nhà máy làm việc sẽ ăn ngủ nghỉ trong nhà máy, hết 14 ngày luân phiên công nhân khác.
Đối với trường hợp xuất hiện ca bệnh, cần thực hiện phương châm là nhanh chóng phát hiện thần tốc truy vết, khoanh vùng, phong toả, lấy mẫu và trả kết quả xét nghiệm sớm nhất.
Cũng trong buổi làm việc Thứ Trưởng nhấn mạnh: "Tỉnh cũng hết sức lưu ý trong cộng đồng, đặc biệt là trong phòng chống dịch ở khu nhà trọ, phát huy thế mạnh của tổ Covid-19 cộng đồng. Chủ nhà trọ ký cam kết với chính quyền, thực hiện và thường xuyên đi kiểm tra để nhắc nhở chủ nhà trọ...".
Hiện tại với năng lực xét nghiệm của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh và Bệnh viện Đa khoa tỉnh là 800 mẫu/ngày (nếu gộp mẫu có thể xét nghiệm cho 3.000 đến 4.000 người/ngày); Khi cần thiết sẽ kích hoạt phòng xét nghiệm tại Bệnh viện Nhi với năng lực khoảng 200 mẫu/ngày. Thứ trưởng cho rằng tỉnh cần nâng cao năng lực xét nghiệm lên khoảng 5000-7000 mẫu. Đồng thời Thanh Hoá cần phải quản lý chặt chuyên gia đến địa phương, thực hiện xét nghiệm sàng lọc 20% công nhân và tuyệt đối, không được để lây nhiễm chéo trong bệnh viện và cơ sở điều trị.
Để thuận lợi cho quá trình điều hành công tác phòng chống dịch, Thanh Hóa cần khẩn trương thành lập trung tâm dữ liệu thông tin dịch bệnh tại tỉnh.