Thanh Hóa: Cảnh báo nạn "cò đất" thổi giá lên trời tạo cơn sốt ảo
Thanh Hóa: "Khởi động" dự án "khủng" Nam Cổ Đam Thông tin về dự án Nam Cổ Đam Bỉm Sơn với mức đầu tư hơn 500 tỷ đồng |
Theo thông tin từ UBND TP Thanh Hoá, hiện nay trên địa bàn, một số dự án đất nền chưa đủ điều kiện pháp lý, tuy nhiên lợi dụng sự nhẹ dạ, cả tin và hám lời của người dân nên một số nhân viên môi giới "cò đất" đã rao bán, thuyết phục người dân giao dịch gây thiệt hại về kinh tế và nhiều hệ lụy có liên quan.
Cụ thể, tại các mặt bằng như: MB1130 phường Hàm Rồng, MB 09 phường Nam Ngạn, MB 1820 phường Quảng Thành chưa đủ điều kiện pháp lý để thực hiện đấu giá... và một số mặt bằng trúng đấu giá nhưng chủ đầu tư chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính, chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Tuy nhiên, một số nhân viên môi giới rao bán, thuyết phục người dân giao dịch với mọi hình thức như: đặt cọc tiền, góp vốn bằng hình thức “đăng ký nguyện vọng”, mua bán, chuyển nhượng…
Một số dự án đang bị "cò đất" thổi giá lên trời |
Để tránh rủi ro, thiệt hại về kinh tế, Chủ tịch UBND TP Thanh Hóa khuyến cáo các tổ chức, cá nhân không thực hiện các giao dịch đối với dự án chưa đủ một trong các điều kiện sau: Chưa có giấy tờ về chứng nhận quyền sử dụng đất, chưa hồ sơ dự án, thiết kế bản vẽ thi công được cấp có thẩm quyền phê duyệt, chưa được cấp giấy phép xây dựng, giấy tờ về nghiệm thu việc hoàn thành xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật tương ứng theo tiến độ dự án;
Dự án chưa hoàn thành việc đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng và các dịch vụ thiết yếu gồm: Cấp điện, cấp nước, thoát nước, thu gom rác thải; dự án chủ đầu tư chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính liên quan đến đất đai; dự án có tranh chấp về quyền sử dụng đất; bị kê biên để bảo đảm thi hành án.
Theo khuyến cáo, các tổ chức, cá nhân cần tìm hiểu kỹ, rõ ràng về các dự án, các mặt bằng trên địa bàn thành phố để tránh rủi ro, thiệt hại kinh tế phát sinh khi người dân khi thực hiện các giao dịch.
UBND TP Thanh Hóa cũng yêu cầu Chủ tịch UBND các phường, xã, Giám đốc Trung tâm Văn hóa, Thông tin, Thể thao và Du lịch thông báo trên hệ thống truyền thanh và bằng các hình thức phù hợp khác để các tổ chức, cá nhân biết để tránh rủi ro, thiệt hại kinh tế phát sinh khi người dân thực hiện các giao dịch.
Nhận định về thị trường trong những năm trở lại đây, Bộ Xây dựng cho rằng, giới đầu cơ bất động sản vẫn hoạt động công khai, lợi dụng các yếu tố xã hội như chuẩn bị quy hoạch đô thị, chuẩn bị xây dựng các công trình hạ tầng, mở rộng đô thị... để đẩy giá lên cao thu lợi bất chính làm bất ổn thị trường.
Từ thực tế trên, Bộ Xây dựng cho biết, thời gian tới sẽ thường xuyên theo dõi, nắm bắt thông tin, tình hình diễn biến của thị trường và có các biện pháp kịp thời để ổn định thị trường, phòng ngừa và ngăn chặn hiện tượng đầu cơ, chuyển nhượng quyền sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất trái pháp luật làm tăng giá bất động sản bất hợp lý trên địa bàn, không để xảy ra tình trạng sốt nóng giá bất động sản và bong bóng bất động sản.
Nhìn nhận dưới góc độ pháp luật, luật sư Vi Văn Diện, Giám đốc Công ty luật Thiên Minh cho rằng, tất cả những hành vi nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm tới lợi ích công cộng đều là những hành vi có thể đưa vào chế tài hình sự để xử lý, do vậy, cần phải xây dựng những tội danh mới trong Bộ luật Hình sự. Theo vị luật sư Diện, những hành vi thổi giá lên cao thu lợi hàng trăm, hàng nghìn tỷ đồng rõ ràng là hành vi xâm phạm nghiêm trọng tới quá trình quản lý thị trường bất động sản, xâm phạm tới lợi ích của người dân. “Đây là hành vi phạm tội, phải đưa vào chế tài hình sự, tức là hình sự hóa hành vi này. Việc chỉ ra, nhận biết được hành vi nguy hiểm cho xã hội thì cần phải đưa vào Bộ luật Hình sự ngay để đảm bảo tính kịp thời, điều chỉnh các mối quan hệ bất bình thường trong xã hội. Đây là điều chúng ta nên làm ngay, làm sớm chỉ có như vậy mới đảm bảo được đời sống và quyền lợi của người dân”, luật sư Diện nhấn mạnh. |