Thái Nguyên: Quy trách nhiệm khi để xảy ra khai thác khoáng sản trái phép

Chủ tịch UBND cấp huyện phải chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh Thái Nguyên và Chủ tịch UBND tỉnh nếu để xảy ra tình trạng khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn.
Nhiều doanh nghiệp khai thác khoáng sản Thanh Hóa đang thách thức pháp luật Thanh tra Chính phủ chỉ rõ sai phạm về khai thác khoáng sản ở Hòa Bình Vi phạm về môi trường, Công ty TNHH Tân Tiến bị phạt 235 triệu đồng và đình chỉ 4 tháng

Thời gian qua, tình trạng khai thác trái phép đất làm vật liệu san lấp ở một số huyện như Đồng Hỷ, Phú Bình, thị xã Phổ Yên, TP Thái Nguyên và Sông Công có chiều hướng phức tạp, các cơ quan chức năng chưa kịp thời ngăn chặn, xử lý dẫn đến bức xúc trong dư luận.

Theo báo cáo của các cơ quan chức năng, mặc dù các sở, ngành, UBND cấp huyện đã tích cực vào cuộc, tổ chức kiểm tra, ngăn chặn, giải tỏa các hoạt động khai thác trái phép đất làm vật liệu san lấp. Tuy nhiên, vẫn còn những điểm tái diễn nhiều lần sau khi các lực lượng chức năng giải tỏa, gây thất thoát tài nguyên, thất thu ngân sách, ảnh hưởng xấu đến môi trường cảnh quan và gây mất an ninh trật tự.

Thái Nguyên: Quy trách nhiệm khi để xảy ra khai thác khoáng sản trái phép
Khai thác đất trái phép tại thôn Mỏn Hạ, xã Tân Kim, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên khiến người dân bức xúc

Để hoạt động, quản lý tài nguyên, khoáng sản đi vào nền nếp, đảm bảo sự tôn nghiêm của pháp luật, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên Trịnh Việt Hùng nhấn mạnh: Chủ tịch UBND cấp huyện phải chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh và Chủ tịch UBND tỉnh nếu để xảy ra tình trạng khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn.

Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cần tăng cường các biện pháp kiểm tra, xử lý nghiêm những đối tượng có hành vi khai thác cũng như các tổ chức, cá nhân có hành vi bao che cho hoạt động khai thác khoáng sản trái phép; kiểm điểm trách nhiệm đối với Chủ tịch UBND cấp xã nếu để xảy ra tình trạng khai thác khoáng sản trái phép.

Ngoài ra, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên Trịnh Việt Hùng chỉ đạo các cơ quan chức năng tổng hợp nhu cầu đất san lấp của địa phương mình, đề xuất các giải pháp quản lý theo quy định và yêu cầu kiện toàn ngay Ban Chỉ đạo quản lý khoáng sản tỉnh và Đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh.

Thái Nguyên: Quy trách nhiệm khi để xảy ra khai thác khoáng sản trái phép
Chủ tịch UBND cấp huyện phải chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh và Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên nếu để xảy ra tình trạng khai thác khoáng sản trái phép. Ảnh: CTTĐTTN

Chủ tịch tỉnh Thái Nguyên chỉ đạo trong tháng 5/2021 mở lớp tập huấn nghiệp vụ về xử phạt vi phạm hành chính cho các cấp, ngành trong tỉnh. Sở Xây dựng đánh giá nhu cầu của tỉnh giai đoạn 2021 - 2025 để đề xuất bổ sung các điểm mỏ vào Quy hoạch tỉnh làm cơ sở cấp phép thăm dò, khai thác, đáp ứng nhu cầu sử dụng trên địa bàn tỉnh.

Theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường Thái Nguyên, trên địa bàn hiện đã quy hoạch 83 điểm mỏ đất làm vật liệu san lấp, với tổng diện tích 737,63 ha.

Hiện nay, tỉnh Thái Nguyên đã tổ chức đấu giá thành công 13 điểm mỏ đất làm vật liệu san lấp ở khu vực chưa thăm dò đánh giá trữ lượng; đã cấp phép thăm dò và phê duyệt trữ lượng 17 điểm mỏ với tổng trữ lượng đã được phê duyệt là trên 28 triệu m3.

Đồng thời, tỉnh cấp phép khai thác 11 điểm mỏ, tổng trữ lượng 13.176.700 m3, công suất 1.483.000 m3/năm; diện tích cấp phép 173,25 ha (trong đó, thị xã Phổ Yên 2 mỏ, thành phố Sông Công 1 mỏ, huyện Phú Bình 3 mỏ, huyện Đồng Hỷ 5 mỏ). Ngoài ra, có 7 điểm mỏ của 6 doanh nghiệp đang hoàn thiện hồ sơ cấp giấy phép.

Vi Hải
Phiên bản di động