Tết “xê dịch” thêm yêu quê hương

Tết “xê dịch” trở thành sự lựa chọn của nhiều bạn trẻ hiện đại. Vi vu vào dịp nghỉ Tết để có thêm thời gian trải nghiệm, họ vừa khám phá nét văn hoá cổ truyền dân tộc, vừa thẩm thấu vẻ đẹp của những vùng đất mới trên dải đất hình chữ S.
Những con đường Hà thành “nhất định phải đến” khi Tết về Có một cái Tết rất khác Tết của bác sĩ trẻ giành sự sống cho bệnh nhân từ “thần chết Covid”

Đi để khám phá, để… nhớ nhà

Thời còn đi học, mỗi dịp Tết, Nguyễn Ngọc Ánh (27 tuổi) đều háo hức mong chờ đến ngày được về quê quây quần bên gia đình, được hòa vào không khí Tết quê hương. Tuy nhiên, 3 năm trở lại đây, cô gái trẻ lại thích trải nghiệm, tận hưởng không khí Tết ở những nơi xa. Ngọc Ánh cho biết, năm nay, cô đã xin phép bố mẹ và đặt vé máy bay vào Nha Trang để đón Giao thừa cùng thành phố biển. Cô sẽ trở về vào ngày mùng 2 Tết.

“Năm ngoái mình du lịch miền Tây, về nhà đúng ngày tất niên. Chuyến đi đã cho mình nhiều cảm xúc, một nửa háo hức khám phá, một nửa nhớ nhà, để rồi thấy yêu quê hương và mong được trở về biết mấy. Năm nay, mình quyết tâm tận hưởng không khí năm mới tại Nha Trang cùng với bạn”, Ngọc Ánh chia sẻ.

Vốn là người thích xê dịch nên mỗi dịp Tết, Lê Văn Hoàng (33 tuổi) ít khi ở nhà. Văn Hoàng cho biết, 3 năm trở lại đây, mỗi năm, anh đón Tết ở một nơi khác nhau. Tết năm ngoái, anh có mặt tại Đắk Lắc, Kon Tum, Lâm Đồng. Năm trước nữa, anh đón Tết tại Hàn Quốc. Năm nay, chàng trai trẻ đã có kế hoạch đón năm mới bằng một tour du xuân ở các tỉnh Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa.

Tết “xê dịch” thêm yêu quê hương
Bạn trẻ khám phá Eo Gió tại tỉnh Bình Định

Anh Hoàng cùng một người bạn thân khám phá vẻ đẹp của dải đất vùng duyên hải Nam Trung Bộ mà họ đã tìm hiểu như: Eo gió, Kỳ Co, chùa Ông Núi, Cù lao Xanh, tháp Bánh Ít (Bình Định); Tháp Nhạn, vịnh Xuân Đài, đập Đồng Cam, vịnh Vũng Rô, ghềnh Đá đĩa (Phú Yên); Vinpearl Land, Tháp Bà Ponagar, vịnh Nha Trang…

Theo anh Hoàng, thời hiện đại, chúng ta không nên đặt nặng việc phải đón Tết cùng gia đình mà tạo áp lực bản thân. Một chuyến đi xa cũng là dịp để giải tỏa bức bối trong cuộc sống thường ngày. Đối với chàng trai trẻ quanh năm luôn ở gần nhà thì người lớn sẽ biết sở thích và thông cảm. Vì vậy, mọi người cũng khá thoải mái trong việc anh vắng mặt vào những ngày Tết.

Chính những chuyến đi đã cho anh cảm giác nhớ nhà da diết như thế nào. “Năm đầu tiên, mình ăn Tết ở nhà bạn trên Tây Nguyên và sau đó tự đi thăm thú vùng đất đỏ này. Ðến năm sau, mình đi nước ngoài thì cảm giác nhớ nhà và nhớ không khí đêm Giao thừa cả nhà quây quần bên mâm cơm cúng tổ tiên, rồi canh nồi bánh chưng đến nao lòng”, anh Hoàng trải lòng.

Biết yêu thương, san sẻ nhiều hơn

Tết theo truyền thống, cả nhà quây quần bên mâm cơm tối đêm Giao thừa; Tất bật sắm sửa, trang trí nhà cửa. Ngày Tết gặp gỡ, mọi người chúc nhau năm mới an yên, sung túc. Tuy nhiên, không chỉ bạn trẻ Nguyễn Ngọc Ánh, Lê Văn Hoàng mà còn rất nhiều người khác nữa chọn đón năm mới theo những cách khác biệt.

Năm 2021, gia đình chị Lê Ngọc Dương (35 tuổi) lần đầu tiên đón Tết bằng cách đi du lịch. “Bao nhiêu năm nay, truyền thống của gia đình mình là cứ ngày mùng một Tết sẽ tập trung ở nhà ông bà nội tại Hà Nam cùng chúc mừng, gặp mặt đầu năm, sau đó di chuyển vào nhà ông bà ngoại ở Ninh Bình ăn Tết. Năm nay, gia đình mình chọn đi du lịch vào dịp Tết vì quanh năm ai cũng bận rộn công việc, học hành. Dịp Tết là thời điểm cả nhà được nghỉ, cùng đi du lịch. Cảm giác ngày đầu tiên của năm mới, thức dậy ở một nơi xa lạ cũng là một kỷ niệm thú vị và đáng nhớ cho các thành viên gia đình”, chị Dương bày tỏ.

Gia đình chị Dương cùng nhau đón năm mới tại huyện Hoàng Su Phì, tỉnh Hà Giang với người dân tộc Dao Đỏ. Lý do để chị chọn ăn Tết ở vùng núi đá này bởi đây là địa danh còn nhiều điều cần khám phá. Đặc biệt, nét văn hóa của người Dao Đỏ khiến chị tò mò và thèm được trải nghiệm qua những câu chuyện về cái Tết đặc trưng của họ. Không những thế, Hà Giang cũng chính là nơi chị Dương và chồng của chị bây giờ gặp nhau trong một chuyến tình nguyện khi hai người ở độ tuổi 20.

Chị Dương bộc bạch: “Mình nhận thấy một điều, khi đi khỏi mảnh đất chôn nhau cắt rốn, bước ra khỏi thế giới nhỏ bé của gia đình thì hiểu được mọi thứ bên ngoài thật khác. Có những vùng đất trù phú, giàu sang, cũng có những vùng đất mình đặt chân đến, đón một cái Tết thiếu thốn đủ thứ, đầy gió lạnh. Bởi thế, mình càng thấu hiểu, cảm thông với sự nhọc nhằn, vất vả của đồng bào trong ngày Tết truyền thống, để rồi bản thân biết yêu thương, san sẻ nhiều hơn”.

Lê Dung
Phiên bản di động